THẨM TRA BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỰC HIỆN MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

Chiều 27/9, tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ hai theo hình thức trực tuyến, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Theo báo cáo của Chính phủ, hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án,... đã được các cấp, ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực thi hành với những quy định mới, thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận đảm bảo quyền đối với mọi người lao động, cả nữ và nam.

Vấn đề bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Chiến lược đã được ban hành kịp thời với các mục tiêu, chỉ tiêu phản ánh thực chất vấn đề bình đẳng giới và phù hợp với thực tiễn, là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Việc đánh giá, tổng kết Chiến lược 2011-2020 và hướng dẫn, triển khai Chiến lược 2021-2030 được thực hiện nghiêm túc, làm cơ sở cho việc triển khai Chiến lược đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên họp

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các chính sách phù hợp góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và doanh nghiệp, ổn định an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Xã hội cho biết, năm 2021 là năm bắt đầu thực hiện Chiến lược của giai đoạn mới với nhiều thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức. Thời gian triển khai và thực hiện Chiến lược còn ngắn nhưng với sự chỉ đạo quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện đã được triển khai rộng khắp và đạt được một số kết quả cụ thể sau: Các bộ, ban, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai các nội dung của Chiến lược; Bước đầu một số chỉ tiêu đã được thống kê số liệu; Quyết liệt thực hiện các giải pháp trong chỉ đạo điều hành góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, đặc biệt là truyền thông thông qua việc tham gia tích cực và có trách nhiệm các diễn đàn quốc tế về bình đẳng giới. Hơn nữa, việc ban hành chính sách kịp thời sẽ góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh COVID-19 nói chung, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như lao động nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nói riêng. Đồng thời, cho giúp các đối tượng này có thêm nguồn lực để chống đỡ dịch bệnh, có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động, khôi phục sản xuất.

Ủy ban Xã hội đưa ra ý kiến thẩm tra

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Xã hội cũng chỉ ra rằng, một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm về việc triển khai thực hiện Chiến lược. Năm 2018 Chính phủ đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật. Nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa đề xuất sửa đổi Luật Bình đẳng giới để khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hàng loạt các vấn đề về lao động, việc làm, y tế, giáo dục... trong đó đối tượng chịu sự ảnh hưởng nặng nề hơn thường là phụ nữ, làm gia tăng khoảng cách bình đẳng giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược. Một số chính sách còn chưa có số liệu phân tách về giới nên ảnh hưởng đến việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ. Bộ máy, cán bộ làm công tác bình đẳng giới chưa bố trí đủ hoặc kiêm nhiệm, kinh phí phân bổ cho công tác bình đẳng giới ngày càng giảm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới.

Thảo luận tại Phiên họp, thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự nêu rõ, đối với các mục tiêu trong lĩnh vực y tế, do sự tác động của đại dịch COVID-19, trong lĩnh vực y tế đã phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái, làm gián đoạn việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, trong đó phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các tác động này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những tiến bộ về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan tới thai sản mà Việt Nam đã đạt được trong 10 năm qua. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến nội dung này.

Một số đại biểu cũng cho biết, trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dưới tác động của đại dịch COVID-19 tạo ra cơ hội cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, việc chuyển sang hình thức học trực tuyến đã làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục giữa các địa phương và các nhóm học sinh, đặc biệt đối với học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc dừng các hoạt động giảng dạy trực tiếp tại nhà trường đã ảnh hưởng đến thu nhập và công việc của giáo viên hợp đồng, giáo viên tại các trường tư thục trong hệ thống giáo dục; gia tăng thời gian để giáo viên chuẩn bị bài giảng trực tuyến trước khi lên lớp. Đặc biệt là giáo viên ở cấp học mầm non và cấp tiểu học chủ yếu là phụ nữ.

Các đại biểu đóng góp ý kiến

Có ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai với hình thức phù hợp tình hình đại dịch COVID-19, giúp nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về bình đẳng giới; tư tưởng trọng nam hơn nữ, định kiến giới, phân biệt đối xử trong xã hội có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trong các đợt giãn cách xã hội, để bảo đảm các nguyên tắc phòng, chống dịch, nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo phương thức truyền thống, trực tiếp về bình đẳng giới không thực hiện được; việc ứng dụng công nghệ thông tin để thông tin đến với người dân kịp thời còn khó khăn và hạn chế.

Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những góp ý tâm huyết, xác đáng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Ủy ban.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của đại biểu và giải trình từ phía Bộ, ngành, Ủy ban sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra. Mong rằng trong thời gian tới, vấn đề bình đẳng giới sẽ tiếp tục được các Bộ, ngành, chính quyền các cấp quan tâm; tiếp tục làm rõ hơn tác động của đại dịch COVID-19 đối với phụ nữ, trẻ em, từ đó đưa ra các giải pháp đồng bộ và hiệu quả./.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=59097