Thắm tình miền cao

Trại sáng tác văn học nghệ thuật A Roàng năm 2023 kết thúc đã mang lại cho những văn nghệ sĩ tham gia những trải nghiệm, cảm xúc về văn hóa, đời sống của đồng bào vùng cao tại xã A Roàng (huyện A Lưới).

Sinh hoạt bên đống lửa của người dân A Roàng

15 văn nghệ sĩ thuộc bốn hội chuyên ngành: Nhà văn, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Văn nghệ Dân gian đã dành 8 ngày cùng sống, cùng sinh hoạt với đồng bào miền cao. Với cách tiếp cận linh hoạt, các văn nghệ sĩ đã tìm hiểu, nắm bắt và sáng tạo dựa trên những chất liệu rất riêng của địa bàn miền núi. 65 tác phẩm với nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, âm nhạc, hình ảnh và công trình nghiên cứu đã được các hội viên tham gia trại sáng tác giới thiệu.

Trong lần đầu tiên đến với A Roàng, nhà thơ Văn Công Toàn bị hấp dẫn bởi thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ nơi đây. Trên con đường Trường Sơn huyền thoại, các văn nghệ sĩ đã đến với những đỉnh núi cao nhất ở phía đông Trường Sơn như đỉnh Cổng Trời, đỉnh Động Ngai, đỉnh Cô Pung, đỉnh Re Lao. Giữa miền núi non ấy, rừng xanh như một tấm thảm che chở, bảo vệ cho bản làng, như nhà thơ Văn Công Toàn đã mô tả: “Rừng từng viết nên trang huyền thoại/ Rừng chở che gìn giữ bản làng/ Còn đâu thời đói cơm lạt muối/ Rừng xanh A Lưới đã sang trang...”.

Những đêm mưa đầu mùa, các văn nghệ sĩ ở lại nhà của già làng Quỳnh Thư, cùng hát, cùng sinh hoạt bên đốm lửa. Kỷ niệm đó được nhà thơ Đặng Văn Sử kể lại: “tim gầy mạch phím tàn tro/ nghe trên ngọn lửa cháy qua tiếng đàn/ Trưl rung hai sợi nhịp nhàng/ cung thương là suối, đại ngàn gam yêu”.

Nhịp sống của người dân bản xứ, với những hoạt động dệt zèng, trồng trọt… cũng được các văn nghệ sĩ truyền tải thông qua những vần thơ. Nhà thơ Nguyễn Viết Xuân mô tả một vụ mùa tươi tốt: “Bản trên, thôn dưới vàng tươi/ Một màu lúa chín ngọt lời ấm no”; hình ảnh những cô gái bản với nụ cười tươi bên khung dệt dzèng lại làm “đắm say” nhạc sĩ Nguyễn Văn Vũ: “A Roàng bát ngát đại ngàn/ Em Tà Ôi dệt hai hàng zèng hoa”.

Bên cạnh những áng văn thơ, trại sáng tác A Roàng cũng giới thiệu 3 công trình nghiên cứu đặc sắc về văn hóa của người dân bản địa. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế với “Lễ hội A Riêu Ping của người Pa Cô ở A Lưới” đã mô tả về lễ hội cải táng mồ mả tổ tiên ông bà đã mất nhiều đời của người Pa Cô: “Lễ hội A Riêu Ping mang tính cộng đồng cao, nhằm mục đích tri ân tổ tiên ông bà, nhưng đồng thời là dịp để các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng bản, thông gia gặp gỡ để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, thắt chặt tình cảm. Tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa các làng kết nghĩa… Tất cả những người dự lễ hội đều chia sẻ niềm vui chung với người sống và cả đối với người đã khuất và cầu mong sự an lành cho cộng đồng, làng bản”.

Nhà nghiên cứu Lê Vũ Trường Giang cũng giới thiệu công trình nghiên cứu về “Một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới”, đặc biệt nói về lễ hội AriêuCar và lễ Aza. Về Lễ hội AriêuCar, đây là lễ hội nhằm “thắt chặt tình đoàn kết giữa các làng này, làng khác, kết nghĩa tâm giao giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn, tạo điều kiện cho nhau về đất đai, làm ăn sinh sống, gắn kết tình thông gia, bè bạn, giải quyết, giải hòa, mâu thuẫn giữa các làng bản, vùng, xứ”.

Trong khi đó, lễ Aza, hay vẫn được biết tới với những tên gọi: Tết cơm mới, Lễ tri ân cây lúa. “Aza là một trong những truyền thống văn hóa đặc sắc của người Pa Cô, một cái tết của đồng bào khi kết thúc vụ mùa, là cái tết tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, chuẩn bị cho mùa vụ mới”.

Thông qua trại sáng tác A Roàng, bên cạnh việc được trải nghiệm về cuộc sống ở Trường Sơn Đông, được tiếp cận với những sinh hoạt đời thường của những người đồng bào bản địa, các văn nghệ sĩ còn nhận được nhiều tình cảm nồng hậu từ người dân của xã. Đáp lại, nhà thơ Đặng Văn Sử cũng mang nỗi nhớ và tình cảm dành cho A Roàng vào tác phẩm của mình: “A Roàng hiện hữu trong tim người đến và người về. Cung đường quanh co nhưng lòng người ngay thẳng. Dốc đến tận trời nhưng dốc có lối mòn để qua. Váy diễm viền như ước lệ song đầy sáng tạo trong mỗi đường tơ. Mắt tròn trẻ thơ và nụ cười sơn cước hiện diện nét thơ ngây và bình yên đến lạ. Tẩu thuốc người già còn khảm chạm vào hồn thơ... sợ nhất là đôi mắt cô gái, lỡ đắm một lần e khó vẫy vùng thoát ra”.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/tham-tinh-mien-cao-132687.html