Thăm địa đạo Nam Hồng

Nằm ngay trên trục cầu Thăng Long - đường Võ Văn Kiệt, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh đang phát triển không ngừng. Ẩn dưới những khu nhà cửa hiện đại, to đẹp hôm nay là hệ thống địa đạo mang dấu ấn lịch sử hào hùng về thời kháng chiến chống Pháp. Tôi về lại mảnh đất này để tìm dấu tích xưa, như nghe đâu đó âm vang bản anh hùng ca bất khuất, kiên trung.

Bia gắn biển di tích cách mạng kháng chiến.

1. Để hiểu rõ hơn về khu thành lũy kháng chiến, tôi tìm đến nhà truyền thống xã Nam Hồng, nơi đang lưu giữ những tư liệu, hiện vật còn sót lại của thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo đó, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946), bà con nhân dân xã Nam Hồng đã chặt hàng nghìn cây gỗ, tre sẵn có trong làng để rào làng.

Sau khi được thành lập (4-1-1947), đội du kích xã Nam Hồng cùng thanh niên, nam nữ khỏe mạnh trong làng bắt đầu đào hệ thống giao thông hào sát vào lũy tre. Giao thông hào có chiều sâu hơn 1m và rộng từ 1,2m đến 1,4m. Đất đào giao thông hào được đắp lên chân các bụi tre, tạo ra những ụ thành kiên cố.

Nhân dân xã Nam Hồng cũng đã phá đường, đắp hàng trăm ụ chướng ngại vật để ngăn chặn bước tiến của xe quân sự, bộ binh địch. Song song với việc triển khai xây dựng hệ thống công sự chiến đấu, bà con xây dựng hàng trăm hầm bí mật ở khắp mọi nơi như: Ngoài ruộng, trong vườn, bờ ao, trong khu mộ, trong đình, trong chùa, trong nhà thờ họ.

Chỉ sau 2 - 3 tháng, hệ thống giao thông hào, thành lũy kháng chiến đã chằng chịt khắp làng trên xóm dưới với chiều dài gần 11km. Du kích Nam Hồng phục kích quân địch bằng bẫy chông hóc hiểm. Hàng trăm hố chông, mỗi hố dài 0,9m, rộng từ 0,6m đến 0,7m, sâu khoảng 1 - 1,2 m. Trong mỗi hố có cắm từ 3 đến 9 hàng chông bằng tre hoặc bằng sắt rèn nhọn, có khi là cả bàn chông bằng đinh nhọn dài hơn 20cm.

Để biến làng xã thành chiến địa bất khả xâm phạm, từ đầu năm 1947, quân dân Nam Hồng đã mở rộng hệ thống hầm bí mật bằng cách nối thông các hầm với nhau, tạo thành hệ thống giao thông bí mật, liên hoàn trong lòng đất. Đó chính là địa đạo Nam Hồng. Địa đạo Nam Hồng khác hẳn với các hệ thống địa đạo từng có tại Việt Nam. Đó là phần lớn địa đạo được đào, nối thông qua những ngôi nhà trong khắp các thôn, xóm. Theo tư liệu còn ghi lại, đoạn địa đạo đầu tiên được đào nằm ở khu dân cư xóm Phó, thôn Đoài, dài 200m. Địa đạo Nam Hồng được đào theo kiểu xương cá, có trục chính kết nối với các nhánh.

Địa đạo Nam Hồng cùng hệ thống giao thông hào, lũy tre, thành lũy trên mặt đất, đủ để chặn đứng bước tiến của địch, tạo ra lối di chuyển thuận lợi, bí mật giúp những người kháng chiến bảo toàn lực lượng.

Một đoạn địa đạo hiện còn giữ được nguyên trạng hình mái vòm.

2. Sau một hồi thong dong qua những con đường khang trang của xã Nam Hồng, tôi được người dân địa phương chỉ dẫn đến thôn Vệ, nơi còn sót lại dấu tích xưa. Ngay trước mắt tôi là chiếc cổng vào thôn với tấm biển có ghi: “Khu di tích lịch sử văn hóa địa đạo Nam Hồng”.

Những tưởng có biển di tích thì sẽ dễ tìm những công trình - di tích, dấu ấn xưa, nhưng mọi sự không phải như tôi nghĩ ban đầu. Bước qua cánh cổng làng, phải nhiều lần hỏi thăm bà con địa phương thì tôi mới tới được một số điểm di tích cách mạng còn sót lại. Những đoạn địa đạo nằm cạnh khu vực nhà dân hay bên mương nước sát cánh đồng. Một đoạn tường thành ẩn hiện trong những lùm cây, khóm tre um tùm, thỉnh thoảng trên đoạn thành lũy cũ lộ ra cửa hầm bí mật, có cả lỗ châu mai được xây bằng gạch.

Để hiểu hơn về hệ thống địa đạo Nam Hồng năm xưa, tôi tìm tới nhà ông Phạm Văn Dộc (79 tuổi). Trong căn bếp cũ của ông Dộc ở góc vườn hiện còn sót lại một cửa hầm dẫn xuống địa đạo. Theo tìm hiểu của tôi thì ngoài nhà ông Dộc, trong thôn Vệ còn một cửa hầm khác ở nhà bà Phạm Thị Phiến.

Lối xuống địa đạo qua cửa hầm ở trong khuôn viên nhà ông Dộc khá nhỏ, chỉ đủ cho một người lớn đi. Có một chiếc thang sắt gắn vào vách hầm để mọi người lên xuống. Trong ánh sáng của chiếc đèn pin và đèn flash máy ảnh, địa đạo xưa hiện ra trước mắt tôi. Một đoạn tường địa đạo được xây bằng gạch, trần uốn cong kiểu mái vòm. Theo ông Dộc, đó là đoạn địa đạo nguyên bản còn sót lại, được xây từ hơn 70 năm trước.

Ở Nam Hồng có một đoạn địa đạo khác, hiện được chính quyền và cơ quan chức năng đặt những tấm bê tông cốt thép lớn ở hai bên và trên đỉnh với mục đích chống sập. Đến hôm nay, trong số gần 11km địa đạo năm xưa chỉ còn sót lại đoạn dài hơn 200m ở thôn Vệ đi qua mấy nhà dân, trong đó có nhà ông Dộc.

Địa đạo Nam Hồng là một hệ thống công sự chiến đấu hết sức lợi hại. Địa đạo đã trở thành căn cứ địa cách mạng hữu ích che chở, bảo vệ các đồng chí đảng viên trước sự lùng sục, truy bắt gắt gao của quân Pháp. Vẻ đẹp của địa đạo Nam Hồng là vẻ đẹp của truyền thống đấu tranh cách mạng, như những câu thơ trong Bài ca địa đạo vốn đã thấm sâu vào lòng người: “Địa đạo ơi, đường đất hay đường lòng?/ Mà sâu thẳm, kiên trinh, vững chắc?”, “Đừng mong thúc ép được ta/ Đừng mong bỏ đất, bỏ nhà ta đi”.

Việc xây địa đạo, thành lũy của quân dân Nam Hồng đã góp phần vào thắng lợi chung cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được lịch sử ghi nhận. Trong giai đoạn 1947 - 1954, quân dân Nam Hồng đã chiến đấu trên 300 trận, tiêu diệt 354 tên địch, làm bị thương và bắt sống 299 tên, thu được vô số vũ khí, quân trang, quân dụng...

Lựu đạn quân và dân xã Nam Hồng đã sử dụng.

3. Sau năm 1954, khi miền Bắc lập lại hòa bình, nhiều đoàn khách quốc tế đã đến thăm khu địa đạo Nam Hồng. Đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản El Salvador đã xúc động viết trong cuốn sổ vàng truyền thống của xã như sau: “Cảm ơn nhân dân xã Nam Hồng đã cho chúng tôi những bài học vô cùng quý báu, chúng tôi sẽ vận dụng vào cuộc đấu tranh giải phóng quê nhà”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm xã Nam Hồng đã viết trong cuốn sổ vàng truyền thống: “Nam Hồng là một làng kháng chiến có thành tích chiến đấu oanh liệt. Hệ thống địa đạo chiến đấu Nam Hồng là một di tích lịch sử có một không hai ở Đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi thấy đây là một di tích lịch sử rất quý giá, rất cần được bảo vệ, tôn tạo để giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Cần có sự quan tâm và có đầu tư thích đáng”.

Ngày 29-1-1996, xã Nam Hồng được Chủ tịch nước ký tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 13-2-1996, Khu di tích lịch sử - văn hóa địa đạo Nam Hồng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Điều mong mỏi của chúng tôi không chỉ là khu di tích sẽ được bảo tồn tốt hơn, mà bài học lịch sử hào hùng về mảnh đất này sẽ được truyền cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Nguyễn Thị Hường

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/976075/tham-dia-dao-nam-hong