Thâm nhập 'tọa độ nóng' phá rừng đầu nguồn Sông Ví (Kỳ 1: Tan hoang rừng đầu nguồn)

Cuối tháng 7-2019, chúng tôi nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc có nhiều đối tượng 'lâm tặc' vào rừng đầu nguồn sông Ví (xã Trà Kót, H. Bắc Trà My, Quảng Nam) triệt hạ nhiều cây gỗ rồi xẻ phách, vận chuyển ra khỏi rừng đưa đi tiêu thụ. Tình trạng này đã kéo dài nhưng không được cơ quan chức năng xử lý. Tiếp nhận thông tin, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã vào cuộc tìm hiểu.

Cuối tháng 7-2019, chúng tôi nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc có nhiều đối tượng “lâm tặc” vào rừng đầu nguồn sông Ví (xã Trà Kót, H. Bắc Trà My, Quảng Nam) triệt hạ nhiều cây gỗ rồi xẻ phách, vận chuyển ra khỏi rừng đưa đi tiêu thụ. Tình trạng này đã kéo dài nhưng không được cơ quan chức năng xử lý. Tiếp nhận thông tin, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã vào cuộc tìm hiểu.

Những thân cây cổ thụ bị “lâm tặc” triệt hạ ở đầu nguồn sông Ví.

Những thân cây cổ thụ bị “lâm tặc” triệt hạ ở đầu nguồn sông Ví.

Sau khi tiếp cận vụ việc, chúng tôi được biết địa điểm phá rừng trên đi bộ khá xa, phần nữa có nhiều đối tượng “lâm tặc” là người địa phương rất manh động nên hết sức cẩn thận. “Nếu vào đó mà nhóm người này phát hiện các anh là nhà báo thì nguy cơ đi dễ khó về”, một người dân cảnh báo. Do vậy, để chuyến thâm nhập được bí mật, chúng tôi quyết định hoãn lần tiếp cận đầu tiên để chờ thời điểm thích hợp nhằm đảm bảo sự an toàn.

Đến đầu tháng 8-2019, do thời tiết ảnh hưởng từ cơn bão số 3 nên khu vực miền núi Trà My có mưa. Theo nguồn tin chúng tôi nắm được, do trời mưa nên các đối tượng “lâm tặc” tạm thời rút khỏi rừng. Đây là thời cơ thuận lợi để chúng tôi đột nhập “tọa độ nóng” phá rừng đầu nguồn sông Ví.

Để tiếp cận được hiện trường phá rừng có hai đường, đường thứ nhất xuất phát từ cuối thôn 1, xã Trà Kót nhưng đường này là lối mòn “lâm tặc” thường kéo gỗ ra, dễ bị phát hiện. Đường thứ 2 đi xa hơn, xuất phát từ ngã ba thôn 2, xã Trà Nú (H. Bắc Trà My) vào, chúng tôi chọn đường số 2 để thâm nhập. Từ đây đi xe máy men theo con đường xe tải chở gỗ keo khoảng 5km băng qua rừng trồng. Đi hết đoạn đường này qua đến cánh rừng cao su thì dừng xe. Tại đây, tiếp tục đi bộ khoảng 30 phút sẽ đến đầu nguồn sông Ví, nơi “lâm tặc” đang hoạt động.

Để vào khu vực trên, chúng tôi phải nhờ một người dẫn đường và giả dạng là những người đi tìm mua rẫy keo. “Những ngày trước vào rừng, tôi nghe tiếng máy cưa gầm rú khắp cả khu vực. Người dùng cưa để hạ gỗ, người cưa ra từng đoạn, người phụ trách khâu xẻ ra từng phách, kế đến sẽ có người đưa trâu vào kéo gỗ ra… Lâm tặc hạ cây nào thì cưa xẻ vận chuyển ra khỏi rừng cây đó, hết cây này đến cây khác. Đám người này luôn có mặt trong rừng những ngày nắng, họ nghỉ việc khi trời mưa”, người dẫn đường tiết lộ.

Cứ thế, dưới cơn mưa lâm thâm, dưới sự đe dọa của bầy vắt đói, chúng tôi men theo con đường mòn của người dân đi rừng vào thượng nguồn sông Ví. Từ đây, một cánh rừng tự nhiên giáp xã Trà Nú và Trà Kót hiện dần ra. Phía Trà Nú, rừng tự nhiên không còn nhiều bởi người dân đã trồng những rẫy keo lâu năm, còn phía Trà Kót vẫn còn những cánh rừng tự nhiên với những cây cổ thụ xanh ngát. Từ bìa rừng, phóng tầm mắt lên cánh rừng nguyên sinh thuộc thôn 1, xã Trà Kót thấy những vết loang lổ thưa thớt cây xanh, lá cành bị khô héo xuất hiện. Vị trí này được xác định là nơi “lâm tặc” đốn hạ cây gỗ lớn, rừng đang bị xâm hại.

Gỗ được cưa xẻ ra từng phách theo quy cách chưa kịp đưa ra khỏi rừng.

Tiếp tục men theo con suối lên đỉnh núi, chúng tôi bắt gặp một gốc cây đã chặt hạ, cạnh bên có hai phách gỗ đã cũ. Lúc này, nghĩ rằng đã đi sai đường, tuy nhiên tiếp tục men theo con đường mòn do trâu kéo gỗ để lại, hàng chục cây gỗ bị đốn hạ khác đang dần hiện ra. Nhiều gốc cây đã bị chặt hơn một năm nay, có nhiều cây vừa mới chặt được phân khúc chờ cưa xẻ.

Hiện trường cho thấy, khu vực rừng bị “lâm tặc” tàn phá rộng khoảng 2ha. Vị trí nằm trên đỉnh núi, nơi có một bãi đất khá bằng có vô số cây gỗ rừng cả trăm năm tuổi. Những cây lớn có đường kính hơn 1m, cao hàng chục mét. Trong đó, nhiều cây đã bị “lâm tặc” hạ xuống, một số cây khác được đánh dấu bằng các vết chặt trên thân cây (những cây sắp bị chặt hạ). Trong khu vực này, chúng tôi nhẩm đếm có khoảng 50 cây, mới có, cũ có bị triệt hạ. Trong đó có 5 cây nằm cạnh nhau mới bị đốn hạ cách đó vài ngày. Cây thì đã được cưa xẻ lấy phần lõi, số cây còn lại đã hạ xuống đang cưa xẻ thành phách, mùn cưa nằm chất đống, các tấm gỗ vuông vắn dài hơn 3m, rộng 40cm, cao 50cm đang chờ trâu kéo đưa ra khỏi rừng. Nhiều phách gỗ khác cưa theo chiều dài hơn 4m, rộng và cao khoảng 20cm nằm la liệt. Đặc biệt, có một cây to 4 người ôm mới xuể, chiều dài hơn 30m bị đốn hạ, thân cây mới được phân ra nhiều đoạn còn nằm lại giữa rừng. Cả một khoảnh rừng nhuốm màu đỏ tươi bởi gỗ được cưa, xẻ khắp rừng trông như một đại công trường.

Điều đáng nói, ngoài những cây mới bị triệt hạ thì có những cây chỉ còn trơ lại gốc đã cũ, những gốc đó được xác định bị chặt từ lâu, có những gốc mới bị cưa cách đây vài tháng. Điều đó cho thấy việc rừng ở đây bị phá trong thời gian dài, và số gỗ thành phẩm đã được kéo ra khỏi rừng đưa đi tiêu thụ là rất lớn.

Ngoài diện tích rừng bị phá trên, theo người dẫn đường cho biết, tại khu vực này còn nhiều điểm phá rừng quy mô lớn khác cũng đang diễn ra. Tuy nhiên, do yếu tố đảm bảo an toàn và bí mật chuyến xâm nhập, chúng tôi chỉ tiếp cận khu vực trên, nhưng qua đó cũng đủ thấy thực trạng rừng đầu nguồn sông Ví bị tàn phá rất khủng khiếp.

(còn nữa) TRẦN TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_210580_tham-nhap-toa-do-nong-pha-rung-dau-nguon-song-vi-ky-1-tan-hoang-rung-dau-nguon-.aspx