Thám tử Poirot chống lại Hitler - truyện ngắn mới được tìm thấy của “nữ hoàng trinh thám” Agatha Christie

Tại Anh, người ta vừa tìm thấy bản thảo một truyện ngắn chưa từng được công bố của nữ văn sĩ quá cố Agatha Christie (1890-1976), người được mệnh danh là "nữ hoàng truyện trinh thám". Những nhân vật chính trong tác phẩm này không chỉ có thám tử anh minh người Bỉ Hercule Poirot mà cả… tên trùm phát xít Adolf Hitler.

Agatha Christie đã để lại 75 cuốn sổ tay giấy úa vàng, cũ đến mức ngỡ như chỉ cần chạm nhẹ là nó tan ra thành bụi. Trong những cuốn sổ này, nữ văn sĩ đã ghi lại các nhận xét, ý tưởng và thậm chí cả những truyện ngắn của mình. Nhà nghiên cứu Anh John Curran đã tới lục tìm kho lưu trữ ở tầng gác ngôi nhà ba tầng Greenway House tại Devonshire. Chính tại đây, bên bờ biển miền Nam nước Anh từ giữa những năm 30 của thế kỷ trước cho tới năm 1976, Agatha Christie, một trong những nữ văn sĩ được biết tới rộng rãi nhất trên thế giới, đã sống trọn vẹn quãng đời cuối cùng của mình. Các tác phẩm của bà đã được dịch ra 45 thứ tiếng, chỉ riêng những cuốn sách bằng tiếng Anh của bà đã bán được tới hơn một tỉ bản. Số lượng phát hành lớn hơn thế chỉ có Kinh Thánh và các vở kịch của Shakespeare. Chính ở Greenway House, "nữ hoàng truyện trinh thám" đã viết được hai truyện ngắn mà nhà nghiên cứu Curran vừa phát hiện ra. Một trong hai truyện ngắn đó là "The Capture of Cerberus" đã được tờ báo The Daily Mail đánh giá một cách đầy hứng khởi trong bài báo "Đã tìm thấy một tuyệt tác bị thất lạc!". Ngay từ dòng đầu tiên trong truyện ngắn này đã xuất hiện sức hấp dẫn. Thám tử Hercule Poirot bên ly rượu khai vị ở cạnh hồ Geneva, bất ngờ bị hun nóng bởi một niềm khao khát vốn thường xa lạ với ông: "Để kết thúc sự hài hòa của khoảnh khắc hiện tại, cần có một điều nhỏ. Một phụ nữ dễ thương ăn vận lịch lãm". Cắt đứt dòng mơ tưởng của nhân vật, tác giả truyện ngắn châm chích: "Đó là tai họa của những người đàn ông cẩn trọng bé nhỏ. Họ luôn thèm khát những người đàn bà cao lớn và nổi bật". Nữ văn sĩ muốn dùng câu này để cạnh khóe người chồng thứ hai của mình, nhà địa chất học Max Mallowan. Ông Mallowan, cũng như Poirot, là người không cao lắm và luôn tỏ ra quan tâm thái quá đối với phụ nữ. Có lần, một người bạn chung của họ bàn tới tính dục trong các bài sonet của Shakerspeare. "Nữ hoàng truyện trinh thám" 70 tuổi lập tức nói ngay: "Khi nói tới tính dục là anh Max lập tức nổi hứng ngay!" - Mỉm cười, bà đã ngưng tiếng một cách đầy ý vị. Những liên tưởng về chồng đã được nữ văn sĩ chuyển vào các trang truyện ngắn "The Capture of Cerberus" với sự đam mê không điển hình đối với bà. Thêm một sự khác biệt nữa trong truyện ngắn này so với các tác phẩm khác của Agatha Christie là màu sắc chính trị. Ham muốn của thám tử người Bỉ bất ngờ bị ngắt quãng. Từ bàn bên cạnh có một người phụ nữ "thực sự lộng lẫy với mái tóc sặc sỡ màu thuốc nhuộm hoàng điều và với tất cả sự năng nổ của tính cách Nga tới ngự trên đầu Poirot như con thuyền buồm căng gió". Nữ bá tước Vera Rossakoff bằng những câu tiếng Anh pha lẫn tiếng Nga đã giới thiệu với thám tử Poirot người bạn đồng hành của mình, bác sĩ Keyserbakh (cũng xin nói thêm là, trong loạt truyện "The Double Clue", thám tử Poirot đã bày tỏ rất rõ tình cảm dịu dàng của mình dành cho nữ bá tước Rossakoff). Và bác sĩ Keyserbakh đã kể với thám tử người Bỉ về tên độc tài rất giống Hitler: "Hắn là kẻ độc tài nhất trong số những tên độc tài. Những lời kêu gọi hiếu chiến của hắn đã tập hợp được giới trẻ ở nước hắn và cả ở các nước đồng minh. Hắn đã thổi lửa cho Đế chế Trung tâm và đế chế này tới giờ vẫn đang bốc cháy. Rốt cục là những đám mây chiến tranh ngày một đen đặc". Một bận, tên độc tài đã phát biểu tại một cuộc mít tinh và bắt đầu bằng phong cách quen thuộc của y: "Chỉ có thể được cứu thoát bằng con đường hy sinh và chiến tranh. Đã là đàn ông thì phải hy sinh cho đất nước mình, khác đi thì không xứng đáng được sống ở đó. Các quốc gia dân chủ là những kẻ hèn nhất vì sợ hãi chiến tranh và họ sẽ bị những lực lượng trẻ tiêu diệt. Lớp trẻ phải chiến đấu và chiến đấu giành chiến thắng để chiếm lĩnh cả hành tinh". Tên độc tài phấn khích đến mức bước ra khỏi vị trí ẩn nấp chống đạn xuyên thủng. Và một tiếng súng vang lên. Đạn găm đúng đầu tên độc tài. Những người dân chủ mừng rỡ: kẻ độc tài đã bị giết và giờ sẽ là hòa bình ngự trị trên hành tinh chúng ta. Thế nhưng, niềm hy vọng của họ chẳng bao lâu sau bị tan thành mây khói. Kẻ đã bị giết lại trở thành biểu tượng, người tuẫn nát, thánh nhân. Các quốc gia thuộc Đế chế Trung tâm bị chìm vào làn sóng hiếu chiến cuồng nộ. Thủ lĩnh của họ đã chết nhưng tinh thần của hắn vẫn điều hành họ như trước. Họ cần phải hủy diệt nền dân chủ. Bị buộc tội đã ám sát kẻ độc tài là con trai của bác sĩ Keyserbakh. Nhưng người cha không tin vào điều đó vì con trai ông luôn là người rất hâm mộ kẻ độc tài. Bác sĩ Keyserbakh nhờ thám tử Poirot điều tra xem ai đã giết kẻ độc tài. Ai cần cái chết của y? Cái chết đó thực chất đã không làm thay đổi được điều gì. Trái lại, còn làm cho sức mạnh của quỷ sứ trở nên hung bạo hơn. - Tôi có một ý tưởng, - thám tử Poirot nói. Ông đã nghĩ ra điều gì? Ông đã định tiến hành điều tra vụ việc này như thế nào? Có thể ông cũng đã thử ngăn chặn di căn của chủ nghĩa Quốc xã đang lây nhiễm khắp châu Âu lúc đó? Những câu hỏi này được trả lời sau ngày 3/9/2009, khi công trình "Những cuốn sổ bí mật của Agatha Christie" của nhà nghiên cứu John Curran được công bố ở London. Trên tờ The Daily Mail mới chỉ công bố phần đầu của truyện ngắn và tiết lộ thêm: "Agatha Christie đã bày tỏ niềm hy vọng ngây thơ rằng tên độc tài mà bà đã dùng để ám chỉ Hitler cuối cùng có thể bị biến chuyển thành một tín đồ…". Ở nửa cuối thập niên thứ ba của thế kỷ trước đã có không ít người tin (hoặc muốn tin) vào một diễn biến như thế. Thí dụ như nhà truyền giáo Frank Buchman ở Mỹ chẳng hạn. Cũng xin nói thêm là, một truyện ngắn khác của Agatha Christie, cũng có nhan đề "The Capture of Cerberus" như thế đã được in vào năm 1947. Nội dung của truyện ngắn đã in đó không có gì chung với truyện ngắn mới được tìm thấy. Tác phẩm mới này đã được viết từ những năm 30 của thể kỷ trước và năm 1939, Agatha Christie đã đưa nó cho Tạp chí Strand nhưng đã bị ban biên tập từ chối in vì nội dung mang tính chính trị khá rõ và những lời lẽ công kích Hitler

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/vanhoa/2009/9/119087.cand