Thâm nhập phòng khám đông y có bác sĩ Trung Quốc - Bài 6: Lật tẩy

Hôm qua 6.11, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra một số phòng khám đông y trên địa bàn có 'bác sĩ' Trung Quốc.

"Bác sĩ" tháo chạy

Tại phòng khám y học cổ truyền (YHCT) An Khang (số 627B Nguyễn Trãi, P.11, Q.5), khi Trưởng đoàn kiểm tra trong vai người bệnh vào hỏi: "Hôm nay có "bác sĩ" Trung Quốc khám bệnh không?" thì nhân viên tại đây trả lời: "Dạ có". Ngay sau đó, khi phát hiện đoàn thanh tra thì vị "bác sĩ" Trung Quốc vội lẻn đi mất. Lúc này, các nữ nhân viên tại đây cũng quay ngoắt 180 độ, nói với thanh tra rằng "tại đây không có bác sĩ Trung Quốc".

Cầm một xấp toa thuốc ghi toàn chữ Trung Quốc, đoàn thanh tra hỏi: "Vậy ai là người ghi toa toàn chữ Trung Quốc thế này?". "Người Việt gốc Hoa cũng nói và ghi tiếng Trung Quốc được vậy", một nữ nhân viên lý lẽ. Hỏi giấy phép, thuốc men, hoạt động của phòng khám ra sao, các nhân viên tại đây đều nói "không biết"... và đề nghị chờ chủ phòng khám đến làm việc. Đoàn kiểm tra yêu cầu các nhân viên gọi "bác sĩ" người Việt gốc Hoa nào ghi toa tiếng Trung Quốc ra làm việc, thì một người đàn ông tên Văn Thiện xuất hiện. Trước câu hỏi: "Những toa thuốc ghi bằng chữ Trung Quốc này có phải do anh kê?", ông Thiện sau một hồi ấp úng đành thừa nhận "không phải".

Khoảng gần 1 tiếng sau, người đứng tên phụ trách chuyên môn cho phòng khám An Khang là ông Nguyễn Văn Út (một lương y người Việt) mới đến làm việc với đoàn kiểm tra. Sau một hồi giải thích vòng vo, ông Út thừa nhận: "Tôi chỉ là người đứng tên, còn mọi hoạt động khám chữa bệnh, tuyển nhân viên, thuốc men... tại phòng khám An Khang đều do một người Trung Quốc là Chu Gia Thân điều hành".

Theo ông Út, ngoài ông Chu Gia Thân khám bệnh (qua cô phiên dịch tên Mạch Mỹ Giao) còn thêm một người khám nữa là ông Văn Thiện. Tại thời điểm kiểm tra, ông Út không trưng ra được bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, hay bất cứ giấy tờ liên quan nào của vị "bác sĩ" Trung Quốc Chu Gia Thân. Ngay ông Văn Thiện cũng không có giấy phép hành nghề, mà chỉ có bản photocopy giấy chứng nhận chuyên môn YHCT do Sở Y tế tỉnh An Giang cấp năm 1992.

Tại phòng khám Trung Hoa (số 876 Trần Hưng Đạo, P.7, Q.5), khi đoàn kiểm tra đến thì vị "bác sĩ" người Trung Quốc cũng vừa bỏ trốn, chỉ còn lại một lương y người Việt là Nguyễn Kim Long. Đây là một trong những phòng khám đông y có "bác sĩ" Trung Quốc mà PV Thanh Niên đã thâm nhập trước đó.

Tại phòng khám đông y Hiện Đại (số 337 Cộng Hòa, Q.Tân Bình) và phòng khám Kỳ Tinh (đường An Dương Vương, Q.6) đoàn phát hiện có "bác sĩ" Trung Quốc đang hành nghề. Thanh tra đang xác minh bằng cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề của hai vị "bác sĩ" Trung Quốc này. "Tất cả những nơi này đều khám bệnh, bán thuốc đúng như kiểu mà Báo Thanh Niên đã phản ánh", bác sĩ Nguyễn Minh Hùng, Chánh thanh tra Sở Y tế nói.

Thuốc không nhãn mác, phòng khám bầy hầy

Phòng khám 876 Trần Hưng Đạo giới thiệu chữa đủ thứ bệnh, đặc biệt là bệnh nam giới - hiếm muộn và viêm gan B, C..., nhưng tại đây cơ sở vật chất rất sơ sài (hai chiếc bàn khám, mấy hũ thuốc...). Đoàn kiểm tra ghi nhận phòng khám không đảm bảo vệ sinh, nhiều loại thuốc không có nhãn mác, quảng bá khám chữa bệnh quá chức năng, không niêm yết giá... và lập biên bản sai phạm chờ xử lý. Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng cho biết sẽ yêu cầu phòng khám này giải trình về sự vắng mặt của "bác sĩ" Trung Quốc khi đoàn đến kiểm tra.

Tương tự, phòng khám An Khang cũng vi phạm nhiều quy định. Ngoài "bác sĩ" Trung Quốc và lương y trong nước không giấy phép hành nghề (tại lúc kiểm tra), thì kết luận của đoàn là: nơi đây cơ sở không đạt vệ sinh; dược liệu không nhãn mác; thuốc nước sang chiết không tên; nhân viên, người khám bệnh không một ai đeo bảng tên; không niêm yết giá... Đáng nói là phòng khám An Khang đã bị phạt hai lần (một lần 20 triệu đồng do Sở Y tế phạt năm 2008, một lần 9 triệu đồng do đoàn kiểm tra của Q.5 phạt năm 2009), nhưng hôm qua, mọi sai phạm tại đây vẫn như cũ.

Được biết, tại TP.HCM hiện có khoảng hơn 1.500 phòng khám YHCT, nhưng ngành y tế chưa thể thống kê được có bao nhiêu "bác sĩ" Trung Quốc trực tiếp khám bệnh, bán thuốc. Theo một cán bộ Sở Y tế, số có đăng ký rất ít, và có nhiều người Trung Quốc qua VN bằng đường du dịch, tham gia khám bệnh "chui" nên không thể nắm hết được. "Đợt này chúng tôi quyết làm mạnh và yêu cầu đoàn kiểm các quận, huyện kiểm tra gắt gao hơn nữa đối với phòng khám có "bác sĩ" Trung Quốc", bác sĩ Nguyễn Minh Hùng nói.

Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương kiểm tra

Khi Báo Thanh Niên có loạt bài Thâm nhập phòng khám đông y có bác sĩ Trung Quốc, hôm qua 6.11, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh công tác xét duyệt cấp giấy phép hành nghề y dược cổ truyền (YDCT) tại địa phương, phát hiện kịp thời vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định. Công văn nêu rõ: "Nếu thầy thuốc nước ngoài khám và ghi đơn bằng tiếng nước ngoài thì đơn thuốc đó phải được dịch ra tiếng Việt; không được sử dụng thuốc thành phẩm không rõ nguồn gốc. Nếu cơ sở tự sản xuất thì phải báo cáo với Sở Y tế và phải được cho phép theo quy định. Việc mua thuốc điều trị nhiều hay ít ngày tùy thuộc vào khả năng của người bệnh, thầy thuốc không được ép".

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, có hai phòng khám YDCT có thầy thuốc nước ngoài trên địa bàn Hà Nội đã chi 4 tỉ đồng/năm cho việc quảng cáo bằng hình ảnh bệnh nhân. Ngoài ra, một số phòng khám YDCT tại địa phương khác cũng có hình thức quảng cáo như trên. Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Y dược học cổ truyền - Bộ Y tế, khẳng định Vụ này chưa từng phê duyệt cho phép việc sử dụng thông tin, hình ảnh bệnh nhân cho quảng cáo. (Nam Sơn)

Thanh Tùng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/tham-nhap-phong-kham-dong-y-co-bac-si-trung-quoc-bai-6-lat-tay-371750.html