Thắm tình đoàn kết, hữu nghị dân tộc vùng biên giới Việt Nam - Lào

Tối 17/5, tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra lễ khai mạc Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các Dân tộc thiểu số (DTTS) các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm 2019.

Ngày hội thể hiện sự đoàn kết, hữu nghị, phát triển giữa các đồng bào dân tộc vùng biên giới Việt - Lào

Ngày hội với sự tham gia của đồng bào dân tộc 5 tỉnh vùng biên giới Việt Nam gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và 4 tỉnh nước bạn Lào gồm Át ta Pư, Sê Kông, Sa Va Na Khẹt, Sa La Van.

Với chủ đề "Đoàn kết, hữu nghị và phát triển", ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các DTTS các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm 2019 được diễn ra từ ngày 17 – 19/5. Đây là hoạt động văn hóa, chính trị quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, tiềm năng du lịch, phát huy truyền thống tốt đẹp và gắn kết cộng đồng giữa 2 nước Việt Nam và Lào, cũng như các dân tộc thiểu số các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, ngày hội còn nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo và đa sắc màu của các dân tộc thiểu số của hai nước Việt Nam - Lào nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng. Đồng thời, tăng cường tính đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các tỉnh vùng biên giới của hai nước Việt - Lào trong công cuộc hội nhập và phát triển.

Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, diễn viên đồng bào dân tộc cùng biên giới Việt - Lào chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu khai mạc, bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, đây là hoạt động văn hóa thể thao và du lịch nhằm tôn vinh và giới thiệu quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc, đồng thời tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các tỉnh vùng biên giới của hai nước Việt Nam – Lào trong công cuộc hội nhập và phát triển.

“Đến với ngày hội, chúng ta sẽ được hòa mình vào trong không khí sôi động với những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo qua sự thể hiện của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, vận động động viên quần chúng. Chúng ta sẽ được cảm nhận nhưng giai điệu dân ca, dân vũ và được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục truyền thống. Được chung vui hòa mình vào trích đoạn lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc hay trải nghiệm không gian dệt thổ cẩm. Cùng hào hứng cổ vũ cho các môn thể thao truyền thống như bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co đầy sôi động. Với nhiều hoạt động du lịch phong phú, hấp dẫn, ngày hội chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh đất nước, con người, tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Tiết mục nghệ thuật của đồng bào dân tộc nước bạn Lào

Thể hiện sự đoàn kết, hữu nghị với tiết mục mùa hát Hà Nội Viêng Chăn

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ ngày hội còn có các hoạt động như: trưng bày sản phẩm văn hóa và du lịch của các địa phương; triển lãm ảnh văn hóa và du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế; không gian trưng bày đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung - Tây Nguyên; trình diễn dệt vải thổ cẩm và các hoạt động thi đấu thể thao như bắn nỏ, kéo co…

Không chỉ giao lưu về văn hóa, những năm qua các tỉnh vùng biên giới Việt - Lào còn liên kết, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương

Tiết mục múa hát thể hiện đời sống, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên ở Việt Nam

Dịp này sản phẩm dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi, huyện A Lưới được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao bằng công nhận nhãn hiệu tập thể.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tham-tinh-doan-ket-huu-nghi-dan-toc-vung-bien-gioi-viet-nam-lao-119803.html