Tham nhũng ở Costa Rica

Khi đề cập đến tham nhũng, Costa Rica chiếm một vị trí nổi bật ở Trung Mỹ, là quốc gia được đánh giá thuộc nhóm khá 'trong sạch', nhất là khi nhìn qua 2 lăng kính là xếp hạng Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) và Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) 2019.

Quảng trường ở San José, Costa Rica. Ảnh: repistu/iStock

Quảng trường ở San José, Costa Rica. Ảnh: repistu/iStock

Tuy nhiên, theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), ở Costa Rica, nhiều nhiệm vụ vẫn còn dang dở, đặc biệt là khi chưa có các chính sách phù hợp đủ mạnh để ngăn ngừa tham nhũng, hối lộ. Bên cạnh đó, tỷ lệ miễn trừ của tội phạm tham nhũng vẫn còn cao.

Những bê bối tham nhũng gần đây

5 năm qua, những nỗ lực của Costa Rica nhằm xóa bỏ tham nhũng được đánh giá là vượt xa so với các quốc gia khác của Trung Mỹ. Tuy nhiên, khi đặt cạnh các nước ít tham nhũng ở châu Mỹ, điểm số CPI 56/100 của Costa Rica chưa “thấm tháp” gì.

Thêm vào đó, trong vài năm trở lại đây, CPI của Costa Rica không có sự thay đổi đáng kể, thậm chí bị tụt xuống vào năm 2018. Cụ thể, năm 2015: 55 điểm, 2016: 58 điểm, 2017: 59 điểm và 2018: 56 điểm.

Vụ bê bối tham nhũng gần đây mang tên “Cementazo” khiến đất nước bị ảnh hưởng sâu sắc, gây cản trở tiến trình chống tham nhũng từ năm 2015. Điều này cũng cho thấy sự mong manh trong nhận thức về cải thiện tham nhũng ở nước này.

Khi nói về hối lộ, GCB 2019 nhấn mạnh, Costa Rica nằm trong số quốc gia có tỷ lệ hối lộ thấp nhất (7%) khu vực, tiếp theo là Barbados (9%) và Brazil (11). Những quốc gia Trung Mỹ còn lại có tỷ lệ hối lộ trong khoảng từ 13 - 50%.

Trong bối cảnh khu vực cứ 5 người tiếp cận dịch vụ công thì có 1 người phải hối lộ, sự trong sạch của Costa Rica, theo TI, có thể là do trình độ giáo dục tốt hơn, dân chủ hơn, thể chế vững vàng hơn và có tỷ lệ nghèo thấp hơn so với các quốc gia khác.

Tăng cường xây dựng thể chế

Để Costa Rica trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và tuân theo chương trình nghị sự Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 (SDG), đặc biệt là SDG 16 về hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ, quốc gia này cần phải nỗ lực hơn nữa để thay đổi, chấm dứt tham nhũng, hối lộ.

Hội đồng Lập pháp nước này gần đây đã phê chuẩn Luật số 9699 về trách nhiệm của pháp nhân đối với hối lộ trong nước, hối lộ quốc tế và các tội phạm khác. Điều này nhằm mục đích điều chỉnh trách nhiệm hình sự của những người phải chịu trách nhiệm về các tội phạm theo Luật Chống tham nhũng và làm giàu bất hợp pháp trong dịch vụ công (Luật số 08422), và tìm cách cải thiện các cơ chế để chống lại sự miễn trừ và tham nhũng ở cả khu vực công và các công ty tư nhân.

Costa Rica cũng đang hành động để:

- Tăng cường hoạt động của các tổ chức chịu trách nhiệm phát hiện, điều tra và truy tố các tội phạm liên quan đến tham nhũng;

- Giảm thiểu sự miễn trừ chính trị trong các vụ việc tham nhũng và bảo vệ người tố cáo bằng cách tiếp nhận các thông tin khiếu nại thông qua các kênh cho phép ẩn danh được thúc đẩy bởi Văn phòng Công tố viên;

- Nâng cao năng lực nghiên cứu;

- Tăng cường các biện pháp kỷ luật nội bộ;

- Thiết lập các cơ chế trách nhiệm thường xuyên và hệ thống minh bạch.

Công dân có thể tạo nên sự khác biệt

Mặc dù có một xu hướng gia tăng tham nhũng ở khu vực, nhưng GCB 2019 cũng chỉ rõ rằng, các công dân của Costa Rica và khu vực rất lạc quan về vai trò của họ trong chấm dứt tham nhũng. 84% công dân ở Costa Rica tin rằng, họ đóng vai trò trong cuộc chiến này. Đó là vai trò của các tổ chức xã hội dân sự như Costa Rica Integra (CRI), để xây dựng liên minh với Chính phủ, các học viện, doanh nghiệp tư nhân và các nhóm công dân, để giúp chấm dứt tham nhũng, hối lộ.

TI nhận định, mặc dù còn một chặng đường dài để đi, nhưng bằng cách khai thác sức mạnh con người, sự đồng lòng, Costa Rica sẽ đạt được tiến bộ trở thành một đất nước ít tham nhũng hơn.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/tham-nhung-o-costa-rica_t114c52n154690