Thăm đình làng Gạo

Làng Gạo xã Hà Lan nay là khu phố Đoài Thôn, phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) khi xưa còn được biết đến với tên gọi Điền Đoài (Điền Đông). Nơi đây có Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đình làng Gạo mang nét đẹp kiến trúc thời Nguyễn, nổi tiếng to đẹp khắp vùng.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đình làng Gạo mang nét đẹp kiến trúc thời Nguyễn.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đình làng Gạo mang nét đẹp kiến trúc thời Nguyễn.

Căn cứ những dấu tích, tài liệu còn lưu, người dân tin rằng làng Gạo là một trong những làng cổ có lịch sử hình thành và phát triển từ rất sớm. Về tên gọi làng Gạo (hay làng Kẻ Gạo), đến nay dân gian vùng đất cổ vẫn lưu truyền câu chuyện kể: Xưa kia, vùng đất Điền Đoài vốn dốc, đồng đất khô cằn, canh tác vất vả khiến đời sống người dân quanh năm khó khăn. Thương cuộc sống dân làng, một người con của làng (họ Trần) làm quan lớn trong triều đình, đã dùng một phần tiền của mình và kêu gọi người dân đóng góp kinh phí, công sức để đào con mương đưa nước từ “khe Phượng” về để khai hoang cánh đồng rộng lớn. Sau đó, lại có một người khác đứng ra lo việc đắp bờ giữ nước cho cánh đồng. Nhờ có hệ thống nước tưới và giữ nước, dân làng đã có thể canh tác thuận lợi, thóc lúa mỗi ngày thêm nhiều, đời sống người dân cũng từ đây mà thêm phần khấm khá.

Dưới thời Tây Sơn, vua Quang Trung trong lần dẫn quân ra Bắc đại phá quân Thanh xâm lược, qua đất Điền Đoài đã dừng lại đóng trại để bổ sung quân lương. Tại đây, quân đội của vua Quang Trung đã được dân làng nhiệt tình đóng góp, ủng hộ rất nhiều lúa gạo. Cảm kích trước tấm lòng của người dân, vua Quang Trung đã ra lệnh đổi tên làng thành làng Gạo để nhắc nhớ nghĩa tình của đất và người nơi đây.

Nằm ở trung tâm làng có đình Gạo được khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng. Ban đầu đình có quy mô nhỏ bé. Đến đầu thời Nguyễn (triều vua Gia Long) làng Gạo có người con gái được tuyển vào cung làm phi. Theo sách “Địa chí Bỉm Sơn”, đại ý: Đến triều Gia Long làng Gạo có một bà phi họ Tống nên triều đình đã cấp tiền của, gỗ lạt để dân chúng xây dựng đền Gia Miêu (bên nội) và đình làng Gạo (bên ngoại).

Đình làng Gạo được kiến trúc theo kiểu chữ “Tam”. Tòa đại đình không nặng về các mảng chạm khắc mà hướng đến sự vững chãi, chắc chắn. Gỗ dựng đình chủ yếu là gỗ lim cùng một số loại gỗ quý; mỗi vì có bốn hàng chân cột kết cấu theo kiểu “thượng chồng rường đấu kê, hạ kẻ tràng, bào trơn, đóng bén”. Đình được chống đỡ bằng hệ thống cột cái, cột quân kê bởi chân tảng đá xanh. Các vì được gắn kết với nhau nhờ hệ thống hoành, xà chắc chắn. Tường tòa tiền tế được xây “bít đốc”, hiên để thoáng, không có cửa; mái lợp ngói mũi hài dày…

Ghé thăm đình làng Gạo, ở ngay gian giữa tòa tiền tế, khách tham quan sẽ nhìn thấy 4 chữ đại tự “Thánh cung vạn tuế”; cùng với đó, trên cột cái hai bên còn có câu đối ca ngợi công lao của Thành hoàng được thờ tại đình. Trong đó, một cặp câu đối chữ Hán, đại ý: “Chết làm thượng đẳng thần oai thiêng giúp nước/ Sống làm tướng tài giúp nước che chở cho dân”. Bên trong hậu cung, ngoài ban thờ, cũng có câu đối “Ức niên hương hỏa/ Vạn cổ anh linh” (được hiểu là Muôn năm hương khói/ Vạn thuở linh thiêng). Ông Tống Khắc Mạnh - người làng Gạo, trông coi di tích suốt 12 năm qua cho biết: “Các bức đại tự, câu đối trong di tích đều có từ trước truyền lại, nội dung bày tỏ sự kính ngưỡng, biết ơn của người dân làng Gạo với các vị Thành hoàng được thờ phụng”.

Đình làng Gạo thờ Thành hoàng làng Thái úy Tô Đại Liêu (tức Tô Hiến Thành) và Tống Quốc sư. Cùng với đó còn phối thờ cả Bản thổ Thượng trụ Quốc công Trần Cao Sơn, người có công đào mương dẫn nước tưới về các cánh đồng của làng.

Đình làng Gạo là không gian văn hóa - “điểm tựa” tâm linh cho người dân làng Gạo.

Theo thần tích Thành hoàng làng Gạo, thần họ Tô hiệu là Hiến Thành, làm quan phò tá ba đời vua Lý, là người văn võ toàn tài, trung nghĩa, cương trực nên được người đời hết sức nể trọng. Dưới thời vua Lý Anh tông, Thái úy Tô Hiến Thành được giao chức Đô tướng dẫn binh làm nhiệm vụ đi tuần du phòng bị vùng ven biển, đồng thời tuyên cáo cho dân các miền biên, trấn ân đức của triều đình. Trong thời gian dừng lại đóng quân ở làng Gạo, quan Thái úy đã ra lệnh miễn thuế 3 năm cho dân làng. Không chỉ vậy, lúc bấy giờ ở vùng đất này bệnh dịch tả đang lan tràn, vị quan đại thần triều Lý lại cho mời thầy thuốc Tống Quốc sư (được mệnh danh thần y) về chữa bệnh cho dân; đồng thời khuyến dụ người dân khai hoang lập ấp… Đến triều Lê, trước công lao và tấm lòng trung nghĩa của vị quan đại thần họ Tô, triều đình đã sắc phong cho ông là Tô Đại Liêu phúc thần.

Cảm nhớ ơn đức của Tô Đại Liêu phúc thần, về sau người dân làng Gạo đã lập dựng đền thờ suy tôn Tô Đại Liêu phúc thần và Tống Quốc sư làm nhị vị Thành hoàng làng. Trải qua biến thiên thời gian, đến hôm nay Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đình làng Gạo được đánh giá là công trình kiến trúc hiếm hoi trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn vẫn giữ được nét đẹp kiến trúc xưa.

Hàng năm, tại đình làng Gạo diễn ra 2 kỳ lễ hội chính vào tháng 2 và tháng 8 (âm lịch). Trong đó, lễ hội diễn ra từ ngày 12 đến 15-8 là dịp để người dân làng tưởng nhớ công đức của nhị vị Thành hoàng làng và cầu mong thần linh phù trợ cho Nhân dân có cuộc sống hiền hòa, ấm no.

Đình làng Gạo là chốn tâm linh thờ Thành hoàng làng, cũng đồng thời là không gian văn hóa chung của cộng đồng dân cư. Từ xưa đến nay, bao thế hệ người dân làng Gạo vẫn duy trì thói quen sinh hoạt văn hóa, tâm linh tại đình làng. Vì vậy, kỳ lễ hội chính diễn ra vào tháng 8 được người dân hết sức coi trọng. Lễ hội được tổ chức với phần lễ trang nghiêm, thành kính theo các nghi lễ truyền thống (mộc dục, cáo yết, tế thần…) và phần hội sôi động diễn ra nơi sân đình với nhiều hoạt động, trò chơi dân gian được tổ chức như đánh vật, đá cầu, múa võ, kéo co, đánh cờ..., ông Tống Khắc Mạnh trông coi di tích đình làng Gạo chia sẻ.

Bà Phùng Thị Thúy - Công chức văn hóa xã hội phường Đông Sơn cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp, ngành, cùng sự ủng hộ từ nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân, đình làng Gạo đã được trùng tu khang trang nhằm bảo tồn nét đẹp của di tích, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân, là nơi tham quan, chiêm bái của du khách xa gần khi về với làng Gạo”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/tham-dinh-lang-gao/27434.htm