Thắm đượm tình thương trong 'ngôi nhà lính'

Đến một số đồn Biên phòng trên các tuyến biên giới hiện nay, nhiều người không khỏi tò mò và thú vị trước hình ảnh các em học sinh cùng sinh hoạt, học tập và tham gia các hoạt động cùng cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị. Đặc biệt, các em được những người lính Biên phòng coi như con đẻ, được chăm lo đầy đủ về đời sống vật chất, tinh thần và giáo dục trong một môi trường kỷ luật cao.

Em Nguyễn Văn Lập cùng cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Ảnh: Kim Nhượng

Mới đây, chúng tôi có dịp tới Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) quốc tế Hà Tiên, tình cờ bắt gặp một cậu bé đang nhổ cỏ tại vườn tăng gia của đồn. Cậu bé có đôi mắt sáng, khoanh tay lễ phép chào khách. Thiếu tá Danh Tâm, Chính trị viên phó Đồn BPCK quốc tế Hà Tiên mỉm cười giới thiệu: “Đây là cháu Nguyễn Văn Lập, con nuôi của đồn Biên phòng mình đó!”. Rót chén nước chè xanh mời chúng tôi, Thiếu tá Danh Tâm kể: “Cháu Nguyễn Văn Lập, sinh năm 2000, ở ấp Xà Xía, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Hoàn cảnh gia đình cháu rất éo le, bố đi biển bị tai nạn mất khi cháu còn nhỏ, mẹ cháu từ đó cũng bỏ xứ mà đi lấy chồng nơi khác rồi biệt tăm. Cháu ở với bà nội đã già. Nhiều năm nay, bà bị bệnh nặng nằm liệt giường không đi lại được, mọi việc lớn nhỏ đều đến tay Lập”.

Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của cháu Lập, năm 2011, cấp ủy, chỉ huy Đồn BPCK quốc tế Hà Tiên đã làm việc trực tiếp với UBND xã Mỹ Đức, nhận cháu về nuôi, ăn ở, sinh hoạt tại đồn Biên phòng với các cán bộ, chiến sĩ. Nghe chúng tôi khen cháu ngoan, lễ phép, Thiếu tá Danh Tâm chia sẻ: “Để được như hôm nay là một câu chuyện dài”. Hỏi ra mới biết, khi được các chú BĐBP đón về nuôi cách đây 7 năm, Lập là một đứa trẻ rất ương bướng, cục cằn, ăn nói cộc lốc. Với suy nghĩ, nuôi ăn thì dễ, dạy thành người mới khó, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ban đầu lo lắng một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, tâm sinh lý dễ thay đổi liệu có dạy nổi cháu đúng ý mình mong muốn. Giải quyết những lo lắng đó, chỉ huy đồn đã đưa ra hai việc cần thiết: “Dạy học và dạy đức”. Việc dạy học được giao cho Thiếu úy Dương Văn Đủ, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, có năng khiếu về sư phạm; việc dạy đạo đức được giao cho Thiếu tá Danh Tâm, Chính trị viên phó.

Thiếu tá Danh Tâm cho biết thêm: “Lúc đầu nhận nhiệm vụ, bản thân mình cũng băn khoăn, liệu một cậu bé với tính cách như thế, mình có dạy nổi không? Nhưng sau đó càng tiếp xúc với cháu, mình càng hiểu nhiều hơn, một đứa trẻ bố mất sớm, mẹ bỏ đi biệt xứ lấy chồng khác, chẳng liên lạc và quan tâm gì tới con, rơi vào hoàn cảnh đó đứa trẻ nào chẳng tự ti, mặc cảm. Vì vậy, mình xác định phải thấu hiếu, chia sẻ với cháu, coi cháu như người thân, luôn gần gũi tâm sự, lắng nghe, tìm hiểu thêm về tâm sinh lý của những đứa trẻ mới lớn. Từ đó, động viên, giúp đỡ cháu xóa được sự tự ti, mặc cảm và tự tin hơn trong cuộc sống, hòa đồng với mọi người”.

Còn nhớ, có lần biết được bọn trẻ đang túm tụm định tự xăm mình, trong đó có cả Lập, Thiếu tá Tâm liền chạy đến. Đưa cháu về đơn vị, anh hỏi: “Mơ ước của cháu là gì?". Lập đáp: “Cháu muốn làm BĐBP như các chú”. Anh Tâm nói: “BĐBP không cho phép xăm lên người, cháu ạ". Nghe vậy, Lập liền xin lỗi. Sau đó, anh nhân thể quán triệt những quy định áp dụng cho quân nhân trong Quân đội: Không được dùng những chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, ma túy, xăm mình..., đồng thời, nhắc Lập không giao du với những người xấu.

Bao năm qua, với tình cảm và sự dạy bảo ân cần của những người lính Biên phòng, giờ Lập đã học tới lớp 11. Ngày thường, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên qua lại, thăm sức khỏe và tặng quà cho bà nội của Lập. Thứ 7, Chủ nhật nào các chiến sĩ cũng đưa Lập về nhà chơi và chăm sóc bà.

Chúng tôi cùng Thiếu tá Danh Tâm và cán bộ Đồn BPCK quốc tế Hà Tiên xuống nhà chơi, đúng lúc Lập đang xúc cháo cho bà ăn. Thấy chúng tôi, bà vội vàng bảo Lập đỡ dậy để nói chuyện.

Nhận gói quà từ tay chúng tôi, bà rưng rưng nói: “Các chú Biên phòng lần nào xuống cũng cho quà, mỗi tháng còn chu cấp 500.000 đồng cho Lập nữa. Gia đình tui không có gì để cảm ơn các chú. Không có các chú không biết bà cháu tui sống sao nữa. Những ngày các chú đưa về nghỉ hè, ngày nào Lập cũng đi hái xoài thuê, mỗi ngày được 150.000 đồng để lo thuốc thang cho tui”.

Nghe những lời nói chân thật từ đáy lòng của bà cụ, chúng tôi bỗng cảm thấy tự hào và thêm thương quý Lập hơn. Cảm phục em, một đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng rất cố gắng phấn đấu trong học tập, chăm ngoan chịu khó, rất hiếu thảo với bà nội. Cảm phục hơn là những người lính Biên phòng ở Đồn BPCK quốc tế Hà Tiên ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, nhưng vẫn luôn dành thời gian chăm lo cho đời sống người dân, giúp đỡ, uốn nắn nét chữ, nết người cho những học sinh có hoàn cảnh éo le để thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tham-duom-tinh-thuong-trong-ngoi-nha-linh/