Thái sư Đào Cam Mộc: Bậc khai quốc công thần nhà Lý

Tài năng, quyết đoán, thông minh cùng sức khỏe hơn người, Thái sư Á vương Đào Cam Mộc là một trong những công thần góp công lớn trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà Lý, tồn tại trong suốt 216 năm.

Đền thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc tại xã Yên Trung, huyện Yên Định.

Theo sử sách, Đào Cam Mộc quê ở xã Định Tiến, sau khi cha mất ông được mẹ đưa về quê ngoại tại xã Yên Trung (huyện Yên Định). Vốn là người thông minh, quyết đoán, có lần vua Lê Đại Hành về Thanh Hóa tuần du sông Mã (đoạn chảy qua xã Yên Trung) thuyền bị mắc cạn, Đào Cam Mộc đã dùng sức khỏe và sự thông minh đưa đoàn thuyền vượt qua bãi cạn. Từ đó, ông được vua Lê tin dùng, dần thăng chức Chi hậu (hầu cận vua).

Năm Ất Tỵ 1005, vua Lê qua đời, thái tử Long Việt cùng ba người em khác là Đông Thành vương Lê Long Tích, Trung Quốc vương Lê Long Kính và Khai Minh vương Lê Long Đĩnh giằng co hơn 8 tháng, đến tháng 10-1005, Lê Long Việt đánh bại Đông Thành vương khiến phải bỏ chạy vào đất Cử Long, Lê Long Việt lại đuổi bắt. Đông Thành vương chạy sang Chiêm Thành, chưa đến nơi bị người hầu Châu Thạch Hà giết ở cửa biển Cơ La. Lê Long Việt lên ngôi, tức Trung Tông Hoàng Đế, ở ngôi được 3 ngày thì bị Lê Long Đĩnh giết chết, rồi lên ngôi vua. Bề tôi hoảng sợ, đều chạy trốn, riêng Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc và Chi hậu Đào Cam Mộc lo chầu hầu.

Vua Long Đĩnh (1005-1009) sau đó làm việc gàn dở, thích dâm đãng, tàn bạo, trong nước lòng dân oán than, bên ngoại giặc Tống lăm le xâm lược.

Trong cuốn “Văn tài võ lược xứ Thanh” có viết “bấy giờ ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp có cây gạo bị sét đánh. Dân ở đây đến xem vết sét đánh, nhà sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ gần đó đến xem và giảng rằng vua thì còn non yếu, bề tôi cường thịnh, họ Lê sẽ mất, họ Lý sẽ nổi lên…

Sau đó, nhà sư Vạn Hạnh vào kinh đô Hoa Lư tìm gặp Lý Công Uẩn và nói rằng: “Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp, nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ, nhân từ được lòng dân…

Tuy nhiên, để thực hiện được ý chí, khát vọng to lớn lập nên nhà Lý hưng thịnh ngoài công của nhà sư Vạn Hạnh không thể không nói đến sự trợ giúp đắc lực của quan Chi hậu Đào Cam Mộc…. Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn lên ngôi vua, đó là vua Lý Thái Tổ - vị vua mở đầu vương triều Lý.

Mùa xuân năm 1010, Lý Thái Tổ về Kinh Bắc thăm tổ đường và tiến hành khảo sát chuẩn bị cho công cuộc dời đô về Thăng Long. Tháng 6-1010, Lý Thái Tổ phong Đào Cam Mộc chức Thiên Đô tiên phong tướng quân chỉ huy cuộc dời đô.

Tương truyền, khi được vua giao trọng trách dời đô, Đào Cam Mộc đã chuẩn bị hai đoàn thuyền gồm 300 chiếc, một ngả đi đường biển tiến về thành Đại La, một ngả nơi sông Nhi cũng lên thành Đại La. Khi thuyền đến chân thành thấy hai con rồng vàng hiện ra chào đón, nhà vua từ đó gọi là kinh thành Thăng Long.

Sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ phong Đào Cam Mộc làm Nghĩa Tín hầu và được nhà vua gả con gái trưởng là An Quốc công chúa làm vợ. Khi mất, ông được vua truy tặng hàm Thái sư, tước Á vương và cho dựng miếu thờ ở quê nội xã Định Tiến, huyện Yên Định. Ở quê ngoại ông là xã Yên Trung và một làng khác của xã Yên Phú (Yên Định) cũng có miếu thờ ông.

Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/thai-su-dao-cam-moc-bac-khai-quoc-cong-than-nha-ly/20534.htm