'Thái tử Samsung' chính thức lên nắm quyền đế chế 250 tỷ USD

Sau hơn 2 năm bị trì hoãn vì các rắc rối pháp lý, ông Lee Jae-young hôm nay đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Samsung Electronics - tập đoàn công nghệ lớn nhất Hàn Quốc.

Tân Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-young . Ảnh: Bloomberg

Tân Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-young . Ảnh: Bloomberg

Bloomberg dẫn thông báo của Samsung cho biết, Hội đồng quản trị đã thông qua việc bổ nhiệm ông Lee Jae-young, 54 tuổi, lên nắm quyền lãnh đạo tập đoàn trị giá 250 tỷ USD này. Trước đó, ông được cho là sẽ đảm nhận chức vụ này sau khi người cha Lee Kun-hee qua đời vào năm 2020. Tuy nhiên, việc kế vị của ông đã bị hoãn lại bởi các cuộc điều tra hối lộ và phải vào tù 2 lần.

Thông báo này được đưa ra cùng ngày với báo cáo thu nhập sụt giảm của Samsung, nêu ra thách thức lớn phía trước của tập đoàn này, trong bối cảnh dự báo nhu cầu công nghệ của thế giới sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn đến cuối năm 2023.

Tân Chủ tịch Samsung từng dính vào các bê bối pháp lý. Ảnh: Forbes

Mặc dù động thái này có thể không tạo ra nhiều khác biệt trong thời gian ngắn, vì thực tế, ông Lee đã lãnh đạo tập đoàn suốt thời gian qua. Tuy nhiên, với chức danh chính thức, ông có thể thuận lợi hơn trong việc định hướng Samsung đi sâu vào mảng bán dẫn và công nghệ sinh học.

"Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng. Giờ là lúc để chúng ta lên kế hoạch cho bước đi tiếp theo. Bây giờ là lúc để hành động. Hãy mạnh dạn và kiên định với mục tiêu của mình", ông Lee tuyên bố.

Với việc đảm nhận vị trí cao nhất của Samsung trong thời điểm này, ông Lee sẽ phải "chèo lái" tập đoàn vượt qua một trong những giai đoạn hỗn loạn nhất từ khi được ông nội Lee Byung-chull thành lập vào năm 1938.

Các quốc gia lớn, từ Mỹ đến châu Âu, đang thúc giục Samsung tăng cường đầu tư để đảm bảo nguồn cung chip. Đặc biệt, Washington thực hiện chiến dịch nhằm kiềm chế tham vọng sản xuất chip của Trung Quốc. Trong khi đó, sự xuất hiện của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính đang buộc những gã khổng lồ công nghệ như Samsung phải thích nghi và cân nhắc chiến lược về tương lai.

Từ năm 2017, ông Lee đã dính vào các cuộc điều tra liên quan đến hối lộ và tham nhũng. Người thừa kế Samsung đã phải ngồi tù 2 lần và được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ân xá hồi tháng 8. Phát biểu trước truyền thông vào thời điểm đó, ông Lee đã xin lỗi công chúng Hàn Quốc và hứa: "Tôi sẽ làm việc chăm chỉ để cống hiến cho nền kinh tế quốc gia”.

Với mạng lưới quan hệ lớn mạnh trong nhiều thập kỷ trên toàn cầu, ông Lee đã hỗ trợ quốc gia trong cuộc khủng hoảng đại dịch và thiếu chip. Ông đóng vai trò trung gian giữa các công ty và chính phủ, giúp tăng sản xuất khẩu trang, vaccine cũng như mở rộng đầu tư sản xuất chip.

Sự trở lại chính thức của ông Lee Jae-yong được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tại Samsung thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn, cũng như đẩy nhanh các quyết định chiến lược về lĩnh vực công nghệ nên đầu tư trong tương lai.

Ông Lee Jae-yong có bằng Đại học về lịch sử Đông Á tại Đại học Quốc gia Seoul, ngôi trường hàng đầu Hàn Quốc và bằng Thạc sĩ tại Đại học Keio của Nhật Bản. Ông Lee cũng học Tiến sĩ tại Trường kinh doanh Harvard, dù chưa có bằng.

Ông Lee bắt đầu làm việc tại Samsung năm 1991 và trở thành Phó chủ tịch vào năm 2012. Ông có vai trò lớn tại Samsung trong các lĩnh vực kinh doanh điện thoại, tivi và linh kiện, bao gồm cả việc tạo dựng quan hệ đối tác với Apple và Google. Cho đến nay, Samsung vẫn là nhà sản xuất điện thoại sử dụng phần mềm Android lớn nhất của Google.

Theo dữ liệu của Bloomberg, ông Lee sở hữu 1,63% cổ phần của Samsung Electronics và 18,13% cổ phần của Samsung C&T. Hiện tài sản của Chủ tịch Samsung vào khoảng khoảng 5,9 tỷ USD.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thai-tu-samsung-chinh-thuc-len-nam-quyen-de-che-250-ty-usd-post13320.html