Thái Nguyên: Trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bãi bỏ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020

Căn cứ các quy định hiện hành, tỉnh Thái Nguyên trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 03/2011/NQ-HĐND ngày 03/4/2011 của HĐND tỉnh về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.

Giai đoạn 2011- 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 62 dự án đã được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, sang mục đích khác với diện tích hơn 264ha.

Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên được phê duyệt theo Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 08/8/2007. Ngày 10/7/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1518/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên năm 2013 và đến năm 2020; diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp năm 2013 là 179.914ha, đến năm 2020 là 178.873ha (trong đó: Rừng đặc dụng 36.300ha, rừng phòng hộ 43.000ha, rừng sản xuất 99.573ha).

Thông qua công tác quy hoạch 3 loại rừng bước đầu đã xác định được ranh giới, phân loại rừng trên bản đồ và thực địa, làm cơ sở để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, qua đó có giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển phù hợp với từng loại rừng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các Sở, ngành và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch 3 loại rừng, không thực hiện khai thác gỗ rừng tự nhiên và chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định. Giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn tỉnh có 62 dự án đã được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích là 264ha.

Thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Quy hoạch năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng đưa vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, đã thực hiện rà soát diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ không đảm bảo tiêu chí để chuyển sang quy hoạch rừng sản xuất, đồng thời các địa phương đã rà soát xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng thời kỳ 2021-2030 sang mục đích khác để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phong phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) của tỉnh đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022.

Ngày14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 222/QĐ-TTg, trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 là 172.000ha (đất rừng đặc dụng 35.652ha; đất rừng phòng hộ 37.028ha; đất rừng sản xuất 99.320ha).

Giải thích lề nội dung này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên dẫn điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch năm 2017 quy định “Các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được thực hiện cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này”.

Ngày 15/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP về việc bổ sung các quy hoạch tại Phụ lục Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch ban hành kèm theo Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 của Chính phủ, trong đó có Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của các địa phương đã được cấp có thầm quyền phê duyệt trước ngày 01/01/2019, đang cònn hiệu lực.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khác, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thì “Quy hoạch quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 01/01/2019 được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt”.

Ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 222/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 là 172.000ha (đất rừng đặc dụng 35.652ha; đất rừng phòng hộ 37.028ha; đất rừng sản xuất 99.320ha).

Ngày 31/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phong, an ninh. Trong đó quy định tại mục 1 “Đối với các địa phươngýchưa có quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng hoặc quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan, trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành cho đến khi quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.

Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh được lập, phê duyệt theo quy định về trình tự, thủ tục của văn bản quy phạm pháp luật nào thì khi điều chỉnh nội dung và kéo dài thời kỳ áp dụng trình tự, thủ tục điều chỉnh quy định tại văn bản quy phạm pháp luật đó hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung được cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên: Với các lý do như trên, Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2011-2020 không con phù hợp với thực tiễn và đảm bảo hiệu lực pháp lý. Vì thế, Sở đã báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 03/2011/NQ-HĐND ngày 03/4/2011 của HĐND tỉnh Thái Nguyên về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2011-2020.

Thái Nguyên Nhân

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thai-nguyen-trinh-hdnd-tinh-ban-hanh-nghi-quyet-bai-bo-quy-hoach-bao-ve-va-phat-trien-rung-giai-doan-2011-2020-365290.html