Thăm ngôi nhà trăm tuổi được hồi sinh từ đống tro tàn

Ngôi nhà Lang trăm tuổi tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Hòa Bình đã được hồi sinh từ đống tro tàn, để một lần nữa trở thành điểm nhấn thú vị tại điểm tham quan du lịch này.

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình. Không như suy nghĩ của nhiều người cho rằng Bảo tàng thường khô khan, ít sự tương tác, đến với Bảo tàng Không gian văn hóa Mường du khách không chỉ được tìm hiểu về văn hóa dân tộc Mường mà còn được sống trong không gian rất thiên nhiên, gần gũi và đầy sức sống.

Lối vào bảo tàng đẹp mắt với cây xanh rợp bóng và những bánh xe quay nước khổng lồ được xếp dọc đường vào..

Với diện tích rộng lớn tới 5 ha, trên một vạt đồi trong thung lũng đá vôi nhỏ, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường được chia thành hai khu vực chính là Khu Tái hiện và khu Trưng bày.

Khu trưng bày là nơi trưng bày theo chủ đề những hiện vật có giá trị như: Cồng, Chiêng, Lư, Ninh đồng hay những hiện vật về đời sống, sinh hoạt văn hóa của người Mường như dụng cụ đánh bắt cá, công cụ dệt, dụng cụ săn bắn, phòng tang ma, dụng cụ sinh hoạt trong gia đình…Trong khu vực trưng bày còn có không gian nghệ thuật được gọi là Muong Studio và thư viện với hơn 5000 đầu sách.

Sơ đồ giới thiệu từng khu vực trong khuôn viên Bảo tàng

Một góc nhỏ trong khu vực Trưng bày

Nếu như Khu Trưng bày hấp dẫn những nhà nghiên cứu thì Khu Tái hiện thực sự thu hút khách du lịch bởi sự gần gũi, rất thật tái hiện lại cuộc sống của đồng bào dân tộc Mường xưa và nay.

Trên con đường dốc men theo sườn đồi 4 khu nhà sàn đại diện cho 4 tầng lớp lao động trong xã hội Mường lần lượt xuất hiện trước mắt du khách thăm quan.

Hình ảnh nhà Âu tại khu Tái hiện

Nhà của tầng lớp bình dân tại khu vực Tái hiện trong Bảo tàng

Ngôi nhà đầu tiên mà khách tham quan nhìn thấy chính là Nhà Lang, Nhà Lang là ngôi nhà dành cho tầng lớp có quyền lực cao nhất, nắm quyền thống trị toàn bản Mường. Tiếp sau nhà Lang là đến nhà Âu, đây là ngôi nhà dành cho những người giúp việc có địa vị của quan Lang. Nhà dành cho tầng lớp bình dân trong xã hội Mường được gọi là Nhà Noóc. Cuối cùng là Nhà Nóc Trọi dành cho tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội Mường.

Theo thứ bậc, quyền uy và sự giàu có những ngôi nhà cũng có kích thước và quy mô tương tự. Nhà quan Lang luôn là ngôi nhà to nhất, đẹp nhất được dựng hoàn toàn bằng gỗ với sàn nhà cao. Nhà Âu nhỏ hơn một chút so với nhà quan Lang, đồ đạc trong nhà cũng sơ sài hơn. Nếu như những căn nhà Noóc của người dân thường cũng được dựng từ gỗ và một vài vặt liệu tre nứa khác thì những căn nhà dành cho tầng lớp thấp nhất của xã hội Mường – nhà Nóc Trọi chỉ được dựng một cách tạm bợ bằng tre, nứa.

Nhà quan Lang hơn trăm tuổi bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn năm 2013

Và được hồi sinh năm 2017

Trong một trận hỏa hoạn năm 2013, ngôi nhà của quan Lang hơn 100 tuổi đã bị thiêu hủy chỉ còn lại phần cột nhà cháy đen. Trong những năm sau đó, với nhiệt huyết của Giám đốc Bảo tàng và sự ủng hộ của nhiều người, căn nhà đã được phục dựng từ đống tro tàn. Năm 2017, Nhà Lang chính thức được hồi sinh để tiếp tục là điểm nhấn thú vị tại Bảo tàng.

Tuy mới được thành lập năm 2007, lại là một bảo tàng tư nhân song Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đã sớm được công chúng trong và ngoài nước biết đến bởi sự chuyên nghiệp trong cách thức tổ chức cũng như sự đầu tư bài bản, có chiến lược.

Nhà lưu niệm ngay lối vào, nơi để du khách dừng chân và mua các đặc sản địa phương

Bài&ảnh: Lan Hương

Lan hương

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/du-lich/tham-ngoi-nha-tram-tuoi-duoc-hoi-sinh-tu-dong-tro-tan-286608.html