Thẩm phán Pờ Go Loòng: 'Trái tim Danko' thắp lửa sưởi ấm biên cương

Thẩm phán Pờ Go Loòng, Chánh án TAND huyện Mường Nhé và là người dân tộc Hà Nhì duy nhất trong hệ thống Tòa án cũng như nhiều đồng nghiệp của anh đã chịu bao cam khó để thắp lên ngọn lửa từ chính 'trái tim Danko' của mình sưởi ấm miền sương rét.

Trong chuyến ngược ngàn lên Mường Nhé, huyện ngã ba biên giới của tỉnh Điện Biên, tôi đã may mắn được gặp Thẩm phán Pờ Go Loòng, Chánh án TAND huyện Mường Nhé và là người dân tộc Hà Nhì duy nhất trong hệ thống Tòa án Việt Nam. Câu chuyện về anh và về những người cán bộ Tòa án ở cái huyện mù xa này đã gieo cho tôi thêm rất nhiều suy ngẫm về các giá trị tử tế của cuộc sống, về phẩm cách con người...

"3 cùng" với đồng bào nơi biên viễn

Cách đây khoảng hơn chục năm về trước, khi huyện Mường Nhé mới được thành lập với 6 xã vừa được chia tách ra khỏi hai huyện Mường Tè và Mường Lay (cũ), anh Loòng là lớp cán bộ đầu tiên được cấp trên điều động về đây công tác. Với cương vị là Chánh án TAND huyện Mường Nhé, anh Loòng cùng với hai đồng nghiệp của mình đã từng bước đưa đơn vị ngày càng lớn mạnh, trở thành điểm sáng trong hệ thống Tòa án hai cấp của tỉnh Điện Biên. Và trên hết, bằng những cống hiến không mệt mỏi của mình, anh đã trở thành chỗ dựa tin cậy, thành cây lim, cây táu trong lòng đồng bào biên viễn.

Nhắc lại những ngày đầu gian khó, anh Loòng bảo: "Lúc bấy giờ, khắp vùng biên viễn Mường Nhé đích thực còn khuất nẻo, hoang vu đến tột cùng. Đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông với truyền thống du canh du cư từ ngàn đời trước. Họ đốt rừng phát rẫy làm nương, đến khi nào đất đai bạc màu, cây lúa không còn trổ bông trĩu hạt thì dắt díu, gánh gồng chuyển nhà đi nơi khác...".

Chánh án TAND huyện Mường Nhé Pờ Goo Loòng (bên phải) kể: "Có những đận phải đến vài tháng tôi mới về thăm nhà, vì bận, vì xa xôi cách trở"

Chánh án TAND huyện Mường Nhé Pờ Goo Loòng (bên phải) kể: "Có những đận phải đến vài tháng tôi mới về thăm nhà, vì bận, vì xa xôi cách trở"

Thời điểm ấy, anh Loòng đã từng “cơm đùm cơm nắm” cùng nhiều đoàn cán bộ ăn rừng ngủ thác, thừa sống thiếu chết giữa rừng xanh núi đỏ hàng tháng trời để “3 cùng” với đồng bào nhằm vận động họ về dựng làng, lập bản. "Để làm tốt được công tác vận động, trước hết phải gần dân, hiểu dân cái đã. Rồi phải nói được thứ ngôn ngữ của họ, phải thông hiểu về đời sống văn hóa, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt của mỗi dân tộc thì mới biết cách để ứng xử cho đúng. Mà muốn hiểu thì phải học!", anh Loòng quả quyết.

Sách vở, tài liệu, internet không có, anh em trong đoàn đành dựng lều, dựng lán "cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất" với đồng bào để học, để nắm bắt được suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của họ, xem họ cần gì, muốn gì rồi từ đó mới đưa ra những phương cách trợ giúp, vận động sao cho phù hợp. Việc giao tiếp với đồng bào lúc đầu gặp muôn vàn khó khăn, do bất đồng ngôn ngữ và những khác biệt về văn hóa, lối sống, suy nghĩ, sau tình hình cũng khá dần lên. Bằng cách dùng tình cảm thực sự của mình đặt trong từng lời nói, việc làm, những cán bộ như anh Loòng đã dần "chinh phục" được đồng bào. Họ đã dần tin và nghe theo lời cán bộ.

Chủ tịch xã Nậm Vì Tống Văn Khi: "Mường Nhé cần lắm những người cán bộ như anh Loòng..."

“Gọi” được đồng bào về rồi, anh Loòng lại phải dày công thuyết phục họ không di cư tự do, không lang thang rừng núi nữa. "Đồng bào dân tộc khi đó vốn đã quen nay đây mai đó, cán bộ vận động năm lần bảy lượt mới chịu cắm bản. Vậy mà chỉ cần một mùa đói là bà con rủ nhau di cư. Cán bộ lại tất tưởi tỏa đi tìm. Lưỡi đá thử thách chân người, cây rừng đan ngăn lối. Anh em đành trèo lên đỉnh núi cao nhất, hướng tầm mắt về bốn phía, hễ thấy nơi nào có sợi khói mỏng mảnh lọt qua tàng lá dày là bươn bả lao về phía ấy. Nhiều khi gặp được người thì khuôn mặt đã sưng húp vì bị cành cây cào rách, chân sưng mọng. Có những chuyến đi mất ngót nửa con trăng, về tới cơ quan là mắt trũng sâu, râu ria lởm chởm, mặt võ vàng vì gió núi sương rừng nơi quan ải...

Khi đồng bào đã quen dần với việc an cư lạc nghiệp, thì điều quan trọng nhất là phải giúp họ "no cái bụng" trước tiên, rồi mới nói đến chuyện học chữ, sinh đẻ có kế hoạch, hay "xóa mù về pháp luật". Bởi khi đói, con người ta chả nghĩ đến điều gì khác ngoài miếng ăn. Đồng bào bước ra từ rừng già sâu thẳm, từ cuộc sống “ăn hang ở lỗ”, mọi thói quen sống đến phong tục tập quán đều được lưu truyền từ nhiều đời trước. Họ bị bóng đen từ quá khứ ủ trong đói nghèo và mông muội. Muốn giúp họ trồng cây gì, nuôi con gì để thoát khỏi hủ tục và đói nghèo truyền kiếp, anh Loòng đều phải hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ từng chút một.

Tuyên chiến với "giặc đói" và "giặc dốt"

Việc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào nói thì nghe đơn giản, nhưng đến khi bắt tay vào làm mới thấy khó bội phần. Cái khó bắt đầu từ việc vận động đồng bào thay đổi thói quen, phương pháp cấy trồng. Ngày ấy, chính quyền tỉnh Điện Biên có chủ trương đưa cây lúa nước về thay cho lúa rẫy mỗi năm một vụ để giúp dân Mường Nhé chóng hết đói, hết nghèo. Nhưng lâu nay, đồng bào ở đây quan niệm, cây lúa mọc trên đất khô, trên núi cao, Giàng đã sinh ra như thế, giờ lại bắt cây lúa sống dưới nước thì sống sao được mà nói sẽ cho nhiều thóc lúa? Lòng dân Mường Nhé lâu nay tin cán bộ, theo Đảng nhưng khi nghe nói, cây lúa phải trồng dưới nước thì chưa tin. Rồi Giàng sẽ trừng phạt cả làng, cả bản vì cái tội dám trái ý của Người.

Chánh án Loòng xuống bản

Sự việc tưởng lâm vào bế tắc. Nhưng với ý nghĩ "để dân đói ấy là có tội với dân, vì họ đã tin mình về dựng làng, lập bản" nên anh Loòng lại cùng các đoàn cán bộ xuống tận thôn bản vận động, tuyên truyền. Mãi rồi cũng có vài gia đình có vẻ xuôi lòng. Anh em liền xắn quần cùng họ be bờ, đắp ruộng, giữ nước, cấy cày. Chả mấy chốc, ruộng nước thành hình hài, hạt lúa nảy mầm xanh. Lòng dân thấy yên tâm mươi phần. Đến khi thấy lúa lên xanh tốt, chỉ vài tháng đã trổ bông, trĩu hạt, đồng bào mới bắt đầu tin.

Từ vài ba thửa ruộng mẫu ban đầu, đến nay, khắp các xã bản ở Mường Nhé, đi đâu cũng bắt gặp những chân ruộng nước, lúa xanh mướt mát. Giờ, chả gia đình nào ở đây không biết làm lúa nước nữa. Cái đói dần lui vào dĩ vãng, những người cán bộ như anh Loòng lại nghĩ ra việc khác để làm. Đó là dựng trường, mở lớp rồi kêu gọi đồng bào cho con em mình đi học. Ban đầu thì cán bộ trực tiếp lên lớp, sau mời được thầy về rồi thì cán bộ lại tiếp tục đi sang xã, bản khác. Cứ thế, con chữ theo chân cán bộ "bò" đi khắp thôn xa bản vắng. Từ những lớp học ấy, đã có nhiều em đỗ đạt, học lên đến cao đẳng, rồi đại học, nay về phục vụ quê hương.

Trưởng bản Tá Miếu (xã Sín Thầu) Lỳ Ná Na, hồ hởi: “Mừng lắm cán bộ à. Cái chữ Bác Hồ đã đến với trẻ em người Hà Nhì, con bò của Nhà nước cũng ham ăn cỏ, chóng lớn lắm. Người Tá Miếu chỉ mong năm tới nương ngô cho nhiều bắp, dày hạt, ruộng lúa cho nhiều thóc, nhiều gạo. Cái bụng nghe đã biết no, cái lưng nghe đã thấy ấm rồi. Hơn 3 năm nay, toàn xã Sín Thầu không này có một vụ vi phạm pháp luật nào đâu, tất cả là nhờ có những cán bộ như cán bộ Loòng cả đấy”.

Nghe nói vậy, anh Loòng chỉ cười, bảo: "Mình cũng sinh ra trên núi cao, cũng đã từng phải sống mòn trong đói nghèo, lạc hậu, cũng đã từng trải qua cảm giác đói rạc đói rày đến mức phải vơ vào mồm bất cứ cái gì nghi ngờ là có thể ăn được để sống làm người, may nhờ Đảng và Nhà nước cho ăn học đàng hoàng, có được cái chữ, cái văn minh thời cuộc thì nhất định phải đem nó ra để phụng sự cho tổ quốc, cho quê hương mình chứ?!". Với cái tâm thế ấy, nên kể từ khi nhận công tác về Mường Nhé, vùng đất chìm lút giữa tuyệt mù núi cao vực thẳm, anh Loòng gần như "ly thân với vợ con", tận tâm tận lực với đồng bào nơi biên giới.

Tác giả bên dòng suối Huổi Chạ

Cũng có lúc mỏi mệt, anh Loòng đã từng ngửa mặt than rằng: "Đói nghèo, hủ tục chả khác nào những bóng ma, thoắt ẩn thoắt hiện, mình đánh nhau với nó, biết bao giờ mới thắng?!". Nghĩ vậy, nhưng khi phải chứng kiến cảnh đồng bào lay lắt trong đói rách tả tơi, trong hoang vu bịt bùng, trẻ em trần truồng, tím tái, sinh thực khí phơi bày ra giữa trời đất, tương lai mù mịt, anh đã khóc. Tất cả họ đều sống dưới mức sống cần phải có của một con người, mình không giúp họ, thì đời họ, đời con đời cháu họ sẽ ra sao? Ý nghĩ ấy, cộng với quyết tâm phải làm gì đó cho đồng bào tận khổ lại vực xốc anh đứng dậy và đi tiếp.

Người dân trên đỉnh Pá Mỳ vẫn chưa quên đận rét đến tái tê cuối đông năm 2004, khi ông trời châm khí lạnh khắp từ thung sâu đến núi cao. Bản đã có người chết vì giá rét, bà con không ai có áo ấm, củi đốt cũng đã cạn. Sau khi nắm bắt được tình hình, anh Loòng chạy đôn chạy đáo khắp nơi, vận động anh em, bạn bè, cán bộ trong và ngoài cơ quan mua góp áo ấm đem lên ủng hộ đồng bào. Giờ nhắc lại kỉ niệm ấy, những người già ở Pá Mỳ cứ rưng rức mà khóc như trẻ nhỏ. Họ khóc vì cảm động, khóc vì chẳng biết nói gì. Những chiếc áo thấm đượm nghĩa tình ấy đã làm tan đi giá lạnh ngày đông.

Thẩm phán Pờ Go Loòng, Chánh án người Hà Nhì duy nhất trong hệ thống Tòa án Việt Nam

Sau nhiều tháng, nhiều năm xông pha, lăn lộn, gắn bó, sẻ chia, gần gũi với đồng bào như thế nên giờ anh Loòng chả khác gì một "già làng" thứ thiệt ở mảnh đất nằm mút ngọn cực Tây của Tổ quốc này. Dù công to, việc nhỏ, cái gì không biết, nhiều khi dân bản lại kéo lên tìm hỏi "cán bộ Loòng" cho thông tỏ. Thấy vậy, nhiều anh em trong cơ quan còn đùa bảo anh Loòng bị đồng bào "đồng hóa ngược". Nghe vừa xót xa, vừa rưng rưng cảm phục. Bởi, nếu không ít nhiều hi sinh bản thân, tạm gác sang một bên những tham, sân, si để hòa đồng cùng đồng bào như anh, thì đâu có thể nói dân nghe, làm dân tin được?!

Sáng mãi "trái tim Danko"

Ngót nghét 30 năm công tác trong hệ thống tòa án, điều anh Loòng cảm thấy trăn trở và đau xót nhất chính là sự thiếu hiểu biết pháp luật của đồng bào. Nhiều khi họ phạm tội vì những lý do rất nhỏ nhặt và vụn vặt.Vợ giận chồng mải rượu, vặt nắm lá ngón về sắc lên cho chồng uống để trả thù. Hoặc có anh chàng nghi hàng xóm nhà mình là ma chò, ma chài, hay bỏ bùa, bỏ bả làm cho gà, lợn ốm đau, chết yểu. Mối hoài nghi ấy ngày càng lớn, cho đến một đêm mưa gió, sấm chớp ì oàng, anh ta đã vác súng kíp dí thẳng vào đầu hàng xóm rồi bóp cò...

Đó là chưa kể đến chuyện từ xưa đến nay, người Mông ở Mường Nhé vẫn còn lén lút trồng và sử dụng cây thuốc phiện. Ở những bản làng vùng sâu, vùng xa, từ xưa đến nay ma túy vẫn là nỗi ám ảnh khôn cùng. Con nghiện là đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, thậm chí có đứa trẻ vừa mới sinh ra đã làm quen với thuốc phiện khi phải bú dòng sữa của bà mẹ nghiện.

Trưởng bản Tá Miếu Lỳ Ná Na (bên trái): "Đồng bào ở đây cảm ơn cán bộ Loòng nhiều lắm!"

Cách đây mới ít năm, anh Loòng vẫn còn phải cùng với lực lượng chức năng của tỉnh, của huyện băng rừng lội suối hàng tuần trời đi tìm phá những nương thuốc phiện rực rỡ, mênh mông. Phá xong, anh em lại dốc ngược mình leo núi quay về bản, vào từng gia đình, gặp từng "con nghiện" vận động họ đi cai, đoạn tuyệt với "ả phù dung". Sau đó, Tòa án huyện tiếp tục đưa các vụ án ma túy về xét xử lưu động tại các "điểm nóng" để giáo dục, răn đe. Quyết liệt, bài bản như thế nên số lượng người nghiện và tình trạng tái diễn trồng cây thuốc phiện ngày càng thuyên giảm. Nhiều già làng, trưởng bản gặp anh Loòng tay cứ nắm chặt, mắt rưng rưng: "Cảm ơn cán bộ nhiều, nhiều lắm!"

Giờ, dù đã ngoại ngũ tuần, nhưng niềm đam mê với công việc, nỗi trăn trở với đồng bào trong anh Lòng chả thuyên giảm là bao. Anh vẫn lội rừng, bước chân trên sỏi cuộn, trên đá núi vẫn nhanh, chắc, mềm, nhẹ như chân báo. Anh bảo: “Mình làm được cái gì cho họ, dù nhỏ bé hay lớn lao cho nơi này, mình đều thấy mãn nguyện. Đồng bào ở đây, từ đời cha, đời ông, rồi đến đời họ đều sống lang bạt trong những cánh rừng già, sống với con ma rừng, với bệnh tật và sự lạc hậu tột cùng. Nhìn những thiếu nữ mới 15, 16 tuổi đã con bồng con bế, đứa nào đứa nấy đều gầy gò, đen đúa, cóc cáy như nhau vì đói rạc đói rày; nhìn những thanh niên người Mông, người Thái mười tám đôi mươi, vâm vam như đại bàng núi mà cứ đổ đời vào ma túy thì mình phải nghĩ ra cách gì đó để cứu họ, để “đánh thức”, để ngăn họ lại chứ? Chẳng lẽ để họ chìm lút trong u mê, lầm lạc rồi phạm tội mãi như thế hay sao?”, anh Loòng đã từng trải lòng với tôi như thế.

Còn nhớ vụ một số đồng bào người Mông ở Huổi Khon nghe theo lời của kẻ xấu đứng lên tụ tập, biểu tình chống phá chính quyền vào năm 2011, suốt nhiều ngày sau đó, anh Loòng cùng các cán bộ từ Trung ương đến địa phương kiên trì vào từng gia đình, gặp từng đối tượng để làm công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục. Với những hiểu biết và kinh nghiệm được đúc rút qua nhiều năm làm công tác dân vận, vị Chánh án người Hà Nhì đã góp phần không nhỏ trong việc vỗ yên lòng dân, khiến họ còn bị lung lạc bởi những luận điệu sai trái. Kể từ đó đến nay, Huổi Khon đã trở lại yên bình như vốn có.

Cứ mải miết như thế, năm này qua năm khác, anh Loòng chả khác gì ngọn lửa, không chỉ sưởi ấm những rét sương lầm lạc của đồng bào mà còn nhen lan, thổi bùng lên khát vọng cống hiến cho nhiều lớp cán bộ, công chức trong Tòa án huyện. Họ đã cùng anh tổ chức nhiều đợt, với nhiều giờ thuyết giảng, tuyên truyền cho hàng trăm, hàng ngàn lượt đồng bào ở nhiều thôn bản về đường lối của Đảng và các chính sách pháp luật của Nhà nước. Họ, đã kề vai sát cánh cùng người anh, người Chánh án của mình thắp lên ngọn lửa lớn hơn với sức lan tỏa rộng khắp hơn. Và hơn hết, họ tạo thành một khối vững chãi, che chở, nâng bước cho đồng bào.

Anh Tống Văn Khi, Chủ tịch UBND xã Nậm Vì, bảo: "Mường Nhé cần lắm những người cán bộ như anh Loòng. Không chỉ là một cán bộ tòa án mẫu mực, mà anh ấy còn là chỗ dựa của đồng bào trên nhiều phương diện cuộc sống. Kể từ khi cán bộ Tòa án huyện hay về đây tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho đồng bào thông qua các buổi nói chuyện và xét các phiên xét xử lưu động thì tỷ lệ người trong xã vi phạm ngày càng giảm, năm sau luôn ít hơn năm trước. Giờ đồng bào đã không còn nghe theo lời kẻ xấu xúi giục làm việc sai quấy nữa mà chuyên tâm vào việc ruộng nương, phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo. Có được điều đó là nhờ vào công sức rất lớn của những người cán bộ tòa án như anh Loòng".

Có thể, cuộc chiến chống lại cái đói, cái nghèo, cái u tối của đồng bào Nậm Vì và nhiều xã, bản khác ở vùng đất Mường Nhé tuyệt mù xa ngái này sẽ còn dai dẳng và khốc liệt, nhưng dù thế nào thì họ cũng sẽ mỉm cười vì có những người cán bộ Tòa án như anh Loòng. Những công chức mẫn cán ấy, họ đã quá tử tế, đã nghĩ đến bạc tóc, đã vắt kiệt tinh lực của mình để tìm một vòm trời sạch che chắn cho đồng bào. Giờ, mỗi lần ngoái về mảnh đất ngã ba biên, tôi đều nhớ đến người Chánh án người Hà Nhì và những đồng nghiệp của anh, những người đã và đang phải chịu bao cam khó, thẳm xa, cô quạnh để thắp lên ngọn lửa sưởi ấm miền sương rét. Và tôi tin, ngọn lửa ấy, ngọn lửa được các anh thắp lên từ chính "trái tim Danko" của mình, nó sẽ sáng mãi nơi biên cương.

Nguyễn Trung Thành

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/vinh-danh-tham-phan/tham-phan-po-go-loong-trai-tim-danko-thap-lua-suoi-am-bien-cuong-2555.html