Thâm cung bí sử (119 - 3): Tai họa

Ở quê, phải sau hơn một năm ông Bút mới trả được hết nợ cưới hỏi cho con. Nhà có hơn hai tấn thóc, đã phải mang bán đi hai tấn, vợ chồng ông Bút phải vay thóc hàng xóm mới có gạo ăn. Con trâu cày bán đi, ông Bút phải thuê người cày, tiền thuê gặm gần hết thóc lúa của mấy sào ruộng. Đêm ngồi nghĩ, ông Bút thấy rất lo cho con trai. Và nó phải sống với như thế thì có khi gặp họa.

Và đúng như vậy. Ở trường của thằng bé, nếu điểm kiểm tra học kỳ các môn chính dưới 7 điểm thì nhà trường yêu cầu gia đình phải cho con đi học trường khác. Và Hà Phương phải cho con học bằng cách thuê gia sư về nhà. Mỗi tháng nó ngốn hết gần 10 triệu đồng cho việc học, vừa vặn bằng tiền lương tháng của Hoàng. Học nhồi như vậy mà điểm kiểm tra học kỳ của nó vẫn thấp. Hoàng trách mắng con thì thằng bé nói: “Tại sao bố mẹ lại bắt con vào trường top”. Biết con không thể mãi thế được, Hoàng quyết định chỉ cho con học trường top hết lớp 9 rồi sau đó cho con học trường bình thường. “Chúng ta không thể với mãi được”, Hoàng nói như vậy. Nhưng Hà Phương nói: “Nhưng muốn khá thì phải vươn lên, nếu không sẽ tụt lại phía sau”.

Một buổi tối đẹp trời, Hoàng cùng vợ khoác tay nhau đi dạo trong khu biệt thự. Hà Phương thì thầm: “Anh thấy không, trong gara mỗi nhà đều có một chiếc ôtô. Chỉ nhà mình ở biệt thự mà em còn phải đi làm bằng xe máy thôi. Sao chồng không gắng lên một chút, mua một cái ôtô để di chuyển cho tiện. Nhà thì ông ngoại đã mua cho rồi. Coi như chúng ta đã có một con ngựa đẹp. Chẳng nhẽ bộ yên cương chồng cũng không mua nổi”. Thế là Hoàng lại phải với. Anh kế toán đi ô tô đẹp, không thể mời bạn bè đi ăn cơm bình dân mà phải đi nhà hàng đặc sản. Rồi mỗi năm một chuyến du lịch. Hà Phương không đi Đồ Sơn, Sầm Sơn mà lập kế hoạch đi đảo Bali, đi Italia, Hy Lạp. Trên trang tin cá nhân của Hà Phương đầy rẫy hình ảnh những chuyến du lịch ở những nơi sang trọng nhất. Bây giờ, nhiều người lập Facebook để khoe và về mặt này thì Hà Phương là người oách nhất. Đằng sau những hình ảnh khoe mẽ ấy là cuộc sống với triền miên của Hoàng. Nhưng Hoàng lấy đâu ra tiền để sống như thế? Anh phải lập nhiều chứng từ khống để rút ruột két sắt công ty. Nhưng không ai ăn vụng lén lút mãi được. Công ty thụt két, thanh tra phải vào cuộc và Hoàng phải vào tù.

Ở nước ta đang có một lối sống với. Một ông Giám đốc Sở ở một căn nhà 2-3 tầng, thậm chí 5-7 tầng là được rồi, sao phải quay quắt tiền bạc để xây biệt phủ? Một ông Phó Chủ tịch tỉnh đi xe camry là được rồi, sao phải đi cái ôtô 7 tỷ đồng và phải ăn cắp công quỹ tới hàng nghìn tỷ đồng? Các quan tham làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Và lối sống này thường bắt đầu từ những việc rất nhỏ, giống như đôi đũa ngọc của vua Sở ngày xưa. Một đôi đũa mà làm mất nước.

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-119-3-tai-hoa-20171117182526054.htm