Thâm nhập cơ sở kinh doanh TPCN online của Cty Ripple Việt Nam: Bài 1: Chân dung những 'thầy thuốc' tuổi teen

Khi thâm nhập cơ sở kinh doanh Công ty TNHH Ripple Việt Nam (số 435, Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội) PV ghi nhận sự thực, chân dung những người tự xưng 'thầy thuốc', 'dược sỹ' đều đang độ tuổi còn rất teen và không có trình độ chuyên môn, nhưng trong cuộc đua sấp ngửa vì lợi nhuận không từ thủ đoạn để lừa dối người tiêu dùng...

Đó chính là góc khuất trong kinh doanh Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPCN) đang diễn ra qua kênh giao dịch online tại cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH Ripple Việt Nam (Cty Ripple) được PV Báo Pháp luật Việt Nam dày công thâm nhập điều tra, nhằm cảnh tỉnh người tới người tiêu dùng một thông điệp: “TPCN không có tác dụng “thần thánh” thay thế thuốc chữa bệnh”.

Nhưng ở đó, vì 2 chữ lợi nhuận và cuộc đua sấp ngửa trở thành “ngôi sao” bán hàng, người ta thỏa sức mạo danh lương y, bác sỹ, giáo sư, tiến sỹ, tên tuổi của những người nổi tiếng mục đích câu kéo, lừa lọc, thậm chí cả dọa nạt để những người bệnh đang “vái tứ phương” phải móc hầu bao mua TPCN trá hình thuốc chữa bệnh với giá trên trời.

Màn tuyển dụng chóng vánh

Sau một thời gian theo dõi những dấu hiệu bất thường trong hoạt động kinh doanh TPCN online của Cty Ripple, PV đã nộp hồ sơ để ứng tuyển vị trí nhân viên của công ty này để nhằm tìm rõ chân tướng sự thực. Sau ít ngày gửi thông tin, PV nhận được phản hồi từ một người phụ nữ thông báo lịch hẹn phỏng vấn tại trụ sở Cty Ripple trên phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân.

Địa điểm hẹn phỏng vấn là một căn phòng nhỏ trong tòa nhà, nơi đang có cả chục người liên tục gõ máy, gọi điện rôm rả tạo nên thứ âm thanh ồn ã, hỗn độn. Người phỏng vấn cứ phỏng vấn, người làm cứ làm, mọi thứ quay cuồng, xô bồ vô cùng.

 Một đoạn quảng cáo tuyển dụng nhân viên trên mạng xã hội của Cty Ripple

Một đoạn quảng cáo tuyển dụng nhân viên trên mạng xã hội của Cty Ripple

Màn dạo đầu bằng thủ tục giới thiệu lý lịch, kinh nghiệm cá nhân nhanh chóng kết thúc. PV được người phụ nữ đối diện giới thiệu quy mô công ty bao gồm cả tòa nhà, mỗi phòng nhỏ sẽ là một chi nhánh, bộ phận khác nhau. PV được ứng tuyển vào vị trí bán 2 sản phẩm “Hoạt huyết Ngọc Thanh” và “Họng Rico”, là TPCN hỗ trợ điều trị chứng rối loạn tiền đình và viêm họng.

Khi PV tỏ vẻ e ngại vì chưa có chuyên môn và kinh nghiệm về thuốc, vị quản lý này cười trừ, rồi nhìn thẳng PV với một thái độ ân cần và cảm thông, khẳng định chắc nịch ở đây không ai có kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn. Điều kiện đầu tiên yêu cầu các ứng viên không phải kinh nghiệm, mà khả năng chịu được tiếng ồn!

PV chỉ cần học thuộc "kịch bản" này là có thể trở thành "dược sỹ" tư vấn cho khách hàng

Nhập môn kinh doanh TPCN online, PV được yêu cầu thuộc lòng kịch bản sẵn có với những “công thức” rất bài bản, hướng dẫn thăm khám bệnh như một bác sỹ thực thụ. Dù người bệnh là nam hay nữ, già hay trẻ, dấu hiệu bệnh lý ra sao đều không quan trọng mà cốt yếu là bất chấp bằng mọi giá phải ghim vào đầu khách hàng là bệnh, nếu không điều trị sẽ có biến chứng nguy hiểm; thuốc tây không điều trị dứt điểm; đây là thuốc đông y gia truyền chứ không phải thực phẩm chức năng…

Với tất cả yêu cầu trên khi được tuân thủ, thì đáp lại sẽ là lời hứa một mức thù lao hấp dẫn, cơ hội thăng tiến rộng mở, cùng lời nhắn nhủ về sự thành công từ người quản lý, buổi phỏng vấn kết thúc chóng vánh. PV đã trở thành nhân viên thử việc tại Cty Ripple theo cách như vậy.

Chân dung “thầy thuốc” tuổi teen

Trong những ngày thử việc, PV được xếp ngồi cạnh, dưới quyền quản lý của một nhân viên tên P., sinh năm 2001, vừa tốt nghiệp phổ thông thì vào làm nhân viên tại Ripple. Tuy tuổi còn trẻ nhưng P. hòa nhập khá tốt với môi trường tại “trung tâm điều trị Hoạt huyết Ngọc Thanh”, mỗi tháng doanh thu bán hàng cũng đạt trung bình xấp xỉ 200 triệu đồng, quả là một con số mơ ước với nhân viên kinh doanh.

P. có giọng nói lanh lảnh còn rất “teen” nhưng khi tư vấn thì đóng vai “bác sỹ” cực đạt, khi thì cần biết gằn giọng, khi thì biết nói liếng thoắng lấn át đi để đầu dây bên kia không kịp định thần, khi thì vỗ về trìu mến nâng niu…tóm lại là biết biến tấu theo tâm lý của khách hàng…để “diễn” thật sâu.

"Dược sỹ" P. đang hướng dẫn PV học "kịch bản" chăm sóc bệnh nhân

Những lần nhìn và lắng nghe P. “chăm sóc” bệnh nhân chuyên nghiệp như vậy, PV tự nhủ khách hàng có “tài thánh” cũng không thể đoán được rằng “dược sỹ” từ trung tâm điều trị đang tư vấn, giới thiệu, bắt bệnh cho họ vốn chỉ là 1 cô gái tuổi teen, mặc áo phông, quần jean hợp mốt, vừa “bắt bệnh” vừa ôm cả đống chăn trên người!?

PV tiếp tục được lắng nghe những màn kịch tư vấn dưới danh nghĩa bác sỹ online của P. Khi đã đưa bệnh nhân vào mê trận và chiếm được niềm tin, để chốt đơn hàng, P. nhanh chóng chuyển từ trạng thái ân cần sang ngữ điệu cứng hơn bằng câu chắc nịch: “Mình có mong muốn điều trị không để lên liệu trình luôn. Tôi kê đơn liệu trình để cung cấp chất dinh dưỡng, bổ não, làm sạch mạch máu…điều trị dứt điểm”.

Nếu khách hàng còn băn khoăn thì P. tự tin bồi thêm: “Ở đây tôi đã điều trị rất nhiều người rồi, đây là đông y gia truyền cam kết sẽ điều trị 80% khỏi bệnh”. Sản phẩm đã được giới thiệu trên truyền hình quốc gia, khách hàng hoàn toàn tin tưởng có thể kiểm tra sản phẩm, quét mã vạch để truy cứu xuất xứ… Tôi nghĩ nên sử dụng 2 liệu trình chắc chắn sẽ khỏi”. Chỉ trong chưa đầy 20 phút, vừa thăm khám, bắt bệnh và tư vấn, P. cũng chốt được một đơn hàng trị giá 1.36 triệu đồng cho sản phẩm Hoạt huyết Ngọc Thanh.

Thấy PV tỏ ra khâm phục trước màn “khua môi múa mép” của mình, P. bật mí cho biết, chốt được đơn không khó, chỉ cần học thuộc kịch bản, sau đó quan sát những người xung quanh. Tháng này P. khoe phong độ có sụt giảm nên mới đạt gần 100 triệu đồng doanh số.

Các "dược sỹ" trẻ đang sấp ngửa vì cuộc đua lợi nhuận

Để động viên PV, P. hướng dẫn nên chui vào cái tủ ở góc phòng để ngồi “thẩm” kịch bản. P. bật mí với giọng nửa đùa, nửa thật rằng, đó là chiếc tủ phong thủy, nơi đã đào tạo rất nhiều người bán hàng giỏi của công ty, ai vào đó học ra cũng chốt đơn như máy. Vừa dứt lời, cô gái lại tiếp tục cuốn vào những cuộc điện thoại tư vấn, trong khung cảnh ồn ào, náo nhiệt cho PV cảm giác cứ như đang ngồi giữa trung tâm thương mại, lạc vào mê trận của những cuộc trao đổi mua bán.

Công thức chăm sóc, bắt bệnh của P. cũng na ná giống cả chục con người đang ngồi đây sấp ngửa với con số, danh sách, tình trạng bệnh lý của khách hàng. Tất tần tật dấu hiệu của bệnh lý, những chiêu trò mạo danh…đều được những cô, chàng “dược sỹ” trẻ “bắn” như máy khiến người bên kia chỉ ậm ừ dạ vâng… văng vẳng phát ra từ chiếc loa ngoài của những chiếc điện thoại cầm tay là những điều PV mắt thấy, tai nghe.

Đón đọc bài sau: Sự dối trá đến tận cùng khi những “dược sỹ” trẻ dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò để câu kéo khách hàng… hòng đạt doanh số, bộc lộ hết bản chất xem người bệnh là “món hàng” đẻ lợi nhuận không vì mục đích hỗ trợ chữa bệnh.

Lê Vũ / Câu chuyện Pháp luật

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/cau-chuyen-phap-luat/tham-nhap-co-so-kinh-doanh-tpcn-online-cua-cty-ripple-viet-nam-bai-1-chan-dung-nhung-thay-thuoc-tuoi-teen-479992.html