Thái Nguyên: Tăng cường công tác lãnh đạo về chuyển đổi số

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách...

Đó là một trong những giải pháp được nêu rõ tại Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

 Ảnh chỉ có tính chất minh họa (Ảnh: BT)

Ảnh chỉ có tính chất minh họa (Ảnh: BT)

Phấn đấu trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnhđược xử lý trên môi trường mạng

Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ, chuyển đổi số là xu hướng phát triển vừa mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, các địa phương và tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Những năm qua, chuyển đổi số bước đầu đã có đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành. Các hệ thống dùng chung của tỉnh như: Thư điện tử, quản lý văn bản đi - đến, cổng, trang thông tin điện tử, cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, mạng truyền thông số liệu chuyên dùng của cơ quan đảng, nhà nước được triển khai liên thông 3 cấp hành chính từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương.

Đến nay, việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 phục vụ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh đạt 34,87%; tỷ lệ xử lý hồ sơ điện tử đạt 65,84%. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin bước đầu được đầu tư hiện đại: mạng lưới cáp quang được kéo đến 98% các xóm, bản, tổ dân phố, trong đó, 52% hộ gia đình sử dụng dịch vụ truy cập internet băng rộng, tốc độ cao. Toàn tỉnh có 1.650 điểm thu phát sóng cung cấp dịch vụ điện thoại di động, truy cập internet đến 99% xóm, bản, tổ dân phố, trong đó gần 70% thuê bao có sử dụng dịch vụ truy cập internet 3G và 4G.

Kinh tế số bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, công nghệ số đang được ứng dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ, xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, dựa trên nền tảng công nghệ số và internet, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu, đến năm 2025, trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phấn đấu kinh tế số chiếm trên 20% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp số.

Mục tiêu căn bản đến năm 2030, trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. 100% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 70% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xứ lý trên môi trường mạng. Ngoài ra, hình thành được nền tảng cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về chuyển đổi số

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Cụ thể, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi số. Đặc biệt là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đi cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Đồng thời, tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị mình. Lấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành, đơn vị.

Bên cạnh đó, để thực hiện được mục tiêu, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp nhằm tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong triển khai thực hiện chuyển đổi số.

Các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị.

Ngoài ra, cần tổ chức triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình chuyển đổi số quốc gia và các cơ chế, chính sách của Trung ương về chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh, đồng thời, các cơ quan, đơn vị, các ngành tập trung, khẩn trương số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trên môi trường số./.

Thanh Hương

Nguồn ĐCSVN: https://daihoi13.dangcongsan.vn/tin-moi/phong-trao-thi-dua/thai-nguyen-tang-cuong-cong-tac-lanh-dao-ve-chuyen-doi-so-3769