Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cơ khí Việt đầu tư công nghệ Sintering

Trong nỗ lực thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, một doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã đầu tư nhà máy ứng dụng công nghệ Sintering, dập ép bột kim loại và thiêu kết để sản xuất chi tiết máy, linh kiện phụ tùng, phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Ngày 2-12, Công ty Cơ khí Duy Khanh đã khánh thành nhà máy cơ khí chính xác ứng dụng công nghệ Sintering tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Với suất đầu tư 183 tỉ đồng, nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ giúp nâng cao công nghệ chế tạo máy móc thiết bị, khuôn mẫu chính xác, giảm dần sự phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu.

Sản xuất tại nhà máy cơ khí chính xác Duy Khanh. Ảnh: H. Liêm

Sau nhiều năm nghiên cứu và học kinh nghiệm từ nước ngoài, bên cạnh sự hỗ trợ công nghệ từ Hàn Quốc, Duy Khanh đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chi tiết máy chính xác bằng công nghệ dập ép bột và thiêu kết (công nghệ Sintering).

Bên cạnh ưu thế sản xuất hàng loạt (sản lượng lớn) với giá thành thấp, sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu, công nghệ mới này còn thân thiên với môi trường với tỉ lệ sử dụng nguyên vật liệu rất cao (khoảng 95%) so với phương pháp gia công cắt gọt kim loại truyền thống (khoảng 45).

Sản phẩm nhà máy phục vụ cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp như linh kiện của các hệ thống điều khiển, hệ truyền động của các loại dụng cụ cầm tay, thiết bị điện, linh kiện trong xe máy, ô tô… Doanh nghiệp đặt mục tiêu cung ứng cho các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài(FDI), công ty trong nước vốn đang sử dụng các linh kiện nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TPHCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc đầu tư công nghệ Sintering để thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Tống, hiện nay nhu cầu mua các linh kiện, chi tiết máy của các doanh nghiệp công nghiệp như dụng cụ cầm tay, hệ thống điều khiển, truyền động trong xe máy, ô tô… là rất lớn. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước còn khiêm tốn, thậm chí, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp trong nước đầu tư công nghệ dập ép bột và thiêu kết để có thể sản xuất được những sản phẩm trên. Nguyên nhân là chi phí đầu tư rất lớn, mặt bằng đòi hỏi quy mô, thiết bị đắt tiền, quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D) kéo dài.

Việc xây dựng nhà máy mới với công nghệ Sintering tại TPHCM đánh dấu mốc quan trọng của ngành cơ khí Việt Nam nói chung, và cũng là nỗ lực của Cơ khí Duy Khanh hưởng ứng chương trình “Made by Vietnam – được làm ra, tạo ra bởi người Việt Nam” nói riêng. Đây cũng là cơ sở để các nhà sản xuất cơ khí trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng tốt nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sự chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp FDI lớn vào Việt Nam.

L.Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-doanh-nghiep-co-khi-viet-dau-tu-cong-nghe-sintering/