Thảm họa thiên nhiên khiến kinh tế Nhật Bản giảm 1,2%

Kinh tế Nhật Bản trong quý III/2018 đã sụt giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước sau khi một loạt các thảm họa thiên nhiên đã ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng cũng như xuất khẩu.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát của một ngôi nhà bị sập sau trận động đất ở Hokkaido, Nhật Bản ngày 6/9. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu mới nhất từ Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 14/11 cho thấy đây là mức suy giảm lớn nhất trong về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế tính từ quý IV/2015 tới nay và là sự đảo chiều hoàn toàn từ mức tăng 3% trong giai đoạn từ tháng 4-6/2018.

So với quý trước đó, GDP của Nhật Bản đã giảm 0,3%. Trước đó trong quý II/2018, kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng trưởng 0,8%.

Xuất khẩu cũng giảm 1,8%, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong 5 quý qua do nhu cầu của thị trường nước ngoài về mặt hàng ô tô và các sản phẩm công Nhật Bản đã yếu đi. Chi tiêu của khách du lịch tại Nhật Bản (được thống kê tương tự như xuất khẩu) cũng bị ảnh hưởng tiêu cực từ thiên tai.

Đầu tư vào tư liệu sản xuất, vốn đang trên đà tăng mạnh mẽ nhờ lợi nhuận doanh nghiệp khởi sắc và sự bùng nổ hoạt động xây dựng trước Thế vận hội Tokyo 2020, đã giảm 0,2% - lần đầu tiên trong hai năm qua.

Ông Katsunori Kitakura, nhà chiến lược cấp cao tại công ty tư vấn đầu tư Sumitomo Mitsui Trust Asset Management, cho biết, một loạt các thảm họa thiên nhiên trong mùa Hè năm nay là một trong số những nguyên nhân chính khiến kinh tế Nhật Bản có một “màn trình diễn” không mấy lạc quan như vậy.

Theo chuyên gia này, những thảm họa thiên nhiên buộc người tiêu dùng phải ở trong nhà và các nhà máy ngừng hoạt động, dẫn đến sự suy giảm trong hoạt động sản xuất và đầu tư.

Mùa Hè năm nay, Nhật Bản đã phải hứng chịu một loạt thảm họa thiên nhiên, bao gồm lũ lụt ở các vùng phía Tây do mưa lớn, cơn bão Jebi khiến sân bay quốc tế Kansai International Airport phải tạm thời đóng cửa, và một trận động đất ở phía Bắc làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất. Trong đó, ông Kitakura cho rằng việc sân bay Kansai phải đóng cửa đã khiến hoạt động du lịch và xuất khẩu của Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng.

Tuy nhiên khi đề cập tới triển vọng quý IV, ông Kitakura dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi vào giai đoạn này nhờ tình hình “sức khỏe” của kinh tế toàn cầu khá vững chắc.

Chuyên gia này nói rằng dù thị trường vẫn tỏ ra thận trọng về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng ổn định và hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản nhiều khả năng sẽ nối lại đà đi lên.

H.Thủy ( Tổng hợp)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tham-hoa-thien-nhien-khien-kinh-te-nhat-ban-giam-1-2-/102037.html