Tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu: Doanh nghiệp cần đổi mới thực chất

Muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp (DN) phải đổi mới toàn diện, từ cải thiện công nghệ sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng cạnh tranh và giá thành sản phẩm. Đó là nhận định của ông Nguyễn Phương Đông – Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM về chủ đề hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng nỗ lực thay đổi để trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp FDI.

Kể từ khi xây dựng đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015 – 2020 định hướng phát triển năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của TP HCM có nhiều chuyển biến và khởi sắc. Theo con số thống kê, DN hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là 4 ngành công nghiệp trong yếu, là khoảng 8.000 - 10.000 DN. Tuy nhiên, số doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng cấp 1 hay cấp 2 cho DN có vốn đàu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) còn hạn chế. Ngoài ra còn có một số DN được đưa vào danh sách tiềm năng, trong đó có 5 DN loại A và 7 DN loại B. 12 DN này thời gian tới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà cung ứng. Hiệu quả thực tiễn của một số DN trên đang thúc đẩy nhiều DN khác tích cực đổi mới công nghệ, chăm chút chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Hiện nay Sở Công thương TP HCM, hội ngành nghề và doanh ngiệp đang tích cực tuyên truyền những chính sách, cơ chế của Trung ương, của thành phố đến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, dù công nghiệp hỗ trợ vẫn ở mức thấp, nhưng chính sách của Nhà nước đang dần tạo đà cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Cụ thể, để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, Chính phủ và các địa phương liên tục đưa ra những chính sách hỗ trợ rõ ràng. Đơn cử, Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này thông qua Quyết định 68. Quyết định này tập trung hỗ trợ vấn đề tài chính, cơ chế tiếp cận tín dụng. Về phía TP HCM, thành phố đã đưa ra chương trình kích cầu đầu tư trong công nghiệp hỗ trợ. Từ Quyết định 50 và 15, Sở Công thương đã giải quyết trên 15 dự án cho ngành công nghiệp hỗ trợ và cũng đang chuẩn bị đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố sửa đổi Quyết định 15, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho DN để cải thiện công nghệ sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng cạnh tranh và giá thành sản phẩm, từng bước tiếp cận các nhà sản xuất FDI.

Thời gian tới đây, khoảng 350 doanh nghiệp của nhiều quốc gia sẽ đến Việt Nam để tìm nhà cung ứng sản phẩm nội địa. Đây là hoạt động lớn nhất từ năm 2015 đến nay và cũng là một cơ hội lớn đối với các DN Việt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Nhằm mục đích nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TP HCM đã lên kế hoạch tổ chức triển lãm công nghiệp máy móc và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Theo kế hoạch, có khoảng 200 gian hàng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hướng đến tạo cầu nối cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Hy vọng, lần gặp mặt sắp tới sẽ tạo ra nhiều tương tác hơn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nhập hiệu quả hơn.

Mặc dù cả Chính phủ và các địa phương cũng thúc đẩy DN công nghiệp hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, để tham gia vào chuỗi cung ứng của DN FDI, giới DN trong nước cũng gặp phải không ít rào cản.

“Rào cản lớn nhất hiện nay đối với DN Việt chính là khả năng đáp ứng những yêu cầu tiêu chuẩn vốn rất cao của FDI. Ngoài xuất phát điểm còn hạn chế, DN trong nước cũng có những khó khăn về mặt bằng hay nguồn nhân lực chất lượng cao” – ông Nguyễn Phương Đông nhận định.

Theo ông Đông, những yếu tố nêu trên làm giảm năng lực cạnh tranh của thành phố, vì vậy thành phố đã và đang có những chính sách nhằm giúp doanh nghiệp có cách nhìn mới về sự tiếp cận với thế giới trong hội nhập hiện nay, đồng thời tận dụng những chính sách một hiệu quả nhất. Nói về khả năng của DN Việt tự tin tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Đông nói rằng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là cả một quá trình, và nếu chịu khó đầu tư để nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong quy trình sản xuất, sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng có giá thành thấp, thì việc trở thành nhà cung ứng cho doanh nghiệp FDI hoàn toàn không khó.

* Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công thương TP HCM) cho biết, năm 2016 có 5 - 7 doanh nghiệp đủ điều kiện gởi hồ sơ tìm doanh nghiệp FDI để tham gia cung ứng. Năm 2017, có 100 doanh nghiệp tham dự kết nối nhưng kết quả chỉ đuợc 7 – 8 doanh nghiệp.

* Sở Công thương TP HCM sẽ tổ chức triển lãm quốc tế máy móc thiết bị công nghiệp tại Việt Nam và Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2018. Dự kiến, triển lãm có khoảng 500 gian hàng của 350 doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu…Trong đó, ưu tiên khoảng 200 gian hàng trưng bày chi tiết linh kiện sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Triển lãm diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/12.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/tham-gia-vao-chuoi-cung-ung-gia-tri-toan-cau-doanh-nghiep-can-doi-moi-thuc-chat-tintuc415993