Thái Nguyên: Huyện Võ Nhai khẳng định không có chuyện phá rừng đặc dụng

Mới đây, ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai ký Văn bản số 1852/UBND-VP gửi UBND tỉnh Thái Nguyên để làm rõ thông tin phản ánh về thông tin liên quan đến rừng đặc dụng tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên trong thời gian vừa qua.

Thi công xây dựng tuyến đường xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của 97 hộ, với 396 nhân khẩu trên địa bàn xóm Xuyên Sơn.

Trước đó, khoảng đầu tháng 8/2018, xuất hiện một số thông tin cho rằng, Công ty CP ĐTXD và Khai thác khoáng sản Thăng Long đã “mượn danh xây dựng nông thôn mới để đào vàng”, hay “làm đường nông thôn mới phá rừng đặc dụng” tại khu vực thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 20/8/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Võ Nhai và các đơn vị liên quan kiểm tra xác minh làm rõ.

Làm đường từ nguyện vọng của dân

Trên cơ sở kiểm tra cho thấy, tuyến đường nông thôn mới từ ngã ba xóm Ngọc Sơn II đi Bản Ná, xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai được UBND huyện Võ Nhai phê duyệt trong quy hoạch và phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới xã Thần Sa tại Quyết định số 2807/QĐ-UBND ngày 30/11/2012; Quyết định số 2918/QĐ-UBND ngày 17/12/2012.

Văn bản số 1852 nêu rõ, “việc tổ chức thực hiện đề án, thi công tuyến đường là nguyện vọng chính đáng của 97 hộ, với 396 nhân khẩu trên địa bàn xóm Xuyên Sơn. Đây cũng là tuyến đường duy nhất mà các phương tiện có thể đi vào xóm Xuyên Sơn. Việc làm con đường này có ý nghĩa hết sức to lớn, hợp ý Đảng, lòng dân, tạo điều kiện nâng cao đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Qua kiểm tra xác minh thực tế thì tuyến đường được làm trên nền đường cũ, đã có từ lâu đời, hai bên không có cây rừng, chỉ là cây bụi, cỏ dại và cây gỗ keo do nhân dân tự trồng.

Sẽ sớm thành lập tổ công tác, làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ:

Sau khi có báo cáo trên, UBND huyện Võ Nhai đã chủ động thông tin cho báo chí theo quy định. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Thái Nguyên, vẫn còn một số thông tin chưa khách quan, đúng bản chất sự việc được đăng tải. Ngày 17/9/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản 3690/UBND-TH báo cáo Văn phòng Chính phủ; gửi Ban Tuyên giáo Trung ương và Cục Báo chí (Bộ Thông tin & truyền thông) đề nghị được giúp đỡ “định hướng thông tin báo chí, tuyên truyền trung thực, khách quan, toàn diện, đúng luật và trên tinh thần xây dựng, đóng góp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”. Tuy nhiên, ngày 20/9/2018, Văn phòng Chính phủ nhận được đơn tố cáo của công dân phản ánh nội dung thực trạng như thông tin các báo đã nêu, chuyển UBND tỉnh Thái Nguyên giải quyết. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chuyển chỉ đạo của Văn Phòng Chính phủ, giao Thanh tra tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan sớm làm rõ, báo cáo Thủ tướng. Theo ông Đỗ Đức Công, Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên chiều ngày 24/9, đơn vị đã tổ chức họp và sớm triển khai chỉ đạo trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ./.

Tuy nhiên, đối chiếu với quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên năm 2013 và đến năm 2020 được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 10/7/2014 thì một phần tuyến đường nằm trong quy hoạch 3 loại rừng. Điều đó cũng đồng nghĩa quy hoạch 3 loại rừng phê duyệt năm 2014 bao lên một phần tuyến đường mòn xưa kia, tuyến đường quy hoạch nông thôn mới năm 2012. Không chỉ có vậy, quy hoạch 3 loại rừng còn bao trùm lên đất sản xuất, đất tâm linh, đất ở của nhiều hộ dân. Đối chiếu với bản đồ địa chính năm 2007, một phần quy hoạch tuyến đường nông thôn mới lại nằm trong quy hoạch đất rừng sản xuất.

UBND huyện Võ Nhai khẳng định, sự bất cập nêu trên đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, đi lại của nhân dân. Đây cũng là những lý do để năm 2017, xã Thần Sa, Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng và đơn vị doanh nghiệp tư nhân đã đề xuất xin chuyển đổi một phần đất rừng cho phù hợp thực tiễn. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương, do vậy UBND tỉnh đã có chỉ đạo rà soát tổng thể và đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch đất rừng trong năm 2018.

Khai thác vàng trong phạm vi cấp phép

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra đã xác định Công ty CP ĐTXD và Khai thác Khoáng sản Thăng Long thực hiện khai thác trong phạm vi ranh giới được cấp phép và cho thuê đất. Công ty được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác mỏ tại Quyết định 3068/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 với diện tích 32,6ha và cho thuê đất 30,55 ha (cấp phép trước quy hoạch 3 loại rừng 6 năm). Khu vực đổ thải của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tại Văn bản 640/UBND-TNMT ngày 28/4/2011 với diện tích khoảng 10ha.

Văn bản số 1852 nêu rõ, trong quá trình khai thác doanh nghiệp cũng chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về môi trường, đồng thời góp phần thực hiện an sinh xã hội tại địa phương. Do vậy, thông tin lợi dụng xây dựng đường nông thôn mới để khai thác vàng là không đúng.

Về khu vực đình, đền, chùa Bản Ná, xã Thần Sa, khu vực này có tổng diện tích khoảng 0,12 ha và đã có trước khi xác lập khu bảo tồn, quy hoạch rừng đặc dụng, nhân dân vẫn đến sinh hoạt tín ngưỡng.

Theo nguyện vọng của người dân xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa và người dân trong khu vực cũng như chính quyền địa phương đề xuất trùng tu, nâng cấp đình, đền, chùa Bản Ná trên nền đình, đền, chùa cũ đã có từ lâu đời. Công ty CP ĐTXD và KT Khoáng sản Thăng Long đã công đức tài chính để trùng tu, sửa chữa, đầu tư nâng cấp.

Trước khi thực hiện việc trùng tu, nâng cấp, Công ty đã báo cáo Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên và đã được đồng ý. Hiện nay, bà con nhân dân xóm Xuyên Sơn và khu vực lân cận vẫn thường xuyên đến lễ chùa, đình, đền tại khu vực trên.

UBND huyện Võ Nhai khẳng định, thông tin phản ánh khu đền, chùa Bản Ná xây dựng trái phép trên đất rừng đặc dụng là không đúng.

Phạm Duy

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/thai-nguyen-huyen-vo-nhai-khang-dinh-khong-co-chuyen-pha-rung-dac-dung_t114c1143n139134