Thăm Bảo tàng khủng long ở Savannakhet: Đứng thật gần để nhìn thật xa

'Chỉ cần vượt qua quãng đường gần 350 km là chúng ta có thể chạm tay vào... 80 triệu năm trước'- Lời phi lộ rất gợi của anh Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị khi chúng tôi chuẩn bị lên đường thăm Bảo tàng khủng long (Dinosaurs Museum) ở Savannakhet, Lào, khiến mọi người đều cảm thấy phấn khích. Dẫu đã hơn một lần mê đắm trước những thước phim kinh điển của Hollywood: Công viên kỷ Jura (Jurassic Park), nhưng cảm giác được chạm tay vào 'chúa tể của Trái đất' thời tiền sử là một trải nghiệm mới mẻ và thú vị, không dễ gì có được.

Tượng khủng long được đặt ở trung tâm thành phố Kaysone Phomvihane - Kaysone Phomvihane - Ảnh: N.T.C

Chào mừng đến “thành phố khủng long”

Suốt chặng đường từ thành phố Đông Hà lên Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo trời cứ mưa dầm dề trông rất nản, ấy vậy mà vừa đặt chân lên đất Lào thì trời tạnh ráo, nắng rất nhẹ, gió cũng rất nhẹ, như một lời chào mời thân thiện của đất nước Triệu Voi. Từ cửa khẩu, chúng tôi vượt thêm 250 km theo con đường số 9 mới đến thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet.

Anh Trần Ngọc Hà, hướng dẫn viên du lịch cho biết: Savannakhet là một trong ba tỉnh lớn nhất của Lào, cũng là quê hương của Chủ tịch Kaysone Phomvihane nên tên ông được đặt cho thành phố trung tâm tỉnh lỵ và một con đường đẹp nhất của thành phố này. Tại bùng binh giao nhau giữa đường 9 với đường Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet đã cho dựng hai bức tượng khủng long cao khoảng 7 m đi ngược chiều kim đồng hồ như một biểu tượng của tỉnh.

Không biết có phải ngẫu nhiên không khi loay hoay chụp mấy tấm hình, chúng tôi phát hiện ra phía bạn đã bố trí một con khủng long hướng đầu theo đường 9 về tỉnh Quảng Trị, con còn lại quay theo hướng ngược lại về phía sông Mê Kông, qua ngã Mukdahan (Thái Lan) như một lời chào kiêu hãnh của “thành phố khủng long” đối với hai tỉnh láng giềng trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hôm ngồi nhâm nhi cá nướng bên dòng Mê Kông, tôi chia sẻ điều đó với anh Lamngheunh Asadachane, Phó Tổng Biên tập Báo Savanh Phathana và hỏi liệu đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có ý đồ? Anh Lamngheunh tỏ ra ngạc nhiên nhưng rất lấy làm thú vị với phát hiện này. Rồi bằng một thứ tiếng Việt bập bẹ, Lamngheunh nói: “Chào mừng đến thành phố khủng long” đầy tự hào.

Theo tư liệu mà chúng tôi có được, vào năm 1936, khi nghiên cứu bản đồ địa chất vùng Hạ Lào, nhà địa chất học người Pháp Josúe Heilmann Hoffet đã phát hiện những mẩu xương hóa thạch của một loài sinh vật khổng lồ ở bản Tangvay, huyện Sonbury, tỉnh Savannakhet, cách biên giới Việt - Lào trên 120 km.

Thời điểm đó, các mẫu vật này vẫn chưa thể định danh, được chuyển về Bảo tàng địa chất ở Hà Nội lưu giữ. Đến đầu những năm 1990, với những nỗ lực lớn trong sự phối hợp Lào - Pháp, các nhà nghiên cứu mới gắn kết được các tài liệu hóa thạch của khu vực. Trên địa bàn tỉnh Savannakhet, hóa thạch khủng long cũng được tìm thấy ở 5 địa điểm khác nhau, mặc dù chưa có cuộc khai quật chính thức nào kể từ năm 2000.

Du khách Quảng Trị tham quan Bảo tàng khủng long Savannakhet - Ảnh: N.T.C

Trở lại bộ xương khủng long được Josúe Heilmann Hoffet phát hiện, sau này, các chuyên gia cổ sinh học quốc tế đã xác định các mẫu hóa thạch này là của loài khủng long Titanosaurus falloti, thuộc chi khủng long Titanosaurus, còn gọi là thằn lằn hộ pháp, sống ở cuối kỷ Phấn Trắng cách đây từ 83 - 65 triệu năm.

Các loài khủng long thuộc chi này có hình thái giải phẫu khá giống nhau, đều là loài ăn thực vật khổng lồ, cổ dài, con trưởng thành có thể dài từ 9 đến 12 mét. Đến năm 1999, một nhóm nghiên cứu người Pháp do Tiến sĩ địa chất Ronan Allain, thuộc Bảo tàng d’Histoire Naturelle de Paris dẫn đầu đã mô tả và đặt danh pháp khoa học cho loài khủng long này là Tangvayosaurus hoffeti, vừa đề cập đến địa điểm phát hiện ra hóa thạch (bản Tangvay) vừa vinh danh Hoffet, người đầu tiên tìm thấy hóa thạch khủng long ở Đông Nam Á.

Tiếp đó, vào năm 2010, các nhà nghiên cứu lại phát hiện hóa thạch của một loài khủng long ăn thịt loại lớn thuộc họ đại long xương gai ở Lào. Năm 2012, nó được đặt danh pháp khoa học là Ichthyovenator laosensis, nghĩa là “khủng long săn cá Lào”.

Ngoài Savannakhet, hóa thạch khủng long và một số loài khác cũng được tìm thấy rải rác ở các tỉnh Champasak, Xieng Khouang, Luang Prabang, nhưng nhiều nhất vẫn là ở Savannakhet, trong đó tập trung ở các huyện Sonpoly, Palansay, Saypouthong, Atsaphon và Soong khun.

Vậy là, không chỉ được biết đến với tên gọi “xứ sở hoa Chăm pa”, “đất nước Triệu Voi”, “đất nước chùa tháp”, giờ đây, người dân Lào nói chung, người dân Savannakhet nói riêng có thể tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế về quê hương mình: “Thành phố khủng long”, phải không Lamngheunh?

Chạm tay vào quá khứ, rồi mơ về tương lai

Bảo tàng khủng long được thành lập năm 1997, nằm trên đường Khanthabouly, thành phố Kaysone Phomvihane, vốn là một ngôi biệt thự thời Pháp thuộc. Nơi đây trưng bày một bộ sưu tập hóa thạch khủng long được khai quật từ năm 1930 đến nay, trong đó có bộ xương khủng long Tangvayosaurus hoffeti mà Josúe Heilmann Hoffet đã phát hiện. Vé vào cửa là 5.000 kíp/người đối với người Lào và 10.000 kíp/người đối với người nước ngoài, một khoản phí gần như tượng trưng.

Hóa thạch xương khủng long được trưng bày ở Bảo tàng khủng long Savannakhet - Ảnh: N.T.C

Điều đáng tiếc là nơi đang lưu giữ “hài cốt” của “chúa tể Trái đất” thuở nào chỉ là một khối nhà nhỏ hẹp, cũ kỹ và buồn tẻ, hoàn toàn không tương xứng với những “báu vật” mà nó đang lưu giữ. Ngay cả ông Vat Phanvilay, người hướng dẫn chúng tôi khi tham quan bảo tàng cũng thừa nhận là không nắm rõ hiện nơi đây đang trưng bày chính xác bao nhiêu mẫu vật và tên khoa học của từng loài.

Có lẽ ông cũng không hiểu nhiều về thứ mà ông đang giới thiệu với du khách. Ông Vat Phanvilay sinh năm 1965, trước đây là giáo viên, đến năm 2008 thì chuyển qua phụ trách Bảo tàng khủng long. Ông cho biết mỗi ngày bảo tàng đón từ 10 - 15 khách đến tham quan.

Về điều này, ông Phulsisoi Kutilath, Giám đốc Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Savannakhet cũng thừa nhận là tỉnh đang rất nỗ lực để đưa Bảo tàng khủng long trở thành một “địa chỉ vàng” về du lịch của địa phương. Tuy nhiên, giữa khát vọng và hiện thực là cả một câu chuyện dài, đòi hỏi một tư duy lớn và tầm nhìn xa, kể cả sự hỗ trợ từ phía chính phủ. “Nhưng nhất định chúng tôi sẽ làm được”, ông Phulsisoi Kutilath khẳng định như vậy. Chúng tôi cũng hy vọng như vậy.

Tôi không hụt hẫng quá lâu trước quy mô bảo tàng hay cách bài trí, bởi khi đặt bàn tay mân mê từng đốt xương của loài sinh vật cổ đại, tôi đã phiêu trong trí tưởng tượng về một thế giới hoang vu, kỳ vĩ với những tiếng gầm gào ghê rợn của 80 triệu năm trước. Ở đó, chỉ có loài khủng long thống trị và thỏa sức vẫy vùng giữa trời cao đất rộng. Và một số trong đó giờ đang im lìm nằm trước mắt chúng tôi, thật gần. Nói như anh Nguyễn Hoàn, chúng tôi đã chạm tay vào... quá khứ, lần đầu tiên trong đời.

Sau những hóa thạch khủng long được phát hiện tại Lào, đến thập niên 1980, ngành cổ sinh học của Thái Lan cũng liên tục phát hiện các hóa thạch khủng long, đưa Thái Lan trở thành quốc gia phát hiện nhiều hóa thạch khủng long nhất trong khu vực Đông Nam Á với hơn 13 loài.

Tại tỉnh Mukdahan ở bên kia dòng Mê Kông, hôm chúng tôi đến thăm Công viên đá Phu Pha Thoep, vô tình phát hiện một mẫu hóa thạch xương đùi khủng long được tìm thấy tại công viên này. Tuy nhiên có lẽ mẫu vật quá hiếm hoi nên không mấy ai đoái hoài đến, nằm chỏng chơ trên nóc tủ ở một góc nhà trưng bày của công viên. Ngoài Lào và Thái Lan, hóa thạch khủng long cũng được xác nhận đã tìm thấy ở Myanmar, Malaysia và gần đây nhất là Campuchia.

Hôm đứng mân mê từng mẫu hóa thạch ở Bảo tàng khủng long Savannakhet, tôi đã để cho trí tưởng tượng của mình mặc sức bay bổng về 80 triệu năm trước. Khi đó, trong cuộc hành trình mê mải qua miên trường đồi núi từ Mukdahan qua Savannakhet, có những chú khủng long tinh nghịch nào đó đã lặng lẽ tách đàn, chạy về vẫy vùng giữa sóng nước Cửa Việt rồi quên mất đường về.

Lãng mạn chút thôi, bởi thế giới cổ đại 80 triệu năm trước ai biết được đâu là rừng đâu là biển. Nhưng, khi biết rằng, năm quốc gia Đông Nam Á đã phát hiện ra dấu vết của loài khủng long và khu vực tìm thấy hóa thạch khủng long tại Savannakhet chỉ cách biên giới Việt Nam trên 120 km, đoạn thuộc huyện Hướng Hóa, chúng ta có quyền nghĩ đến một bảo tàng khủng long ở Quảng Trị. Và bên cạnh tour du lịch “Một ngày ăn cơm ba nước” rồi đây sẽ có thêm tour du lịch “Theo dấu chân khủng long” chẳng hạn. Tại sao không?

Nguyễn Thế Chung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/tham-bao-tang-khung-long-o-savannakhet-dung-that-gan-de-nhin-that-xa/183389.htm