Thảm họa Sewol, nỗi đau người ở lại

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã không còn cơ hội được tự do khi kháng cáo của mình bị Tòa án quận trung tâm Seoul bác bỏ trong phiên điều trần trước tòa ngày 19/2. Tòa án quận trung tâm Seoul tuyên rằng ông Lee 'không có dấu hiệu hối lỗi hay tinh thần trách nhiệm' về những hành động sai trái của mình. Mức án dành cho vị cựu Tổng thống được nâng từ 15 năm lên 17 năm tù kèm theo mức phạt 13 tỷ won (khoảng 11,5 triệu USD).

Bản án dành cho ông Lee có hiệu lực ngay lập tức. Nếu như ông Lee Myung-bak “ngã ngựa”vì vụ Samsung, thì một cựu Tổng thống Hàn Quốc khác- bà Park Geun Hye- cũng thực sự “chìm xuồng” khi liên quan đến vụ chìm phà Sewol. Bà Park trở thành Tổng thống Hàn Quốc năm 2013, bị phế truất tháng 12/2016 và chính thức bị bỏ tù năm 2018.

Ngày 17/1/2020, Tòa án quận trung tâm Seoul đã ra phán quyết buộc 3 người con của ông Yoo Byung-eun- chủ hãng phà Chonghaejin Marine, sở hữu chiếc phà Sewol bị chìm, phải trả 170 tỉ won (3.392 tỉ đồng) cho chính quyền vì 3 người này đứng tên thừa kế tài sản của ông Yoo - theo Yonhap. Số tiền này là 70% phần chính quyền đã chi ra cho chiến dịch tìm kiếm cứu nạn, bồi thường cho nạn nhân, chi phí an táng và chi phí thuốc men cho người bị thương.

Như vậy, vụ chìm phà Sewol, một trong những thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất tại Hàn Quốc- vẫn chưa bị “chìm xuồng”.

Ngồi tù vẫn chưa yên

Ngay khi phà Sewol bị chìm, cùng với việc cứu hộ, cứu trợ, người ta đã tìm mọi cách điều tra để tìm ra nguyên nhân cũng như từ đó xác định tội của những người liên quan. Dư luận không chính thức của Hàn Quốc ngay từ lúc bấy giờ đã hướng mũi dùi vào Tổng thống đương nhiệm- bà Park Geun Hye. Nhưng, không phải là chuyện dễ dàng động được đến vị nữ Tổng thống độc thân, vốn được tiếng “sạch” và lại là con gái rượu của cố “Tổng thống vĩ đại” Park Chung Hee. Nhưng rồi, bà Park cũng phải vào tù. Tuy nhiên, đó là câu chuyện dài và không đơn giản.

Đáng nói hơn nữa là, ngay cả khi cựu nữ Tổng thống đã ngồi tù thì sự việc cũng không vì thế mà chấm dứt.

Ngày 6/11/2019, Viện Công tố tối cao Hàn Quốc (SPO) lại bất ngờ công bố kế hoạch thành lập Nhóm đặc trách để điều tra vụ chìm phà Sewol. Thông báo của SPO nêu rõ kế hoạch trên được triển khai theo chỉ thị của Tổng công tố Yoon Seok-youl. Có 9 công tố viên tham gia nhóm điều tra đặc biệt này để xác định nguyên nhân chính xác cũng như làm sáng tỏ bất kỳ sự xử lý yếu kém nào trong các chiến dịch cứu hộ của Chính phủ Hàn Quốc. Hoạt động điều tra được tiến hành dựa trên những nghi vấn từ phía các gia đình nạn nhân cũng như từ phía Ủy ban điều tra đặc biệt các sự cố, thảm họa xã hội. Trước đó, Ủy ban này từng công bố nội dung điều tra sơ bộ cho thấy trong ngày xảy ra tai nạn, cảnh sát biển mặc dù phát hiện được nạn nhân tim vẫn còn đập, nhưng quá trình đưa bệnh nhân tới bệnh viện lại mất tới 4 tiếng 41 phút, không điều động trực thăng cứu hộ kịp thời.

Và như vậy, bà Park lại một lần nữa đối diện với những cáo buộc có thể là rất bất ngờ.

Ký ức đau buồn vẫn còn đó.

Ký ức đau buồn vẫn còn đó.

Thảm họa tồi tệ nhất lịch sử hàng hải xứ Kim chi

Ngày 16/4/2014, con phà đồ sộ Sewol trọng tải 6.825 tấn chở 476 người, gồm hành khách và thủy thủ đoàn, trên đường từ cảng Incheon (thành phố Incheon) đến đảo Jeju thì bất ngờ gặp nạn. 304 người thiệt mạng, phần lớn trong đó là học sinh trường trung học phổ thông Danwon (thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi) đang trong chuyến du lịch ngoại khóa tới đảo Jeju.

Cả nước Hàn chìm trong tang tóc. Người ta không thể tưởng tượng được một ngày lại gặp thảm họa khủng khiếp đến thế. Khi thông tin được nhà nước phát đi, nhiều người vẫn không tin đó là sự thật. Người ta cũng thấy rằng, buổi tối hôm đó, đàn ông Hàn Quốc vốn là những người điềm tĩnh đã dìm mình trong những quán rượu như để chạy trốn một sự thật khủng khiếp. Còn các cụ già thì cầu nguyện trong nước mắt. Họ cầu nguyện cho những linh hồn vô tội và cũng là để cầu xin đấng tối cao đừng bao giờ trút giận dữ xuống đất nước này.

Người ta cũng chứng kiến cảnh hỗn loạn khi rất đông người thân của những người đi trên con phà xấu số gào thét. Học sinh tất cả các trường học Hàn Quốc phẫn nộ, đau xót trước cái chết của những người bạn cùng trang lứa, cho dù chúng không hề biết nhau.

Đất nước khóc than cho những con người xấu số. Và người ta đòi phải tìm cho ra những kẻ liên quan đến thảm họa ấy. Trước hết là những người điều khiển con phà, kế đến là chủ phà, trách nhiệm của chính quyền, sự chậm chạp của lực lượng cứu hộ... và còn ai nữa nếu không phải là Tổng thống Park Geun Hye?

Trong những ngày tang tóc đó, bất ngờ truyền thông đưa ra một nghi vấn: Lúc phà Sewol chìm, Tổng thống ở đâu? Từ đó”một mũi điều tra” nhắm tới bà Park và cả ông Hwang Kyo-ahn, người giữ chức Bộ trưởng Tư pháp vào thời điểm xảy ra tai nạn. Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Kim Ki-choon cũng không thoát khỏi cáo buộc, dù lúc bấy giờ chưa chính thức.

Kể từ cái ngày 16/4/2014 u ám ấy, người ta vẫn loay hoay tìm kiếm câu trả lời cho nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ.

Tới ngày 30/4 cùng năm, truyền thông Hàn Quốc đưa thông tin “7 cuộc điện đàm bí ẩn giữa chủ phà Sewol và thủy thủ khi phà chìm”: Thủy thủ đoàn phà Sewol đã liên tục gọi điện cho hãng vận tải Chonghaejin, chủ sở hữu chiếc phà xấu số, đến 7 lần khi Sewol bắt đầu chìm. Tờ Chosun Ilbo ngày 30/4/2014 dẫn báo cáo từ cơ quan điều tra cho biết cuộc gọi đầu tiên được thực hiện vào lúc 9 giờ 1 phút sáng 16/4 (giờ địa phương) khi mà một thủy thủ tên Kang, 32 tuổi, đã liên lạc với chi nhánh tại thành phố Incheon của hãng vận tải Chonghaejin. 2 phút sau, một nhân viên tại trụ sở của Chonghaejin ở đảo Jeju gọi điện cho Thuyền trưởng phà Sewol Lee Joon-seok và họ đã trao đổi trong khoảng 35 giây. Cho đến 9 giờ 40 phút, có thêm 5 cuộc điện đàm khác giữa một nhân viên Chonghaejin và thuyền phó thứ nhất. Vị thuyền phó 42 tuổi này, cũng tên Kang, được cho là có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hành khách và an ninh trên phà.

“Nếu các nhân viên Chonghaejin chỉ ra lệnh cho thủy thủ đoàn chạy khỏi chiếc phà mà không yêu cầu họ có những biện pháp giải cứu hành khách, thì các nhân viên này cũng sẽ bị truy tố về tội rời bỏ nhiệm vụ và đồng lõa với hành động giết người” - Chosun Ilbo dẫn lời một điều tra viên. Một thủy thủ trên phà Sewol còn làm chứng rằng thuyền trưởng Lee đang chơi game trên điện thoại di động khi rời khỏi buồng lái ngay trước thời điểm xảy ra sự cố.

1 năm sau thảm họa, tại một cuộc họp báo ở Seoul, người ta lại chứng kiến những dòng nước mắt. Đối với vợ chồng bà Lee Keum-hui và ông Cho Nam-sung, nỗi nhớ con gái Eun-hwa không sao nguôi được. Bà Lee đã cho mọi người nghe đoạn ghi âm cuộc gọi cuối cùng của con gái. Trong cuộc gọi từ chiếc phà đang chìm, Eun-hwa hốt hoảng kêu lên “Mẹ ơi, nó đang nghiêng! Chúng con sắp chết rồi!”. Tới nay, gần 6 năm đã trôi qua Eun-hwa vẫn là 1 trong 9 nạn nhân mất tích.

Ông Cho- bố của Eun-hwa nói, "kể từ khi họ ngừng tìm thi thể của con gái tôi, nỗi buồn của tôi chuyển thành sự giận dữ". Người đàn ông mất con đã dồn sự phẫn nộ vào lực lượng bảo vệ bờ biển đến quá chậm và khi đến lại không cho lệnh sơ tán người khỏi phà.

Cho dù Chính phủ đã bỏ ra 110 triệu USD để trục vớt con phà đắm thì cũng không thể nào mang về cho ông bà Lee đứa con gái thân thương. Nói như mẹ của cô bé, chắc giờ này linh hồn của em vẫn lang thang không bến đỗ.

Sau vụ đó, thuyền trưởng Lee Joon-seok bị kết án 36 năm tù giam và 14 thành viên thủy thủ nhận mức án 9 đến 25 năm. Đội trưởng bảo vệ bờ biển bị tù 4 năm do sơ suất. Yoo Byung Eun- nhà tài phiệt sở hữu Công ty điều hành phà Sewol bỏ trốn và được tìm thấy đã chết trong một cánh đồng trồng mận.

Người ta băn khoăn tự hỏi, vì sao Hàn Quốc là 1 trong 20 nước giàu nhất thế giới, lại để xảy ra thảm họa khủng khiếp đến thế, tính mạng con người lại bị coi nhẹ đến thế. Vì sao một đất nước hiện đại lại có tiêu chuẩn an toàn kém như vậy. Chính phủ đề nghị bồi thường. Các gia đình mất con sẽ nhận được 378.000 USD cũng như khoảng 200.000 USD từ một quỹ được thành lập để tiếp nhận tài trợ. Gia đình của các giáo viên sẽ nhận được nhiều hơn. Nhưng, một điều chắc chắn là không tiền nào có thể bù đắp cho sự mất mát 304 con người.

Giàu có, tiền bạc đã không là tất cả.

Bà Park (trên cương vị Tổng thống) đến viếng các nạn nhân vụ chìm phà Sewol, ngày 29/4/2014.

Bà Tổng thống và “7 giờ biến mất bí ẩn”

Trước khi đương kim Tổng thống lúc bấy giờ, bà Park Geun Hye, bị kết án chính thức thì một dấu mốc cho là “khởi điểm” của cáo buộc trực diện nhắm vào bà được cho là ngày 25/3/2017.

Lúc đó, bà Park bị lên án gay gắt vì đã "biến mất" một cách khó hiểu trong suốt 7 giờ đồng hồ khi thảm họa chìm phà Sewol diễn ra. Theo Korea Times, khoảng thời gian kể từ khi có các báo cáo đầu tiên về vụ chìm phà và lúc mà bà Park xuất hiện trên kênh truyền hình là 7 giờ đồng hồ.

Điều này khiến dư luận tức giận vì Tổng thống đã bỏ mặc người dân khi phản ứng quá chậm. Ngoài ra, sự thiếu thông tin về việc bà Park đang ở đâu, làm gì trong vòng 7 giờ đó cũng trở thành một nghi vấn. Theo truyền thông Hàn Quốc, không ai có mặt trong Văn phòng Tổng thống, kể cả Trợ lý của bà Park, trong khoảng thời gian từ 9h53’, khi bà Park nhận được báo cáo văn bản đầu tiên về vụ chìm phà đến 17h15’ cùng ngày, lúc bà triệu tập cuộc họp khẩn cấp.

Dư luận sục sôi khi tờ Hankyoreh nói rằng Tổng thống đã mất 90 phút để làm tóc trong lúc phà Sewol chìm. Theo đó, một chuyên gia tạo kiểu tóc ở Gangnam, khu hạng sang ở phía nam Seoul, đã làm tóc cho bà Park trong thời gian khoảng từ 13h đến 15h tại Nhà Xanh. Đài SBS, một hãng truyền thông khu vực, nói rằng cựu Tổng thống yêu cầu người thợ trên làm cho tóc bà xoăn hơn.

Ngay sau đó, Văn phòng Tổng thống cho biết, bà Park có làm tóc trong ngày thảm kịch xảy ra, nhưng việc này chỉ mất khoảng 20 phút. Trong khoảng thời gian này, bà vẫn nhận các báo cáo về thảm họa Sewol và chờ đội ngũ làm việc tới phòng tình huống ở khu phức hợp chính phủ cách đó 2 km. Còn bà Park Geun Hye lại nói rằng mình đang làm việc ở Văn phòng Tổng thống và nhận các báo cáo về tình hình vụ chìm phà.

Chưa hết, một số đồn đoán lại cho rằng Tổng thống được phẫu thuật thẩm mỹ trong 7 giờ “vắng mặt”. Những nghi ngờ gia tăng sau thông tin Nhà Xanh mua một lượng lớn mũi tiêm có tác dụng giảm mệt mỏi và thẩm mỹ.

Thật “khó đỡ” khi mà giữa lúc có tin đồn về việc bà Park đi làm đẹp khi thảm họa xảy ra, thì truyền thông Hàn Quốc lại công bố bức ảnh cho thấy gần miệng của bà có vết thâm tím bất thường. Các bác sĩ cho rằng đây là tác dụng phụ của việc tiêm chất làm đầy vì mục đích thẩm mỹ.

Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi vào ngày 14/12/2016, giữa lúc bà Park vướng vào bê bối với người bạn thân Choi Soon Sil, thì một ủy ban đặc biệt của Quốc hội đã mở phiên điều trần để điều tra về “7 giờ biến mất” của bà trong thảm họa phà Sewol. Trong cuộc điều trần, ông Park Young Sun- Nghị sĩ Quốc hội thuộc đảng Dân chủ đối lập, đã đưa ra 2 tấm ảnh chụp bà Park trước và sau ngày xảy ra vụ chìm phà Sewol. Các bức ảnh này tập trung vào phần mắt của bà Park- bộ phận mà bà Park cho hay từng được điều trị chống nhăn. Người ta còn cho rằng cũng trong cái ngày định mệnh 16/4/2014 ấy, bà Park đã tham gia vào buổi lễ kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông Choi Tae Min. Choi Tae Min là người sáng lập ra một giáo phái bí ẩn và là cha của bà Choi Soon Sil- nhân vật trung tâm trong vụ bê bối của bà Park. Lúc đó, bà Park nói: “Có những lời đồn cho rằng tôi tham gia một giáo phái, hoặc có hoạt động nghi lễ trong Nhà Xanh, nhưng tất cả đều không đúng sự thật”.

Như vậy, cho tới nay “7 giờ biến mất bí ẩn” của bà Park vẫn chỉ được nói về 2 việc là đi làm đẹp và tham gia một đám tang của một nhân vật”không xứng đáng”. Còn lại, vẫn không ai biết rõ. Tuy nhiên, chỉ chừng ấy cũng đã đủ khiến nữ Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc đối diện với phế truất, và sau đó là vào tù.

Hàng năm,tới ngày 16/4, nhiều người dân Hàn Quốc lại tưởng nhớ tới các nạn nhân vụ chìm phà Sewol.

Đoạn cuối của bà Park

Ngày 29/8/2019, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã yêu cầu Tòa án Seoul xét xử lại các cáo buộc đối với cựu Tổng thống Park Geun Hye, bà bị phế truất vào tháng 12/2016 và chính thức bị kết án vào tháng 4/2018 với các tội danh nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Bà nhận mức án 24 năm tù, sau đó tăng thêm 12 tháng.

Tòa án Tối cao Hàn Quốc ngày 29/8 đã kết luận một số phán quyết bị trùng lặp. "Chúng tôi gửi vụ án cho Tòa án Cấp cao Seoul xét xử lại"- Chánh án Tòa án Tối cao Hàn Quốc Kim Myeong Su cho biết. Theo Yonhap, Tòa án Tối cao yêu cầu tòa án Seoul không được gộp chung xử lý các cáo buộc nhận hối lộ với những cáo buộc khác của bà Park. Tòa cũng trả lại vụ án hối lộ liên quan đến bà Choi Soon Sil và Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong.

Khi ra tòa, bà Park 67 tuổi, đến nay cũng đã ngoài 70. Theo truyền thông Hàn Quốc, phán quyết kể trên của Tòa án Tối cao sẽ không có lợi cho bà Park. Việc xét riêng một số cáo buộc có thể làm tăng tổng số năm tù của cựu Tổng thống.

Cuộc đời bà Park thật không suôn sẻ. Từ đỉnh cao danh vọng, quyền lực trở thành tù nhân ngay chính đất nước mình từng lãnh đạo khiến người đời phải suy ngẫm.

Ký ức của một thợ lặn trong thảm kịch đắm phà Sewol

Người đó là Kim Sang Ho. Ngày 19/4/2014, khi đang ở nhà tại Seoul, Kim nhận được cuộc điện thoại của một đồng nghiệp làm nghề thợ lặn để báo ông tới bờ biển phía nam ngay lập tức. Kim đã nhận lời sau khi biết tại hiện trường không có đủ thợ lặn được cấp bằng đạt tiêu chuẩn. Trong 2 tháng, ông đã mạo hiểm cả mạng sống khi lặn sâu xuống đáy biển mỗi ngày để tìm thi thể các nạn nhân.

“Điều tôi hối tiếc nhất là đã tới đó chậm và không thể cứu được một ai”- ông Kim chia sẻ. Ông kể rằng ngay cả khi tới được phà, mọi chuyện cũng không hề dễ dàng. Ông phải lách qua lối vào hẹp hơn chiều bả vai, trườn trên hành lang nhỏ tới phòng của hành khách, nơi tập trung hầu hết thi thể. Họ đã lặn suốt ngày đêm, cứ 3 giờ làm việc lại đến 3 giờ nghỉ. Quá trình tìm kiếm những thi thể ngâm lâu dưới nước đã là nỗi ám ảnh khiến ông mất ngủ. Ông Kim thường xuyên gặp ác mộng về hình ảnh những xác chết đang phân hủy dưới đáy biển và cảm giác tiếp xúc với da thịt người chết khi ông đưa xác họ lên bờ.

Năm 1993, thợ lặn Kim từng tham gia tìm xác các nạn nhân trong vụ chìm phà Seoha đã lấy đi sinh mạng của 292 người. Một năm sau, ông được điều động tới cứu hộ vụ sập cầu Seongsu, Seoul vào giờ cao điểm buổi sáng khiến 32 người thiệt mạng. Nhưng với ông, vụ lặn tìm thi thể nạn nhân phà Sewol khiến ông kinh sợ nhất. Sau vụ đó, ông Kim đã bỏ nghề thợ lặn (năm 41 tuổi). 2 năm sau, thợ lặn Kim Gwan Hong, 43 tuổi, tự sát tại nhà ở ngoại ô Seoul.

Đinh Hoàng Tú

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tham-hoa-sewol-noi-dau-nguoi-o-lai-tintuc461373