THẨM TRA CÁC ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI VÀ THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CỦA TP.HÀ NỘI VÀ 3 TỈNH: THANH HÓA, ĐỒNG NAI, TUYÊN QUANG

Thực hiện Phiên họp thứ 55, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra các Đề án điều chỉnh địa giới và thành lập đơn vị hành chính của các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và thành phố Hà Nội.

Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Thực hiện chương trình công tác và theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 16/3/2020, Ủy ban Pháp luật đã họp phiên toàn thể lần thứ 34 để thẩm tra các Đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới và thành lập các đơn vị hành chính (ĐVHC) của các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và thành phố Hà Nội theo các Tờ trình của Chính phủ.Đồng thời, để phục vụ cho việc thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 12/4/2021, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức khảo sát thực tế tại địa bàn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Ngày 19/4/2021, Ủy ban Pháp luật đã có 04 Báo cáo thẩm tra các Đề án nêu trêntheo Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết việc điều chỉnh địa giới và thành lập các ĐVHC của các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và thành phố Hà Nội với những lý do nêu trong các Tờ trình và Đề án của Chính phủ.

Về tiêu chuẩn, điều kiện: căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211, các đơn vị được thành lập, điều chỉnh địa giới đều bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định.

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục lập Đề án: các Đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định.

Một số nội dung đề nghị giải trình

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại phiên họp thẩm tra, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã đề nghị cơ quan trình Đề án giải trình một số nội dung liên quan đến việc thành lập ĐVHC ở đô thị như giải pháp huy động vốn và định hướng sử dụng nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng đô thị nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân; việc chuyển đổi con dấu, giấy tờ của người dân trên địa bàn sau khi thị trấn mới được thành lập… Ngoài ra, đối với từng Đề án cụ thể, Ủy ban Pháp luật đề nghị giải trình, làm rõ những nội dung sau đây:

Đối với Đề án thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, đề nghị chính quyền tỉnh Thanh Hóa có lộ trình, phương án sắp xếp các ĐVHC chưa đạt 100% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số trên địa bàn huyện Yên Định để thực hiệnchủ trương sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022-2030 theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đối với Đề án thành lập thị trấn Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, đề nghị tỉnh Đồng Nai làm rõ giải pháp huy động vốn và định hướng sử dụng nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, bảo đảm đô thị Long Giao tương xứng với vị thế và vai trò là trung tâm hành chính của huyện Cẩm Mỹ.

Đối với Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Bình, huyện Chiêm Hóa và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình; điều chỉnh địa giới hành chính các xã Lăng Quán, Thắng Quân, Tứ Quận và thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị lý giải cụ thể hơnsự cần thiết điều chỉnh 02 xã Phúc Sơn và Minh Quang từ huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình.

Việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã theo Đề án sẽ dẫn đến các đại biểu HĐND được bầu ở các ĐVHC bị điều chỉnh phải thay đổi địa bàn hoạt động. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị chính quyền tỉnh Tuyên Quang lưu ý vấn đề này để không làm ảnh hưởng, xáo trộn đến dự kiến cơ cấu, thành phần của HĐND nhiệm kỳ mới 2021-2026 ở các ĐVHC có liên quan. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 270/QĐ-UBND đính chính nội dung Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 25/5/2020 về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung trung tâm thị trấn huyện lỵ Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã làm thay đổi quy mô, ranh giới của khu vực dự kiến thành lập thị trấn Yên Sơn so với quy hoạch đã được phê duyệt năm 2009. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ việc điều chỉnh vị trí quy hoạch xây dựng trung tâm thị trấn huyện lỵ Yên Sơn từ toàn bộ diện tích xã Tứ Quận, 02 thôn của xã Lăng Quán và 07 thôn của xã Thắng Quân sang toàn bộ diện tích của xã Thắng Quân, một phần của xã Lăng Quán và một phần của xã Tứ Quận.

Toàn cảnh phiên họp thứ 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đối với Đề án điều chỉnh địa giới hành chính giữa các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm của thành phố Hà Nội, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị giải trình thêm các nội dung:

Thứ nhất, đề nghị thành phố Hà Nội báo cáo rõ trên địa bàn toàn thành phố còn trường hợp nào có sự quản lý dân cư ngoài phạm vi địa giới của đơn vị hành chính (như tại 09 tổ dân phố nêu trong Tờ trình của Chính phủ) để giải quyết dứt điểm việc quản lý dân cư ngoài địa giới đơn vị hành chính ở các địa phương thuộc thành phố Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, qua rà soát, trên địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm có 02 tổ dân phố (Tổ 28 và Tổ 29 - Tập thể Bệnh viện 19-8) đang do phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy thực hiện quản lý dân cư nhưng Chính phủ chỉ đề nghị điều chỉnh diện tích tự nhiên và dân số của Tổ 28 sang phường Mai Dịch quản lý, còn đối với Tổ 29 thì không đề nghị vì cử tri ở phường Mỹ Đình 2 không đồng ý. Do đó, đề nghị chính quyền thành phố Hà Nội làm rõ giải pháp xử lý đối với việc quản lý dân cư trên địa bàn tổ dân phố số 29.

Thứ ba, mặc dù hiện nay người dân sinh sống tại Tổ 28 - Tập thể Bệnh viện 19-8 đều đăng ký hộ khẩu thường trú và thực hiện mọi giao dịch hành chính, dân sự tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy nhưng các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, cấp phép xây dựng… hiện vẫn do phường Mỹ Đình 2 thực hiện. Tương tự như vậy, đối với Tổ 29, nếu không điều chỉnh địa giới hành chính mà chỉ thực hiện việc bàn giao quản lý dân cư theo đúng địa giới hành chính thì để bảo đảm thuận lợi cho người dân cũng như thống nhất trong quản lý nhà nước, đề nghị chính quyền thành phố Hà Nội làm rõ giải pháp, xác định rõ trách nhiệm, thời hạn, kinh phí thực hiện bàn giao, chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; có phương án miễn phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thay đổi con dấu, giấy tờ.

Thứ tư, về điều kiện điều chỉnh địa giới hành chính, đề nghị Chính phủ cung cấp thêm căn cứ thể hiện việc đáp ứng điều kiện về sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Những nội dung Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương báo cáo giải trình nêu trên đã được đại diện Chính phủ (Bộ Nội vụ) giải trình tại phiên họp thẩm tra, Chính phủ đã có Báo cáo số 100/BC-CP ngày 25/3/2021 và Báo cáo số 130/BC-CP ngày 20/4/2021 bổ sung, giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này. Đối với Đề án của tỉnh Tuyên Quang, trong quá trình Thường trực Ủy ban Pháp luật khảo sát, làm việc tại địa phương, chính quyền tỉnh Tuyên Quang cũng đã có báo cáo, giải trình làm rõ. Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung giải trình của Chính phủ, chính quyền các địa phương.

Nhận xét và kiến nghị

Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định: Việc điều chỉnh địa giới và thành lập các ĐVHC của các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và thành phố Hà Nội theo các Tờ trình của Chính phủ là cần thiết, đúng quy định của pháp luật; các đơn vị được đề nghị thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính đều đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định; hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các ĐVHC của các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và thành phố Hà Nôịvới những nội dung nêu trong Tờ trình, Đề án và các Báo cáo giải trình của Chính phủ.

Ủy ban Pháp luật đã chỉnh lý, hoàn thiện về kỹ thuật văn bản đối với dự thảo các Nghị quyết và đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực của các Nghị quyết là từ ngày 01/7/2021 (dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình chưa xác định thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành) để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian để kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu, giấy tờ của công dân, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới và không làm ảnh hưởng đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=55063