Thăm đền Thái úy nghe chuyện xuất xướng dời đô

Đền Lưu Xá ở xã Canh Tân (Hưng Hà, Thái Bình) từ xưa đã là một danh tích luôn thu hút sự quan tâm của vua chúa các triều đại.

Đền Lưu Xá được cây sanh nghìn năm che phủ.

Từ cầu Triều Dương bắc ngang con sông Luộc không bao xa là mảnh đất thiêng của Thái Bình: Làng Lưu Xá. Theo ghi chép của Cao Biền từ thế kỷ thứ IX, nơi đây là vùng đất nằm trong dải đệ lục mạch, là đất phát khoa của nước Nam.

Đất công thần

Lưu Xá xưa thuộc huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng - là nơi Thái tử Sảm (sau là vua Lý Huệ Tông) về ở khi có loạn Quách Bốc ở Kinh Thành. Tại đây, thái tử đã gặp Trần Thị Dung, thứ nữ của Trần Lý, có nhan sắc bèn lấy làm vợ. Cuộc tình duyên ấy đã đưa họ Trần lộ Long Hưng vào cung đình, rồi từng bước thay nhà Lý nắm vương triều.

Từng có đận, các nhà sử học đặt ra câu hỏi vì sao Thái tử Sảm lại chạy về Lưu Xá mà không đến một trang ấp khác? Lần giở lịch sử, các nhà nghiên cứu mới thấy rằng, mảnh đất Lưu Xá là quê hương của những công thần khai quốc triều Lý.

Những ghi chép lịch sử đều ca ngợi công lao Lý triều đối với hai anh em cùng cha khác mẹ là Thái úy Lưu Khánh Đàm và Thái phó Lưu Khánh Điều.

Theo bia ký khắc dựng từ thời Lý và ngọc phả nhị Lưu Đại Vương - chính bản Lễ bộ quốc triều (triều Lê) thì vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028), vua Lê Hiến Tông (1498 - 1504) từng về thăm và lưu bút tích ở đây. Bài thơ của vua Lê Hiến Tông do Hàn Lâm Trực học sĩ Đông Bình Nguyễn Vĩnh Toản viết chữ.

Qua bài thơ “Lưu Gia đô” của Chiêu Minh Vương, Tướng quốc Thái úy Trần Quang Khải (1241 - 1294) được biết các vua Trần cũng từng ghé qua đây.

Vào triều Nguyễn còn có bút tích của cử nhân Bùi Kim Linh, hiệu Thụy Đình, người huyện Tiên Lữ; phó bảng Trần Huy Liên, đồng tri phủ, tri huyện Diên Hà của nội các hành tẩu An Bình Lê Quý Huyên – cháu nhà bác học Lê Quý Đôn… Những ghi chép trên đều ca ngợi công lao của Lý triều công thần nhị vị Thái phó Lưu Đại Vương, tức Lưu Khánh Đàm và Lưu Khánh Điều.

Bia cổ ở đền Lưu Xá.

“Hai đóa mẫu đơn” phò vua Lý

Cho đến nay, ở đình Lưu Xá còn truyền lại câu chuyện liên quan đến anh em nhà họ Lưu như sau: Hai anh em Lưu Khánh Đàm và Lưu Khánh Điều là con của Lưu Ngữ. Lưu Ngữ là người thông minh trí tuệ, giỏi về văn học lại xuất thân từ một gia đình thi thư, hiếu đễ truyền gia.

Lê Đại Hành lên ngôi ban chiếu cầu hiền tài, Lưu Ngữ ra ứng thí được vua bổ dụng chức Thị tụng. Khi qua vùng đất Lưu Xá thấy hình thế long - hổ ôm bế, lại có dải đất hình phượng hoàng, phong tục thuần hậu bèn ở lại định cư.

Lưu Ngữ đã lấy bà Trần Thị Ngọc nhưng chưa có con. Ở Lưu Xá ông lại lấy bà Phạm Thị Hồng, con ông Phạm Khuông, một nhà giàu có mà hào hiệp. Dù làm thiếp nhưng bà Hồng biết cư xử với bà cả nên dân làng đều khen ngợi.

Lưu Ngữ dù làm quan nhưng không kiêu ngạo, lại chăm làm việc thiện nên được dân làng quý mến. Ngày 12/8 năm Kỷ Sửu (989) vào giờ Dần bà Ngọc sinh được một người con trai, đến giờ Ngọ cùng ngày bà Hồng cũng sinh được một con trai. Cả hai đứa trẻ đều khôi ngô, Lưu Ngữ liền đặt tên cho anh là Lưu Đàm, em là Lưu Điều.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Phạm Minh Đức, Lưu Đàm – Lưu Điều rất thông minh. Lên 8 tuổi, hai người đến học thầy Hoa Đường ở kinh đô Hoa Lư. Sau vài năm thì tam phần, ngũ điển đều thông hiểu; lục thạo, tam lược, binh pháp đều tinh thông. Song tính cách và sở trường mỗi người một khác: Lưu Đàm uyên thâm sâu sắc về văn học, tính nết hiền hậu, ôn hòa. Lưu Điều giỏi võ nghệ, tính khí hiên ngang.

Vua Lê Đại Hành mất (1005), Lê Long Đĩnh lên thay. Lưu Ngữ được giữ chức Thái Bảo, song Long Đĩnh “làm việc càn rỡ, giết vua cướp ngôi, thích dâm đãng tàn bạo”.

Long Đĩnh chỉ ở ngôi được 4 năm (1006 - 1009) thì mất, Lưu Ngữ nhớ lại có lần gặp một cụ già đưa cho ông một bài thơ 4 câu, giờ ngẫm lại đúng: Hòa đao mộc lạc thị Lê tà/Thập bát tử thành nãi Lý gia/Nhị đóa mẫu đơn tương hứa nhữ/Hậu lai sinh xuất lưỡng tài hoa. (Nghĩa là: Họ Lê mất, họ Lý sẽ làm vua, ta cho ngươi hai đóa mẫu đơn sau sẽ sinh hai người con tài hoa).

Ngọa Triều có lần ăn quả khế lại thấy hạt mận, lại nghe có sấm truyền nhà Lê sẽ mất, nhà Lý sẽ lên. Vua liền cho người đi giết những ai mang họ Lý mà không biết đến Lý Công Uẩn là quan thần vệ đang đứng bên cạnh.

Lưu Ngữ đến nói với Lý Công Uẩn “thần xem tướng ngài về sau ắt sẽ là bậc đại quý, thần có hai đứa con xin đại nhân thương cho, khiến các con thần chọn được chủ mà thờ”.

Lý Công Uẩn không dám nhận, trong lòng sợ hãi. Sau khi ký thác gửi lại hai con, Lưu Ngữ từ biệt trở về Lưu Xá. Lưu Đàm, Lưu Điều ở lại với Lý Công Uẩn.

Mộ Thái úy Lưu Khánh Đàm ven dòng sông Luộc.

Xướng xuất dời đô

Ngày Lê Ngọa Triều băng hà, quan Chi Hậu Đào Cam Mộc bàn với Lưu Đàm, Lưu Điều lập Lý Công Uẩn làm vua, các đại thần cũng đồng lòng nhưng Lý Công Uẩn cố chối từ.

Lưu Đàm tiến đến thưa rằng: “Ngọa Triều thất đức, giết anh ngược đãi mọi người, nay đã chết. Minh công uy đức hơn người, nơi nơi đều rõ, chúng tôi nguyện theo lời thỉnh cầu của mọi người cùng nhau hiệp lực làm cho điềm lành chấn động, ứng với trời và người, xin minh công chớ do dự”.

Lưu Đàm nói chưa dứt lời thì Lưu Điều vung kiếm chém đứt đôi chiếc án (trác án) nghiêm giọng nói rằng: “Triều đình không thể một ngày vô chủ, nay Ngọa Triều vô đạo, trời oán, người giận. Lý Công uy đức hơn người, vốn được trọng vọng. Thiên hạ đồng lòng theo về cùng lập lên ngôi đế, kẻ nào dám càn rỡ, sinh chuyện dị nghị sẽ giống như chiếc án này”.

Cả triều đình nghe lời nói ấy, bèn phò Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Lý Công Uẩn lên ngôi (Lý Thái Tổ) phong cho Lưu Đàm làm Quang Lộc đại phu hầu cận bên cạnh, Lưu Điều làm Trung úy, chỉ huy cấm binh, tuần phòng thành nội.

Lưu Đàm dâng lời nói rằng: “Long Châu là nơi giàu mạnh, chính là cái gốc bền vững, đóng đô ở đó sẽ cường thịnh lâu dài, thiên hạ vô địch, mong bệ hạ dời đô ra nơi đó”. Lý Thái Tổ nghe lời, chọn ngày cùng Lưu Đàm, Lưu Điều và văn võ bá quan điều động xa giá cử hành việc dời đô.

Cuối đời, Lưu Khánh Đàm xin về ở Lưu Xá, sửa chùa làng và tu tại đó. Tương truyền trong những năm tu ở chùa làng, Lưu Khánh Đàm đã cùng các thiền sư Giác Hải, Dương Không Lộ, Đỗ Đô tổ chức cho dân “khai thông sông Luộc - Móc ruột sông Sinh - Đào phình sông Hóa” ở Thái Bình. Đến nay, dân gian vẫn lưu truyền chuyện ba sư, một sãi.

Lưu Khánh Đàm qua đời, vua Thánh Tông về dự lễ an táng. Vì là khai quốc công thần nên vua ban tên nơi ông tu hành là chùa Báo Quốc. Lại ban cho ông tước vương, cho xây một tháp cao 9 trượng, 9 tầng ở bên lăng.

Bảo vật đền Thái úy

4 thanh kiếm cổ trên ban thờ đền Lưu Xá.

Hiện nay, trong đền thờ Lưu Xá còn giữ được khá nhiều cổ vật có giá trị văn hóa lịch sử. Ngoài hiện trạng kiến trúc ngôi đền cổ, những hoành phi câu đối từ xa xưa vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. Cùng với đó là 14 sắc phong cho anh em họ Lưu.

Bia đá cổ với những hàng chữ nho còn sắc nét ghi rõ thân thế sự nghiệp của Thái úy. Đồng thời chữ trên bia đá cũng là những văn tự quý giá để đánh giá vai trò của anh em Lưu Khánh Đàm trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm và tấu trình vua dời đô ra Thăng Long.

Chiếc chuông đồng được treo gần bia đá trong đền thờ cũng là một cổ vật hiếm gặp. Các nhà khoa học đánh giá, chiếc chuông thậm chí còn có trước thời kỳ xây dựng đền thờ Lưu Xá. Ông Trần Văn Tươi – Thủ tù đền Lưu Xá cho biết, chuông này có tiếng rất lạ, tiếng kêu thì không to nhưng lại vang xa đến vài cây số.

Nhưng có lẽ, 4 chiếc kiếm cổ trên ban thờ là có giá trị hơn cả trong việc nhắc nhớ người nay về một nghìn năm trước. Trong đó, một thanh là của Thái úy Lưu Khánh Đàm, một thanh của Thái phó Lưu Khánh Điều, hai thanh còn lại của 2 người em nuôi là Nguyễn Huy và Nguyễn Kỳ. 4 thanh kiếm này từng theo các vị tướng giết giặc ngoài biên ải, oai hùng tỏ rõ một thời.

Hiện nay, tại Lưu Xá còn giữ được mộ của hai anh em Thái úy Lưu Khánh Đàm. Mộ nằm giữa cánh đồng trù phú ven dòng sông Luộc, gần bến Lưu Gia cũ. Hai ngôi mộ cách nhau khoảng 300m và tọa lạc trên hai gò đất cao mà tương truyền đó là hai mắt của con rồng.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Minh Đức, cuốn ngọc phả ghi sự kiện về việc xướng xuất vua Lý dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long có tên là: Lưu Đại Vương thần phả, viết bằng tiếng Hán trên một loại giấy bản khá dai và tốt, do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn thảo vào năm 1572. Ngọc phả vẫn được giữ gìn cẩn thận trong đền thờ Lưu Khánh Đàm.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tham-den-thai-uy-nghe-chuyen-xuat-xuong-doi-do-8bdp2RaGg.html