Thảm họa sóng thần tại Indonesia: Nguy cơ tái diễn thảm kịch

Trong khi lực lượng chức năng Indonesia đang huy động mọi biện pháp nhằm chạy đua với thời gian tìm kiếm và giải cứu những người may mắn sống sót sau thảm họa sóng thần ngày 22/12, các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ các trận sóng thần khác có thể tấn công quốc gia quần đảo Đông Nam Á này.

Khả năng hứng thêm sóng thần

Các nguồn tin địa phương cho biết, tính đến ngày 25/12, số nạn nhân thiệt mạng trong trận sóng thần ở Indonesia đã tăng lên hơn 400 người, ngoài ra, khoảng 1.400 người bị thương và hơn 100 người đang mất tích. Các lực lượng cứu hộ, quân đội, cảnh sát và tình nguyện viên địa phương vẫn đang gấp rút tìm kiếm và giải cứu những nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ đã huy động nhiều máy móc hạng nặng, chó nghiệp vụ và máy bay chụp ảnh nhằm phát hiện, tìm kiếm nạn nhân sống sót hoặc thi thể bị mắc kẹt trong đống đổ nát, sau khi trận sóng thần bất ngờ tấn công eo biển Sunda, giữa các đảo Sumatra và Java, Indonesia cuối tuần qua.

Dwikorita Karnawati, người đứng đầu Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa chất của Indonesia (BMKG) cho biết, nguyên nhân của trận sóng thần vừa qua không phải do động đất, mà núi lửa Anak Krakatau hoạt động trở lại trong nhiều tháng nay đã khiến một phần ở sườn Tây Nam có diện tích khoảng 640m2 của ngọn núi này sụp đổ. Theo lời các nhà khoa học, hình ảnh do vệ tinh Sentinel-1 của cơ quan vũ trụ châu Âu ghi lại cho thấy, phần lớn sườn phía Nam của núi Anak Krakatau đã trượt xuống đại dương. Sam Taylor-Offord, một nhà khoa học nghiên cứu về địa chấn tại Trung tâm Khoa học GNS ở Wellington (New Zealand) cho hay, khi khối đất sạt lở bị đẩy xuống đại dương, tạo ra sự dịch chuyển chiều dọc dưới đại dương và gây ra sóng thần. Ông Taylor-Offord cho rằng, do núi lửa phun trào và môi trường xung quanh quá nhiều tiếng ồn nên các máy đo địa chất đã không ghi lại được hiện tượng sạt lở của núi lửa Anak Krakatau.

Núi lửa Anak Krakatau bắt đầu thức giấc kể từ tháng 6 và hoạt động liên tục đến nay. Tháng 7, các nhà chức trách Indonesia đã phải ra lệnh phong tỏa khu vực bán kính 2km tính từ miệng núi lửa. Hiện, giới khoa học lo ngại sẽ còn tiếp tục xảy ra sóng thần mới. Ngày 23.12 vừa qua, phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia của Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cũng cảnh báo, nhiều khả năng quần đảo này sẽ hứng thêm những đợt sóng thần mới, trong bối cảnh núi lửa Anak Krakatau vẫn đang hoạt động. Indonesia có 147 núi kuwra, trong đó có 76 núi lửa được cho là đang hoạt động.

Thảm họa không được cảnh báo trước

Thảm họa vừa qua ở Indonesia ập tới mà không có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra trước đó. Trong khi các nhà khoa học giải thích rằng, việc núi lửa phun trào và sụp đổ gây ra sóng thần có thể là nguyên nhân khiến hệ thống cảnh báo sóng thần của Indonesia không hoạt động, thì phát ngôn viên Cơ quan Thảm họa quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho lại chỉ ra rằng, sự phá hoại, thiếu kinh phí bảo trì và lỗi kỹ thuật đã khiến hệ thống phao cảm biến sóng thần của nước này không hoạt động từ năm 2012.

Các nhà khoa học cho biết, nếu hệ thống phao cảm biến hoạt động quanh núi lửa Anak Krakatau, cảnh báo sóng thần có thể được phát đi trong vòng 1 - 2 phút kể từ khi xảy ra sạt lở núi lửa. Trong chuyến thị sát khu vực xảy ra thảm họa ngày 24/12, Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị cơ quan khí tượng của Indonesia mua máy dò và phát hiện sóng thần mới, nhằm giúp đưa ra cảnh báo sớm cho cộng đồng dân cư sống ven biển.

Trong khi đó, báo Huffington Post cho hay, Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS) đã không thể phát đi cảnh báo sóng thần sau vụ sạt lở núi lửa Anak Krakatau ở Indonesia, do Chính phủ Mỹ đang đóng cửa tạm thời vì hết kinh phí hoạt động. Đây thực sự là sự cố đáng tiếc và tang thương nhất liên quan đến sự gián đoạn trong hoạt động của các cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/the-gioi/tham-hoa-song-than-tai-indonesia-nguy-co-tai-dien-tham-kich-19612.html