Thảm họa sập đường tàu điện tại Mexico được báo trước thế nào?

'Vấn đề an toàn tàu điện ngầm đã tồn tại từ rất lâu nhưng cuối cùng, không ai làm gì cả để thảm họa xảy ra'.

Hiện trường vụ sập cầu đường sắt trên cao tại Mexico

Vụ tai nạn tàu điện kinh hoàng ngày 4/5 vừa qua tại Mexico City, Thủ đô của Mexico đánh dấu một trong những vụ tai nạn tồi tệ nhất với hệ thống tàu điện phục vụ hàng triệu người mỗi ngày, đặt ra rất nhiều nghi vấn về tiêu chuẩn xây dựng và bảo trì đường sắt địa phương.

Mới nhất nhưng tai tiếng nhất

Trong vụ sập cầu đường sắt trên cao của Mexico đêm 4/5 theo giờ địa phương, khiến ít nhất 24 người thiệt mạng, hơn 70 người khác bị thương, có một điểm đáng chú ý là đoạn cầu bị sập thuộc tuyến tàu điện số 12 hay còn gọi là “tuyến Vàng”, đi vào hoạt động từ năm 2012, do một trong những công ty của tỷ phú Mexico Carlos Slim xây dựng, theo Channel New Asia.

Tuy là công trình hạ tầng công cộng mới nhất tính đến thời điểm này tại Mexico City nhưng kể từ khi đưa vào hoạt động, tuyến tàu điện này liên tiếp xảy ra nhiều vấn đề về an toàn.

Ngay sau vụ sập cầu, Tổng thống Mexico Manuel Lopez Obrador cam kết sẽ truy rõ trách nhiệm trong vụ tai nạn. Ông khẳng định sẽ mời thêm các chuyên gia quốc tế độc lập, trong đó có một công ty đến từ Na Uy để làm rõ sự việc, đảm bảo minh bạch, khách quan.

Hạ tầng tàu điện được xây dựng khi ông Marcelo Ebrard hiện là Ngoại trưởng Mexico đương nhiệm, làm Thị trưởng TP Mexico. Là một trong những chính trị gia được nhận định có thể là ứng viên của đảng cầm quyền chạy đua Tổng thống năm 2024, ông Ebrard lập tức có phản ứng ngay khi biết thông tin vụ tai nạn, khẳng định “sẵn sàng hợp tác với chính quyền đương nhiệm” để làm rõ nguyên nhân.

Thảm họa được báo trước

Một nghiên cứu liên quan đến tuyến tàu này đã chỉ ra rất nhiều vấn đề liên quan đến thiết kế, vận hành và bảo trì đường ray.

Sau đó, khoảng tháng 9/2017, Mexico gặp phải một trận động đất mạnh và hạ tầng này cũng không nằm ngoài ảnh hưởng. Ông Hernando Manon (42 tuổi), cư dân sống gần cầu cho biết, ông và rất nhiều người dân khác phát hiện ra những vết nứt trên thân cầu sau vụ động đất.

Dù các đơn vị bảo trì hoàn tất gia cố, sửa chữa cho phép tuyến 12 hoạt động trở lại nhưng những người dân địa phương vẫn sống trong nỗi lo nơm nớp hàng năm trời. Theo tờ New York Times, cứ khi tàu chạy qua các đoạn đường sắt trên cao là đều phải giảm tốc vì sợ trật đường ray.

Ông Florencio Serrania, Giám đốc tàu điện Mexico City cho biết, ban quản lý đã thuê một công ty của Pháp là TCO để thanh kiểm tra và bảo trì tuyến đường này. Thị trưởng Mexico Claudia Sheinbaum cũng khẳng định, công tác bảo trì được thực hiện hàng ngày.

Song, theo anh Ricardo de la Torre, một người dân tại Mexico City đang sống gần Tuyến 12, từ lâu anh đã rất lo ngại về chất lượng đoạn cầu đường sắt trên cao bởi mỗi khi tàu chạy qua là các tòa nhà gần đó lại rung lắc.

“Chỉ qua một sự việc đơn giản đó, chúng tôi đã hiểu chất lượng xây dựng cực kém”, anh Torre nhấn mạnh. Bản thân các kỹ sư làm việc trên tuyến đường này cũng không ít lần báo cáo rất nhiều vấn đề liên quan tới an toàn nhưng có lẽ, “đã có sự thờ ơ, tắc trách”.

“Ban quản lý đã không xem xét nghiêm túc các báo cáo”, ông Fernando Espino, lãnh đạo công đoàn công nhân tàu điện ngầm chia sẻ trên kênh truyền hình Milenio của địa phương.

Tại hiện trường, tối 5/5, hơn 1 ngày sau vụ tai nạn, mẹ của một nạn nhân 13 tuổi chưa rõ số phận sau vụ tai nạn tàu vẫn hoảng loạn tìm con. Thời gian trôi đi mà tin con vẫn biệt tăm, người mẹ này càng đau lòng tuyệt vọng.

“Tôi đã đi hết tất cả các bệnh viện nơi có nạn nhân trong vụ tai nạn được đưa tới nhưng đều không có thông tin về cháu”, mẹ nạn nhân nói trong khi đang quay lại hiện trường, tiếp tục ngóng tin con.

Trong nỗi lo lắng tột cùng, bà bức xúc chỉ trích: “Vấn đề an toàn tàu điện ngầm đã tồn tại từ rất lâu nhưng cuối cùng, không ai làm gì cả để thảm họa xảy ra”.

Trước khi thảm họa xảy ra, người dân sống ở khu vực lân cận đã dự đoán không sớm thì muộn, chắc chắn tuyến tàu này sẽ xảy ra tai nạn.
Nỗi lo sợ của họ không hề vô căn cứ. Bởi chỉ 17 tháng kể từ khi đi vào hoạt động, năm 2014, phần lớn tuyến tàu điện trị giá 2 tỉ USD đã phải tạm ngưng hoạt động để sửa chữa do hư hỏng.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tham-hoa-sap-duong-tau-dien-tai-mexico-duoc-bao-truoc-the-nao-d505595.html