Thảm kịch xả súng ở New Zealand: Khi sức mạnh công nghệ là con dao hai lưỡi

Mạng xã hội 'bất đắc dĩ' trở thành công cụ 'truyền virus cực đoan' của kẻ xả súng thảm sát 50 người và khiến hàng chục người bị thương ở New Zealand.

Sức mạnh công nghệ là con dao hai lưỡi bén nhọn. Điều này có vẻ như đúng với vụ xả súng vừa qua tại New Zealand, khi mạng xã hội “bất đắc dĩ” trở thành công cụ “truyền virus cực đoan” của kẻ xả súng. Đoạn livestream dài 17 phút ghi lại toàn cảnh kẻ thủ ác ra tay dã man sát hại những người vô tội nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên internet lập tức kéo theo những tranh cãi về mặt trái của công nghệ, góc khuất của mạng xã hội.

Việc hung thủ trong vụ thảm sát ở New Zealand lợi dụng mạng xã hội để gây chú ý, gieo rắc tư tưởng cực đoan nhằm cổ súy, dẫn dắt những kẻ khác làm theo mình chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho thấy xu hướng mạng xã hội đang ngày càng bị nhiều kẻ khủng bố lợi dụng trong những năm gần đây. Hành vi tội ác này đã lần nữa thức tỉnh toàn cầu về vấn đề quản trị truyền thông xã hội.

 M mạng xã hội “bất đắc dĩ” trở thành công cụ “truyền virus cực đoan”. (Ảnh minh họa)

M mạng xã hội “bất đắc dĩ” trở thành công cụ “truyền virus cực đoan”. (Ảnh minh họa)

Sau vụ việc gây chấn động New Zealand vừa qua khiến thế giới không khỏi bàng hoàng, các ông lớn công nghệ vẫn đang xoay sở để xóa đi các liên kết và video cực đoan lan tràn trên Internet và các mạng xã hội. Cả Facebook, YouTube, Twitter đều tuyên bố đã tích cực huy động nhân sự, với nền tảng công nghệ hỗ trợ là các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để gỡ bỏ các video bạo lực, mang nội dung phản cảm được đăng tải trên mạng internet.

Ngay trong 24 giờ đầu tiên sau vụ tấn công, Facebook đã gỡ bỏ 1,5 triệu video trên toàn cầu liên quan tới vụ việc. Có lẽ Thủ tướng New Zealand hoàn toàn có lý khi chỉ trích, truy trách nhiệm của Facebook, bởi lẽ gã khổng lồ công nghệ này chỉ biết đến sự tồn tại của vụ livestream sau khi "nhận được thông báo từ cảnh sát New Zealand. Thủ tướng New Zealand cũng hy vọng những vụ việc như vậy trong tương lai phải được Facebook hay bất kỳ nền tảng nào chặn càng sớm càng tốt.

Bà Sarah Stuart Black, giới chức Bộ Quản lý khẩn cấp, phòng vệ dân sự New Zealand cho biết: “Các cảnh quay liên quan đến vụ tấn công này đã được phân loại là phản cảm, do đó, đây là hành động vi phạm theo luật sở hữu, chia sẻ, lưu trữ của New Zealand”.

Sau một loạt những chỉ trích liên quan tới vai trò của mạng truyền thông xã hội trong vụ tấn công đẫm máu vừa qua tại Christchurch, các ngân hàng Westpac và TSB của New Zealand hôm nay (19/3) xác nhận sẽ rút các quảng cáo của mình ra khỏi hai mạng xã hội Facebook và Google, ủng hộ quan điểm cho rằng các hãng truyền thông xã hội cần có trách nhiệm trong việc xuất bản nội dung độc hại trên các trang web công cộng. Trước đó, một loạt các ngân hàng khác của New Zealand cũng tuyên bố tạm dừng cộng tác với Facebook và Google, bao gồm ASB, ANZ, Kiwibank và BNZ.

Hiện các nhà mạng đang phải đối mặt với một vòng kiểm tra an ninh mới về việc xử lý nội dung bạo lực và chính trị cực đoan trên nền tảng của mình.

Rõ ràng, từ vụ xả súng kinh hoàng vừa qua tại New Zealand có thể phần nào thấy rõ thực trạng mạng xã hội đang bị những kẻ xấu lợi dụng, biến tướng thành nền tảng chia sẻ những quan điểm cực đoan. Rõ ràng, ngăn chặn việc kích động khủng bố thông qua không gian mạng hiện trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Do vậy, câu hỏi lớn đang đặt ra là làm thế nào để các quốc gia đẩy mạnh vấn đề quản trị mạng một cách an toàn, nhằm tránh để xảy ra sự việc đau lòng như thảm kịch vừa qua tại New Zealand.

Video: Xả súng ở New Zealand khiến hàng chục người thương vong

Phương Anh/VOV

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tham-kich-xa-sung-o-new-zealand-khi-suc-manh-cong-nghe-la-con-dao-hai-luoi-d463962.html