Thâm nhập điểm nóng phá rừng phòng hộ Cà Dy

Thời gian qua, liên tiếp nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Quảng Nam được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Những cây gỗ to và bìa gỗ các đối tượng để lại khắp rừng.

Sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 5-9, nhóm P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có chuyến thực tế để ghi nhận thực trạng tàn phá rừng tại đây - nơi được cho là khu vực phá rừng lớn nhất Nam Giang. Di chuyển bằng xe máy trên con đường mòn Hồ Chí Minh, qua khỏi khu vực Cầu Xơi, chúng tôi tiến vào rừng phòng hộ Cà Dy. Mới vào đến bìa rừng, chúng tôi đã bắt gặp một đối tượng đang dùng trâu kéo một phách gỗ ra điểm tập kết gần con đường chính. Thấy người lạ, đối tượng liền quay mặt đi, đồng thời rút điện thoại báo tin cho đồng bọn. Đến con suối lớn, chúng tôi chuẩn bị lương thực bắt đầu chuyến thâm nhập vào "điểm nóng" phá rừng nghiêm trọng như phản ánh. Lội qua con suối, chúng tôi phát hiện 3 phách gỗ kích cỡ 35cm x 40cm, dài 2,5m đang cất giấu trong bụi cây rậm. Trên con đường mòn vào khu rừng, có nhiều phách gỗ đường kính khác nhau nằm rải rác ven đường. Biết "bị động", các đối tượng đã nhanh chóng lánh mặt. Gần 1 giờ cuốc bộ, chúng tôi đến vùng rìa khu rừng phòng hộ. Theo quan sát, vùng rìa khu rừng này những cây gỗ lớn đã bị triệt hạ từ lâu, gốc, bìa gỗ đã mục, thay vào đó là những loại cây trồng mới của người dân, đa số là cây keo. Khai thác theo kiểu "cuốn chiếu", khi gỗ phía ngoài hết, "lâm tặc" tiếp tục tiến sâu vào vùng lõi của rừng.

Tiếp tục men theo con đường mòn vào sâu trong khu rừng, chúng tôi sững sờ chứng kiến những con đường mòn trâu kéo gỗ chi chít như "xương cá" hằn sâu xuống cả mét đất. Tại đây có những ngã ba, ngã tư cũng là địa điểm tập kết gỗ ra bìa rừng của "lâm tặc". Tại thời điểm chúng tôi đến, một đối tượng đang dùng trâu kéo gỗ đến bãi tập kết. Thấy người lạ, người này vội thả trâu rồi nhanh chóng vào căn nhà gỗ cách đó khoảng 50m để ẩn nấp. Theo quan sát, có 3 phách gỗ vừa được kéo xuống núi có đường kính 30cm x 45cm, dài 2,5m và 1 tấm gỗ lớn đường kính 80cm x 15cm, dài 2m. Cạnh khu vực tập kết, có hơn 30 con trâu đang được chăm sóc để phục vụ việc kéo gỗ ra khỏi rừng. Điều đáng nói, ngoài đường đi vào rừng phòng hộ này có nhiều biển báo cấm: Cấm đưa máy móc, phương tiện, dụng cụ, khai thác động thực vật, chăn thả gia súc... trong khu rừng phòng hộ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo đường mòn trâu kéo gỗ vào sâu trong vùng lõi rừng, chúng tôi phát hiện rất nhiều cây gỗ đường kính 3 người ôm không xuể vừa bị "xẻ thịt" tại chỗ, nhiều phách gỗ vẫn chưa được lấy đi. Đứng tại khu vực này, chúng tôi có thể nghe thấy 2 địa điểm phát ra tiếng máy cưa rầm rú cùng âm thanh cây ngã ào ạt làm chấn động cả khu rừng. Tuy nhiên, lúc này trời đã sắp tối, sợ các đối tượng manh động nên chúng tôi không tiếp tục tiếp cận.

Những phách gỗ lớn được trâu kéo ra khỏi rừng.

Cũng tại khu vực này, chúng tôi bắt gặp 2 đối tượng đang đốn hạ một cây gỗ chua đường kính khoảng 80cm. Thấy người lạ mặt, 2 đối tượng trên tỏ ra lo lắng nói: "Mình là người dân làng Ngói (xã Cà Dy), lên rừng đốn ít gỗ để về làm nhà thôi". "Thế nhóm người đang cưa gỗ trên kia từ đâu đến?", chúng tôi hỏi, một đối tượng trả lời. "Nhóm người trên kia ở thôn Pà Căng, làm nhiều năm nay rồi, vài năm trở lại đây quy mô hơn, mang cả trâu vào để kéo gỗ đấy. Mình làm ít nên hai anh em chỉ kéo bộ về để làm nhà thôi. Họ tập kết ra con đường chính đến khuya sẽ đánh xe vào tận nơi chở đi". "Sự việc diễn ra thời gian dài như vậy mà kiểm lâm, lực lương chức năng địa phương không nói gì sao? "Cái đó tụi em cũng không rõ. Bọn này có người "chống lưng" nên hung hăng lắm. Người dân vào rừng kiếm vài cây về làm nhà cũng phải được chúng cho phép, cây nào có dấu rựa của chúng rồi thì không được phép hạ"-đối tượng trên thông tin thêm.

Đường mòn trâu kéo gỗ để lại hằn sâu cả mét.

Qua những dấu vết để lại tại hiện trường cho thấy mức độ tàn phá rừng tại đây rất khủng khiếp. Sự việc diễn ra suốt thời gian dài nhưng không bị lực lượng chức năng xử lý. Theo phản ánh của người dân, tại khu vực này có gần 50 con trâu được nuôi để chuyên kéo gỗ. Trung bình mỗi ngày có ít nhất 10 khối gỗ được vận chuyển ra khỏi rừng đưa đi tiêu thụ. Diện tích rừng bị phá đến thời điểm này lên đến hàng chục héc-ta. Trước sự việc này, ngày 6-9, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Đinh Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Nam Giang tỏ ra bất ngờ trước thông tin P.V nói và cho biết sẽ cử lực lượng vào để kiểm tra... Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này trong thời gian tới.

Nhóm Phóng viên điều tra

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_194971_tham-nhap-diem-nong-pha-rung-phong-ho-ca-dy.aspx