Thái Nguyên: Trang trại lợn ngang nhiên xả thải ra sông, chính quyền địa phương 'bất lực'?

Sau nhiều lần liên hệ và đặt lịch làm việc qua văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, nhưng đến nay đã nhiều ngày trôi qua PV vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ vị Phó Giám đốc Sở này về việc trang trại lợn của gia đình ông gây ô nhiễm môi trường.

Như báo CLXH đã đưa ở bài trước, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Ngô Văn Ban – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Nguyên ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên đã hoạt động nhiều năm và ngang nhiên xả thải ra sông Công gây ô nhiễm môi trường khiến nhiều người dân nơi đây bức xúc.

Sau khi nhận được phản ánh của bà con nhân dân xóm Lam Sơn và Soi Vàng về vấn đề ô nhiễm môi trường nêu trên PV đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại cũng như đến trực tiếp văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên để đặt lịch làm việc nhằm trao đổi để có thông tin khách quan nhất về sự việc.

Nhưng có vẻ như để gặp được vị Phó Giám đốc Sở này là vô cùng khó khăn. Bởi vậy, đến nay mặc dù đã nhiều ngày trôi qua nhưng mọi phản hồi từ vị Phó Giám đốc Sở này vẫn bặt vô âm tín. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi và đặt ra câu hỏi có hay không việc ông Ngô Văn Ban đang cố tình né tránh trước việc trang trại lợn của gia đình ông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện nay?

Sông Công vẫn đang từng ngày, từng giờ phải hứng chịu những dòng nước ô nhiễm khủng khiếp từ trang trại lợn của gia đình ông Ban

Để tìm hiểu rõ hơn thông tin sự việc, ngày 15/10 phóng viên tiếp tục quay lại UBND xã Tân Cương để làm việc xung quanh vấn đề phản ánh của người dân. Tại buổi làm việc, ông Phạm Tiến Sỹ - Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: Sau khi có ý kiến của người dân về việc trang trại lợn của gia đình ông Ban gây ô nhiễm môi trường, xã đã 2 lần liên hệ với ông Ban đến làm việc tuy nhiên ông này liên tiếp báo bận và nói tuần sau sẽ đến làm việc. Nhưng từ đó đến nay vẫn không thấy ông Ban đến UBND xã để làm việc về vấn đề nêu trên.

Ngoài ra ông Sỹ còn cho biết thêm: Trước đó Sở Tài nguyên & Môi trường đã có 2 lần yêu cầu gia đình ông Ngô Văn Ban đến làm việc nhưng lần 1 thì không có ai trong gia đình ông Ban đến tham dự. Phải đến lần thứ hai mới có người tham dự.

Cũng tại buổi làm việc này, ông Phạm Tiến Sỹ đã cung cấp cho PV một biên bản làm việc do Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thái Nguyên phối hợp với UBND xã Tân Cương làm việc với hộ gia đình ông Ngô Văn Ban – Bà Trần Thị Mai (vợ ông Ban) vào ngày 21/6/2018 liên quan đến việc trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường.

Tại buổi làm việc ngày hôm đó có ông Nguyễn Văn Tài con rể bà Trần Thị Mai (vợ ông Ban) đến dự theo sự ủy quyền của bà Mai. Trong đó biên bản đã chỉ rõ những tồn tại trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của trang trại này như: không thực hiện một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, chưa hoàn thành việc xây dựng công trình xử lý nước thải theo đề án bảo vệ môi trường…, không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo định kỳ…, không thực hiện quan trắc giám sát môi trường định kỳ…” . Đặc biệt “chưa kê khai đủ và chưa nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp với tổng số tiền chưa nộp theo thông báo từ quý 3/2013 đến hết quý 2/2016 lên tới 369.307.000 đồng, năm 2017, 2018 chưa kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp…”

Biên bản làm việc ngày 21/6/2018 của Sở TN&MT Thái Nguyên với hộ gia đình bà Trần Thị Mai

Điều đáng nói ở đây là tại biên bản làm việc ngày 21/6 “đại diện trang trại công nhận các tồn tại đã nêu về bảo vệ môi trường là đúng, tuy nhiên do nhận thức hạn chế về công tác bảo vệ môi trường nên để xảy ra các tồn tại về bảo vệ môi trường…”.

Thiết nghĩ, việc đại diện trang trại trả lời rằng do nhận thức hạn chế về công tác bảo vệ môi trường thì liệu rằng câu trả lời đó đã thật sự hợp lý hay chưa khi trang trại này lại là của gia đình một Phó Giám đốc Sở?

Được biết, việc gây ô nhiễm môi trường của trang trại này, trước đây các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã từng lập biên bản xử phạt.

Tuy nhiên cho đến nay hộ gia đình này vẫn không chấp hành theo đúng những quy định về luật bảo vệ môi trường.

Vậy tại sao một trang trại lợn có quy mô đồ sộ như trên lại đang hàng ngày ngang nhiên xả thải ra môi trường một lượng lớn chất thải gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dân vẫn nghiễm nhiên tồn tại?

Trước thực trạng đó, dư luận đang cho rằng phải chăng các cấp chính quyền của tỉnh Thái Nguyên đang “bất lực” trước sự việc này? Như vậy ở đây có hay không việc các cấp chính quyền không thể xử lý triệt để những sai phạm trong lĩnh vực môi trường này hay còn vì một lý do nào khác?

Báo CLXH sẽ tiếp tục thông tin.

Kiều Hải

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/doi-song/thai-nguyen-trang-trai-lon-ngang-nhien-xa-thai-ra-song-chinh-quyen-dia-phuong-bat-luc-16731.html