Thâm nhập ‘bộ lạc kiến’ ở Trung Quốc

Sống theo từng nhóm nhỏ chen chúc ở ngoại ô các thành phố lớn, những tân cử nhân ở Trung Quốc đang phải vật lộn với cuộc mưu sinh đầy gian khổ và được ví như những “bộ lạc kiến”.

Biệt danh “bộ lạc kiến” được giáo sư Lian Xi, giảng viên ĐH Kinh tế và kinh doanh quốc tế ở Bắc Kinh “sáng tác” bởi theo ông, cả hai nhóm có những điểm rất giống nhau là chăm chỉ, cần mẫn và sống chen chúc. Nỗi lo mưu sinh Giáo sư Lian cho rằng, điều đáng quan tâm là hàng triệu gia đình nông dân cố gắng cho con học ĐH ở những thành phố lớn với hy vọng giúp con “đổi đời”, nhưng thực tế không giống như những gì họ mơ ước. Nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” dường như ép các cô cậu tân cử nhân này phải chấp nhận một suy nghĩ đó là “tồn tại trước, sống sau”. Họ lao như con thiêu thân vào công việc, bất kể đó là công việc không liên quan đến chuyên ngành học. Theo giáo sư Lian Xi, hầu hết các thành viên bộ lạc này đều gia nhập đội quân quảng cáo và bán bảo hiểm, tiếp thị các sản phẩm hàng điện tử và thực phẩm. Nhiều người trong số họ không được hưởng bất cứ quyền lợi bảo hiểm nào và thậm chí không được ký kết hợp đồng lao đồng. Họ không có việc làm ổn định và có thu nhập ít ỏi. Vì vậy, họ phải sống ở những khu vực có chi phí sinh hoạt thấp và giao thông không quá tồi tệ. Khu vực Tangjialing ở Bắc Kinh là một trong những nơi nổi tiếng của các tân cử nhân. Đó là một ngôi làng ở phía Bắc Bắc Kinh. Những con đường và phòng trọ ở đây rất chật hẹp, ồn ào và bẩn thỉu. Anh Zhang Yonggang, một thanh niên Hà Bắc hiện chia sẻ căn phòng có diện tích vẻn vẹn 13 m2 với hai người bạn cùng lớp tại ngôi làng Tangjialing. “Tiền thuê nhà là 400 NDT (khoảng 59 USD). Chúng tôi chia nhau tiền thuê nhà và mỗi người còn phải trả 10 NDT (1,5 USD) mỗi tháng cho nước sinh hoạt”, anh Zhang cho hay. “Cả ba chúng tôi đều đang làm việc tại một công ty phần mềm. Tiền lương hàng tháng của chúng tôi là 1.500 NDT (220 USD)”, anh Zhang chia sẻ. Anh cho biết thêm rằng phải thường xuyên làm thêm giờ mà không được trả thêm bất cứ đồng nào. “Nếu bạn không thích làm thêm giờ, bạn chỉ có thể ra đi. Rất nhiều người đang chờ vị trí công việc của bạn”, anh Zhang ngậm ngùi. Liu Zhou, một sinh viên khác tâm sự: “Hầu hết sinh viên ở đây không còn sự chọn lựa nào khác về chỗ ở nên phải chấp nhận sống ở đây. Đây là nơi mà chúng tôi còn có thể trang trải được chi phí sinh hoạt bằng số tiền kiếm được quá ít ỏi của mình khi mới bước vào đời”. Dù vất vả kiếm sống, thế hệ “bộ lạc kiến” vẫn rất lạc quan và không e ngại những thách thức. Họ đang mong chờ một tương lai sáng sủa hơn và tin rằng họ có thể tìm thấy giấc mơ của họ thông qua sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Kêu gọi cải cách giáo dục ĐH Không lạc quan như các sinh viên, sau khi thăm một ngôi làng của “bộ lạc kiến”, một số đại biểu Quốc hội cho biết họ rơi nước mắt khi nghe hai sinh viên ở trong một căn phòng chỉ 5m2 nghêu ngao một bài hát tự sáng tác về cuộc sống trong bộ lạc. Một đại biểu Quốc hội Trung Quốc nhận định: “Điều kiện sống khó khăn của bộ lạc kiến dễ làm người dân lo lắng và làm dân chúng bất mãn”. Ông lo ngại sự khổ hạnh đến rơi nước mắt của những người này có thể là mầm mống của những rối loạn trong xã hội. Nhiều đại biểu Quốc hội Trung Quốc hôm 11/3 vừa qua tổ chức họp báo để trình bày cảnh ngộ của sinh viên thất nghiệp và kêu gọi Chính phủ cải tổ sâu rộng đối với hệ thống giáo dục ĐH. Họ cho rằng, hệ thống hiện nay không giúp sinh viên đáp ứng được các đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. Chia sẻ quan điểm với các đại biểu Quốc hội, ông Tang Jun, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của tập đoàn công nghiệp New Huadu kêu gọi các tổ chức giáo dục, các ban ngành phải chú ý nhiều hơn đến tình cảnh hiện tại của sinh viên tốt nghiệp ĐH thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào các con số thống kê việc làm. Theo số liệu của Chính phủ, 87% sinh viên tốt nghiệp ĐH tìm được việc làm trong năm 2009. Nhưng nhiều sinh viên tỏ ra hoài nghi về con số này và nói thêm rằng những việc làm dễ kiếm hiện nay thường chỉ mang lại thu nhập vừa đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Do đó, trong báo cáo hàng năm, tại kỳ họp thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc vừa bế mạc hôm 14/3, Thủ tướng Ôn Gia Bảo công bố kế hoạch chi hơn 6 tỷ USD trong năm nay để giúp sinh viên tốt nghiệp sớm tìm được việc làm. Các quan chức ở Tangjialing cũng đưa ra kế hoạch “rót” tới 600 triệu USD để biến những ngôi làng của “bộ lạc kiến” thành những khu chung cư cao tầng. Họ hy vọng, chung cư này sẽ cung cấp chỗ ở cho khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp. Trà My (theo People’s Daily, Wall Street Journal)

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/thegioi/Tham-nhap-bo-lac-kien-o-Trung-Quoc/20104/88978.datviet