THAM LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TẠI HỘI NGHỊ QUỐC TẾ 'ĐỐI TÁC NGHỊ VIỆN VỀ HỢP TÁC GIÁO DỤC, VĂN HÓA VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG' (AIPA – ECC)

Trong khuôn khổ năm Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) nhiệm kỳ 2019-2020, chiều ngày 30/7, Quốc hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến 'Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững' (AIPA-ECC). Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã có bài tham luận tại Hội nghị này.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu tham luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuận Nhạ tại Hội nghị quốc tế “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC):

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Trong nửa năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra không ít khó khăn cho ngành giáo dục. Trong bối cảnh toàn thế giới đối mặt với những thách thức chung, câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra là làm thế nào để tăng hiệu suất giáo dục, và khai thác cũng như phát huy tối đa tiềm năng của nguồn nhân lực trong khu vực. Ở đây tôi muốn nói đến hai giải pháp quan trọng: thúc đẩy chuyển đổi số và liên thông giáo dục trong khu vực.

Vấn đề đầu tiên mà tôi muốn đề cập đến là chuyển đổi số trong giáo dục. Không chỉ trong trong khi đại dịch bùng phát và lan rộng, mà trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình và hướng dẫn công nhận kết quả dạy học trực tuyến. Qua những trao đổi nội khối về kinh nghiệm chuyển đổi số trong giáo dục, tôi nhận thấy chúng ta đều đang chứng kiến việc các trường học bắt đầu ứng dụng công nghệ. Đó có thể là thay thế lớp học truyền thống bằng các công cụ livestream.Có thể là giao bài về nhà trên các nền tảng giáo dục trực tuyến. Hoặc ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam, hầu hết các trường học có thể duy trì dạy và học online toàn phần hoặc bán phần trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Tuy nhiên nếu chúng ta chỉ dừng ở đây vì cho rằng đã cán đích, thì quả thực nguy hiểm.

Cuộc khủng hoảng COVID mang tới những bài học quan trọng trong chuyển đổi mô hình giáo dục trong tương lai, về những điều mà các quốc gia cần chuẩn bị tốt hơn cho viễn cảnh giáo dục trong thế kỷ XXI.

Nhà trường của chúng ta hầu như vẫn chưa thực sự khai thác được tiềm lực mang tính cải cách của công nghệ trên diện rộng. Rất hiếm khi sức mạnh của công nghệ được huy động để cá nhân hóa hoạt động giáo dục và thúc đẩy việc học. Để làm được việc này, Việt Nam đang tập trung số hóa các nội dung giảng dạy có chất lượng, mang tính ứng dụng thực tiễn cao để hoàn thiện Kho học liệu mở giáo dục quốc gia với 5000 bài giảng e-learning và 2000 video bài giảng trên truyền hình. Chúng tôi cũng đang trong quá trình xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá người học trực tuyến nhằm giúp giáo viên xác định nhu cầu học tập cá nhân của học sinh dựa trên dữ liệu thời gian thực để từ đó kịp thời đa dạng hóa phương pháp giảng dạy.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ (ngồi giữa) trình bày tham luận tại Hội nghị

Tuy vậy, đây liệu đã phải mục tiêu cuối cùng mà chúng ta cần hướng đến?

Tham vọng của chúng ta, với tư cách là những nhà lãnh đạo trong khu vực, nên chăng phải là cùng nhau xây dựng một nền tảng giáo dục số hóa dùng chung, giúp cho sự hiểu biết đa văn hóa của người học được nâng lên trong khi các chuẩn mực về chất lượng giáo dục vẫn được đảm bảo? Các công nghệ tiên tiến về dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu cũng cần được áp dụng nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, đánh giá ngành và dự báo về GDĐT.

Đây là tham vọng lớn nhưng hiện giờ không phải lúc để e ngại. Áp lực của việc cần phải thay đổi toàn diện và triệt để đang lớn hơn bao giờ hết với những ảnh hưởng không thể vãn hồi của đại dịch.

Vấn đề thứ hai mà tôi muốn đề cấp đến là về liên thông trình độ trong khu vực ASEAN.Con người là nguồn tài nguyên quý giá nhất của chúng ta, và tập trung tối ưu hóa hiệu suất nguồn nhân lực nên phải là ưu tiên hàng đầu. Làm thế nào để một người lao động, một sinh viên, một học sinh tốt nghiệp ở một đất nước này có thể tiếp tục học tập và làm việc ở một nước thành viên khác mà không mất thời gian gián đoạn chuyển tiếp?

Vấn đề này ko chỉ giới hạn trong liên thông giáo dục, mà nó nằm trong một câu hỏi lớn hơn, làm thế nào để tối ưu hóa nguồn nhân lực trong khu vực? Đầu tư phát triển nguồn nhân lực không chỉ là đào tạo mới và đào tạo lại mà còn là công nhận và tận dụng nhân lực có trình độ đã qua đào tạo. Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động kỹ năng ở trình độ cao (MRAs), trình độ trung bình và thấp (MRS). Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á được thành lập vào năm 1995 theo thỏa thuậncủa các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, cho tới nay đã phát triển bao gồm 30 trường đại học thành viên chính thức thuộc 10 nước, trong đó có 2 trường đại học của Việt Nam. Đây là một dấu mốc lớn trong công nhận một cách công bằng về chất lượng lao động giữa các quốc gia trong nội khối ASEAN.

Mặc dù vậy, nhìn về tương lai, chúng ta vẫn nhận thấy nhiều điều phải làm và nhiều rào cản cần vượt qua. Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo ngang bằng về chất lượng đào tạo, thậm chí là chất lượng đào tạo trực tuyến, giữa các cơ sở giáo dục từ nhiều hệ thống khác nhau, với những cơ chế kiểm tra giám sát khác nhau? Rõ ràng các trường đại học và các cơ quan quản lý giáo dục đại học của các nước thành viên cần có những bước tiến xa hơn nữa trong việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo cũng như xây dựng cơ chế giám sát chung hài hòa, thống nhất.

Màn hình trực tuyến Hội nghị

Chúng ta cũng cần tính đến giải pháp để khuyến khích các chủ sử dụng lao động trong khu vực có thái độ tích cực trong việc tuyển dụng lao động có các xác nhận kĩ năng và trình độ. Liên thông trong giáo dục chỉ có giá trị khi các xác nhận đó được công nhận trong thực tế.

Tôi cho rằng, đây là thời điểm chúng ta cần phải quy hoạch và đổi mới định hướng phát triển của khu vực. Đó có vẻ như là một mục tiêu không dễ dàng bởi mỗi nước thành viên trong khối ASEAN đều đã định hình với những hoạch định và chiến lược phát triển quốc gia riêng biệt. Tuy nhiên, nếu chúng ta cùng ngồi lại, nhìn về tương lai xa hơn, chúng ta sẽ thấy điểm giao nhau trong tầm nhìn của mỗi nước. Đó chính là phát triển bền vững, là thu hẹp khoảng cách giữa nhóm ưu thế và nhóm yếu thế, là nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội của từng cá nhân, là giảm thiểu lãng phí trong khai thác và sử dụng nguồn nhân lực.

Chìa khóa để có thể “đi cùng nhau và đi xa”, để đạt đến mục tiêu chung dài hạn chính là thúc đẩy chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau và lưu thông phân bổ nguồn lực linh hoạt giữa các nước thành viên. Hôm nay chúng ta đề cập đến tính cấp thiết phải xây dựng hạ tầng công nghệ và đồng bộ hệ thống giải pháp số xét trên nền tảng phát triển công nghệ hiện nay. Nhưng quan trọng hơn cả trong cuộc họp cấp nghị viện này là các nước thành viên phải có những trao đổi, thảo luận để xây dựng được hành lang pháp lí, hướng tới hợp pháp hóa việc liên thông giáo dục giữa các nước trong khối thành viên, đặc biệt trong đào tạo trực tuyến.

Đó là con đường mà chúng ta có thể xây dựng ý thức cộng đồng trách nhiệm cũng như tầm nhìn khu vực. Chúng ta đã cùng đi một chặng đường dài, cùng vượt qua những thách thức với tư cách là một cộng đồng chung. Với cam kết rõ ràng và quyết tâm thực hiện, chúng ta sẽ có thể tiếp tục nỗ lực và đạt tới thành công, cùng nhau gây dựng một cộng đồng bền vững trong tương lai./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47338