Thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt có gì mới?

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2005, những quyết định (Qđ) cá biệt khi có dấu hiệu 'rõ ràng trái pháp luật' và phải có yêu cầu của đương sự thì Tòa án mới được hủy Qđ. Nhưng BLTTDS năm 2015 quy định chỉ cần Qđ cá biệt mà trái pháp luật thì Tòa án có quyền hủy Qđ đó và không cần thiết phải có yêu cầu của đương sự.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm 2003, anh Bùi Văn Tùng (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) nhận chuyển nhượng hơn 6.000m2 đất ruộng 2 vụ lúa, hai bên chỉ làm giấy viết tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương. Đầu năm 2008, anh Tùng đi làm “sổ đỏ” thì chính quyền từ chối, vì đất này trên sơ đồ địa chính đã cấp “sổ đỏ” cho ông K.

Sau khi có khiếu nại của anh Tùng, chính quyền xã tổ chức hòa giải, ông K thừa nhận đã đăng ký luôn phần đất của anh Tùng và đưa ra lời hứa sẽ sớm thu xếp chuộc sổ đỏ hiện đang cầm cố vay tiền để sang tên cho anh Tùng.

Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, ông K vẫn không thực hiện lời hứa của mình, trong khi đó thời hiệu khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính đã hết từ lâu. Trước đây, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2005 quy định tại Điều 32a: Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy QĐ cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.

Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến QĐ cá biệt bị yêu cầu hủy thì QĐ cá biệt đó được Tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự.

Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật Tố tụng Hành chính (Luật TTHC). Theo quy định của Điều 29 và Điều 30 Luật TTHC năm 2010, Tòa án cấp huyện giải quyết khiếu kiện QĐ hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó; Tòa án cấp tỉnh giải quyết những vụ việc còn lại không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.

Luật TTHC năm 2015 thay thế Luật TTHC năm 2010 quy định có nhiều điểm mới. Đối với thẩm quyền của Tòa án được xác định theo đối tượng khởi kiện.

Cụ thể, Tòa án cấp huyện giải quyết những khiếu kiện QĐ hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ QĐ hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện (Điều 31).

Theo đó, Tòa án cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện QĐ hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và những khiếu kiện khác (Điều 32).

BLTTDS năm 2015 thay thế BLTTDS năm 2005 quy định tại Điều 34:

“1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.

2. Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.

3. Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy.

4. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật TTHC về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Như vậy, kể từ ngày 01/7/2016 — thời điểm BLTTDS 2015 có hiệu lực thi hành, khi thụ lý giải quyết vụ án dân sự Tòa án có quyền hủy QĐ cá biệt trái pháp luật. Trường hợp của anh Tùng, thời hiệu khởi kiện QĐ công nhận QSDĐ và Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông K đã hết nên anh không có quyền khiếu nại/khởi kiện vụ án hành chính. Tuy nhiên, anh có quyền khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp QSDĐ với ông K, đồng thời yêu cầu hủy QĐ công nhận QSDĐ và Giấy chứng nhận QSDĐ của ông K tại Tòa án tỉnh.

Bùi Đức Độ

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tham-quyen-cua-toa-an-doi-voi-quyet-dinh-ca-biet-co-gi-moi-d27444.html