Thăm Di tích lịch sử, văn hóa, bia ký

Chẳng phải đợi đến tháng 2 âm lịch dịp Lễ hội Mường Ca Da, quanh năm du khách phương xa vẫn tìm đến Di tích lịch sử, văn hóa, bia ký Khằm Ban (Thượng tướng thống lĩnh quân Lò Khằm Ban) tại khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) để tham quan, thắp nén hương bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ người con kiệt xuất của núi rừng Quan Hóa.

Huyện đoàn Quan Hóa tổ chức làm vệ sinh Khu Di tích lịch sử, văn hóa, bia ký Khằm Ban. Ảnh: XUÂN NGUYỄN

Năm 1418, tại núi rừng Lam Sơn (Thọ Xuân) Bình Định vương Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, các tầng lớp Nhân dân châu Quan Da - nay thuộc huyện Quan Hóa đã không quản ngại hy sinh, nô nức gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Trong số đó, có Lò Khằm Ban.

Tương truyền, từ thuở nhỏ Lò Khằm Ban đã học hành chăm chỉ, siêng năng luyện tập võ nghệ binh đao. Lớn lên, ông tổ chức luyện tập binh mã một lòng theo nhà Lê đánh giặc. Đội quân của ông chiến đấu anh dũng, liên tiếp thắng trận, góp phần đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi đất nước. Do có nhiều công lớn, Lò Khằm Ban được vua Lê phong là Thượng tướng thống lĩnh quân và cho cai quản vùng biên giới phía trong, từ Nghệ An ra đến vùng Mường Thanh, Mường Lò, miền Tây Bắc Đại Việt và chọn nơi lập thái ấp. Sau nhiều tháng vượt núi, băng rừng, khi đến cửa sông Lò, ông cho quân lính lập trại nghỉ ngơi. Đêm ấy, Lò Khằm Ban nằm mơ tắm ở máng nước gần đấy, bỗng nhiên có con rắn to quấn chặt lấy người ông. Sáng hôm sau ông mang giấc mơ này kể cho các vị tướng, quân lính, mọi người cho rằng đó là điềm lành, nên ông leo lên đỉnh núi Mường Mùng để quan sát vùng đất này. Thấy đất mường Ca Da có vị thế đẹp, tài nguyên trù phú, Lò Khằm Ban đã quyết định chọn nơi này để đóng quân và lập thái ấp. Ông cho người khai phá ruộng nương, làm đường giao thông, xây dựng làng, bản, doanh trại quân đội và phân công quân lính đi chốt giữ, cai quản các vùng trọng yếu, cùng Nhân dân phát triển kinh tế, tuyển chọn những thanh niên khỏe mạnh ngày đêm luyện tập võ nghệ, bổ sung quân trấn giữ biên thùy. Sau khi mất, ông được sắc phong là Thành Hoàng (bản thổ Thành Hoàng) - vị thần có công bảo vệ đất nước, che chở cho dân. Nhân dân đã lập đền thờ, khắc bia đá ghi tạc công lao của ông.

Bà Lương Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Hóa, cho biết: Truyền thuyết hình thành Mường Ca Da luôn gắn liền với di tích lịch sử về Thượng tướng thống lĩnh quân Lò Khằm Ban tại thị trấn Hồi Xuân. Nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của ông, 5 năm một lần, vào tháng 2 âm lịch, huyện Quan Hóa lại tổ chức Lễ hội Mường Ca Da rước kiệu từ Chùa Ông đến Di tích lịch sử, văn hóa, bia ký Khằm Ban khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân. Ngoài ra, nghi lễ “Xín Mương” (cúng mường) được người dân tổ chức trang trọng, thể hiện tấm lòng thành của con cháu bản mường dành cho các bậc tiền nhân đã có công khai phá, dựng bản, lập mường, mang lại cuộc sống ấm no. Trong khuôn khổ không gian của Lễ hội Mường Ca Da, bạn bè và du khách được chứng kiến sự độc đáo, đa dạng và phong phú của các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao trong lễ hội như: thi kéo co, tó mác lẹ, bắn nỏ, gói bánh ú, đi cầu thăng bằng, thi đẩy gậy, chọi cù và tung còn”.

Ông Phạm Bá Niệm, một người dân khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân cho biết: Di tích lịch sử, văn hóa, bia ký Khằm Ban không chỉ là nơi để Nhân dân trong và ngoài huyện tưởng nhớ đến công lao của Thượng tướng thống lĩnh quân Lò Khằm Ban mà còn là nơi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các cháu học sinh. Mặc dù đã được trùng tu, tôn tạo nhưng di tích này có quy mô nhỏ, thiếu nhiều hạng mục, chưa tương xứng với ý nghĩa, giá trị của khu di tích cấp tỉnh. Vì vậy, Nhân dân rất mong huyện Quan Hóa cũng như cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để nơi đây trở thành điểm sinh hoạt tâm linh của Nhân dân.

"Những năm gần đây, công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, danh thắng nói chung và Di tích lịch sử, văn hóa, bia ký Khằm Ban nói riêng được huyện Quan Hóa đặc biệt quan tâm. Năm 2017, tại di tích này, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng hạng mục nhà hậu cung. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế, nhiều hạng mục chưa được đầu tư tôn tạo. Nếu được đầu tư xây dựng, Di tích lịch sử, văn hóa, bia ký Khằm Ban cùng với hang Phi, hang Co Phường sẽ thực sự là những điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh hấp dẫn du khách của huyện Quan Hóa”, bà Lương Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Quan Hóa cho biết thêm.

Xuân Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/tham-di-tich-lich-su-van-hoa-bia-ky/21346.htm