Tham gia CPTPP: Cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh

Hiệp định thương mại tự do CPTPP kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để đảm bảo nhiều yếu tố bền vững cho 'sân chơi' này, đòi hỏi Chính phủ và DN cùng đồng hành nỗ lực, cải cách mạnh mẽ hơn nữa để mang lại môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN.

Theo báo cáo mới đây Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB), điểm tổng sắp môi trường kinh doanh của Việt Nam đượcWB xếp hạng có nhiều điểm đáng lưu ý. Theo bảng xếp hạng năm ngoái, môi trường kinh doanh của Việt Nam ở vị trí thứ 68 trong 190 nền kinh tế được khảo sát, với số điểm 67,93/100. Việt Nam cùng với Indonesia, Philippines được đánh giá là những nền kinh tế có nhiều cải cách về môi trường kinh doanh khi 3 tiêu chí đánh giá đều xếp hạng tốt.

Các chuyên gia cho rằng, khi Việt Nam gia nhập CPTPP chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cũng sẽ gặp phải không ít thách thức. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kết quả đánh giá của WB cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam có tiến bộ, nhưng chưa được như kỳ vọng... Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam cần nỗ lực hơn nhiều so với những gì đang làm, cải cách mạnh mẽ hơn nữa. “Duy trì nỗ lực đã khó, đòi hỏi nỗ lực ấy gấp nhiều lần càng khó hơn. Nhưng tôi cho rằng, các cơ quan liên quan cần thấy rằng, đây là cơ hội không cải cách lần này thì cơ hội cải cách mất đi, chi phí làm lại sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều, bởi thời gian làm lại rất dài và lợi ích sẽ giảm dần”, ông Hiếu phân tích.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều cải thiện. Ảnh minh họa

Đánh giá về sự tụt giảm chỉ số thuế trong báo cáo của WB, các chuyên gia kinh tế cho rằng, còn một số cải cách của Việt Nam chưa được WB ghi nhận. Cụ thể, DN nộp thuế cần đến 351 giờ, tuy nhiên phân tích cho thấy, trong 351 giờ đó có đến 334 giờ là dành cho tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai. Thực tế, thời gian nộp tờ khai và nộp thuế chỉ còn 17 giờ/năm. Đây là mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, một loạt chính sách thuế không được WB cập nhật trong báo cáo năm nay như bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào bán ra kèm theo tờ khai thuế VAT (đã được bỏ từ tháng 11-2014). Trong khi đó, báo cáo WB đánh giá thời gian để DN lập bảng kê hóa đơn mất 90 giờ...

Đánh giá về sự tiến bộ môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo chuyên gia kinh tế, trong bảng xếp hạng của WB, Việt Nam giảm 1 bậc nhưng tổng số điểm tăng lên, chứng tỏ môi trường kinh doanh của Việt Nam có cải thiện. Trong quá trình cải cách môi trường kinh doanh, Việt Nam phải so sánh với các nước xung quanh.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, việc cải cách môi trường kinh doanh càng phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa. CPTPP là hiệp định toàn diện với nhiều nội dung phải cải cách. Khi tham gia hiệp định này, chúng ta phải đảm bảo nhiều yếu tố như bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu... “Đặc biệt, CPTPP có quy định khắt khe về chống tham nhũng. Trong đó, quy định người nhận, người đưa, người môi giới hay gợi ý tham nhũng cũng sẽ bị trừng phạt. Đây là điều rất mới với chúng ta để nghiên cứu kỹ và tận dụng cơ hội”, ông Doanh cảnh báo.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại. “Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho DN, cơ hội có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Đây cũng là cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững”, ông Lộc nói. Ngoài ra,theo ông Lộc, bản thân DN phải chủ động tìm hiểu thông tin một cách thực chất, trọng tâm phù hợp với chiến lược đầu tư kinh doanh của DN.

Trước đó, báo cáo Doing Business năm 2019 cho thấy Việt Nam chỉ đạt 3 cải cách, giảm 2 cải cách so với năm trước. Với 10 chỉ số đánh giá, Việt Nam có 7/10 chỉ số tăng điểm nhưng xét về thứ hạng chỉ có 4/10 chỉ số tăng vị trí bao gồm: Khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện, đăng kí tài sản và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Trong báo cáo của WB là chỉ số Tiếp cận điện gây chú ý nhất trong các chỉ số Việt Nam được đánh giá khi tăng tới 37 bậc trên bảng xếp hạng, dừng ở vị trí 27/190. Tuy nhiên, dù đạt 68,36 điểm tăng 1,59 điểm so với năm ngoái, Việt Nam vẫn bị tụt 1 bậc.

Mặc dù có sự tụt hạng nhưng Việt Nam vẫn được WB đánh giá là nền kinh tế có nhiều cải cách cùng với Indonesia và Philippines. Ở Việt Nam, các cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập DN. So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng mức giữa và bị bỏ khá xa so với những quốc gia đứng đầu như Singapore (2/190), Malaysia (15/190), Thái Lan (27/190) và Brunei (55/190).

Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được WB ghi nhận trong năm 2018, có 2 cải cách thuộc chỉ số khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, sắp tới Bộ KH&ĐT nên rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN. Bởi thời gian thực hiện thủ tục này được ghi nhận là 3 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, nhưng hiện nay vẫn chiếm tới 5 ngày.

Việt Khuê

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tham-gia-cptpp-co-hoi-de-viet-nam-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-127024.html