Thái Nguyên tiếp tục tạo dấu ấn từ phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Năm 2022, Thái Nguyên đã đạt và vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu đề ra, tiếp tục tạo dấu ấn từ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Thái Nguyên tiếp tục tạo dấu ấn từ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Thái Nguyên tiếp tục tạo dấu ấn từ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra

Theo đó, năm vừa qua Thái Nguyên đã khắc phục những khó khăn, phát huy thời cơ, thuận lợi, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, cụ thể: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tính tăng 8,59% so với năm 2021, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản. GRDP bình quân đầu người ước đạt 107 triệu đồng bằng 101,9% kế hoạch, tăng 12,5% (tương đương tăng gần 12 triệu đồng/người/năm) so với năm 2021.

Đặc biệt, năm 2022 thu ngân sách toàn tỉnh đạt 19.096 tỷ đồng, bằng 131,2% so với dự toán Bộ Tài chính giao. Trong đó thu nội địa đạt 15.890,5 tỷ đồng, đạt 125,6% dự toán Bộ Tài chính giao, là cơ sở để từ năm 2023,

Thái Nguyên là một trong 18 địa phương trong cả nước thực hiện điều tiết thu ngân sách về Trung ương. Điều này cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 850 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 9.000 tỷ đồng; cấp điều chỉnh thay đổi cho 2.400 doanh nghiệp; cấp thành lập 600 đơn vị trực thuộc; tạm ngừng hoạt động 700 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể là 92 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 8.850 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 129.300 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 171 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký đạt gần 10,3 tỷ USD (tương đương khoảng 237,3 nghìn tỷ đồng), tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 854 dự án với số vốn đăng ký khoảng 150.111,1 tỷ đồng.

Hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được duy trì ổn định. Tỉnh Thái Nguyên hiện có 22 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư hạ tầng là 6.650 tỷ đồng, các cụm công nghiệp hoạt động trên địa bàn thu hút được 65 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký là 9.433 tỷ đồng.

Hoạt động các doanh nghiệp được duy trì ổn định trên địa bàn.

Thúc đẩy chuyển đổi số tạo đột phá phát triển

Bên cạnh đó, xác định chuyển đối số là “chìa khóa” thành công giúp tỉnh Thái Nguyên đi tắt, đón đầu những thời cơ, thuận lợi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết về vấn đề này.

Với mục tiêu, phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc đến năm 2025 thuộc tốp 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Việc quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết về Chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả thiết thực, tỉnh Thái Nguyên hiện đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về Chuyển đổi số, trong đó xếp hạng Chính quyền số đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố; Kinh tế số đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố; Xã hội số đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Các chỉ số đo lường, đánh giá của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan hành chính nhà nước đạt thứ hạng cao.

Tỉnh Thái Nguyên đã cung cấp 2.132/2.132 (100%) thủ tục hành chính đủ điều kiện mức độ 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; triển khai các ứng dụng nhằm phát triển chính quyền số, xã hội số như: “C-ThaiNguyen”, “ThaiNguyen ID”, Sổ tay Đảng viên điện tử; chính thức khai trương mạng 5G; đã đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh (IOC), Trung tâm điều hành thông minh thành phố Sông Công, Phổ Yên. Triển khai phòng họp không giấy tờ đối với các hội nghị của cấp ủy, HĐND, UBND từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Kết nối phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến 9/9 huyện, thành phố và 178/178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, chuyển đổi số đã góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, như hỗ trợ 11.670 công dân Thái Nguyên gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh ở 22 tỉnh, thành phố phía Nam với số tiền là 23,3 tỷ đồng thông qua ứng dụng C-Thái Nguyên; Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần PC-Covid, khai báo y tế điện tử bằng mã QR.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đặt ra các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể như: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đặc biệt, xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9%/năm trở lên. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không bao gồm thu tiền sử dụng đất và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết) tăng bình quân từ 10%/năm trở lên. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt từ 150 triệu đồng và thu nhập bình quân đầu người đạt từ 100 triệu đồng trở lên…

VPVB

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thai-nguyen-tiep-tuc-tao-dau-an-tu-phuc-hoi-va-tang-truong-kinh-te-post624280.html