'Thăm ván bán thuyền', suýt hỏng việc

Kịch bản 40 tập seri phim 'Cảnh sát hình sự' hoàn thành xong, đánh máy, xếp đầy một cái ba lô. Kịch bản kết cấu dàn nhân vật xuyên suốt, kéo dài qua nhiều phần với số tập khác nhau, chủ đề xoay quanh cuộc đấu tranh phòng chống đủ các thể loại tội phạm thể hiện qua các vụ án hình sự.

Các phần ấy là: "Ngược chiều cái chết" (3 tập), "Nước mắt của mẹ" (4 tập), "Truy đuổi đến cùng" (4 tập), "Cái chết của Thiên Nga" (5 tập), "Kẻ giả danh" (4 tập), "Bí mật hồ Hang Rắn" (6 tập), "Hãy về với em" (4 tập), "Từ đen đến trắng" (10 tập). Bây giờ, nhắc đến các cái tên này đã thấy ngay dấu ấn của kiểu nhà thơ, nhà văn làm biên kịch, hi hi…

Nhà văn Thùy Linh.

Nhà văn Thùy Linh.

Thế là có thể yên tâm bàn giao cho Hãng phim Truyền hình và nhận tiền. Nhưng rồi ngay sau đấy, ông Lập lại triệu tập họp, nói: "Tôi nghe thông tin là Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh chịu chơi hơn, có thể trả nhuận bút kịch bản này cao hơn, nên ta thống nhất cử ông Phong mang vào đấy gặp gỡ rồi gạ bán xem thế nào?". Cả nhóm lại gom tiền mua vé máy bay cho tôi đeo ba lô bay vào. Ông Lập còn dặn kỹ tôi là đến gặp ai, trao đổi thế nào. Tôi hăm hở lên đường...

Kết quả là Sài Gòn trả cao hơn thật, 3,5 triệu một tập. Tôi quay ra báo cáo. Cả bọn lại họp lại, phân tích... Cũng có nhiều ý kiến khác nhau, rồi kết luận, ngoài Hà Nội thì gần hơn, lấy tiền sẽ nhanh hơn, ít rủi ro, hơn nữa phim làm ở Đài Truyền hình Trung ương thì sẽ phủ sóng rộng hơn. Và dù sao thì chúng ta cũng cần giữ chữ "tín"... Cuối cùng, chính vì những lý do như thế mà kịch bản bộ phim "Cảnh sát hình sự" đã được bọn tôi chuyển cho Đài Truyền hình Việt Nam như đã hứa hẹn, dù nhuận bút có thấp hơn một chút...

Cái việc đi "thăm ván" để định "bán thuyền" là vào Sài Gòn gạ, rồi không bán mà quay về giao dịch với mối cũ, đã không lọt qua được mắt người biên tập phim của Hãng phim Truyền hình Việt Nam là nhà văn Thùy Linh...

Kể chút về Thùy Linh. Tôi tốt nghiệp kỹ sư Hóa thực phẩm từ Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1982, nhưng lại bỏ nghề học, đi làm phóng viên tập sự ở Báo Quân đội nhân dân hai năm, rồi được tuyển vào Công an, làm biên tập viên ở Nhà xuất bản CAND. Hồi đó, tôi đã làm thơ, có tí tiếng tăm, nên ngưu tầm ngưu, mã gặp mã, có lần gặp Nguyễn Quang Thiều ở nhà nhà thơ Phạm Tiến Duật thì thân ngay, vì Thiều khi ấy cũng bắt đầu có tiếng, lại cũng ở trong ngành. Hai thằng chiều chiều hay gặp nhau ở nhà ăn tập thể của Bộ Công an ở số 10 Nguyễn Quyền, cạnh bến xe Kim Liên, nơi đã thành cái khách sạn của Nhật to và xịn bây giờ.

Ở Báo Công an nhân dân hồi ấy có một nữ phóng viên cực xinh tên là Trần Nguyệt Tuệ, cùng lứa tuổi với Thiều và tôi. Tuệ là con cán bộ to, nhà ở làng hoa Ngọc Hà, đi vào qua cái ngõ bên hồ Hữu Tiệp có xác máy bay B.52 bị rơi xuống. Tuệ xinh đẹp kiểu hiện đại, mạnh mẽ, phóng khoáng, phi truyền thống, tóc cắt ngắn, và đáng sợ, là… rất thông minh, có thể đọc vị ngay mấy thằng đàn ông si tình hay bặm trợn. Kiểu như ông nào định buông câu tán tỉnh, vừa lắp bắp mở mồm, Tuệ đã cắt ngang ngay, ông định nói thế, nói thế chứ gì, dẹp ngay đi, sốt ruột! Nếu vô tư, bọn tôi có thể ôm vai, khoác tay Tuệ, không sao, nhưng tay nào định đến gần Tuệ có ý đồ là đụng chạm "không trong sáng" là Tuệ biết ngay, nhướng mắt lên, nói, đứng lùi ra xa đi, đừng vớ vẩn...

Tuệ lúc ấy mới bắt đầu viết truyện ngắn, ký bút danh Thùy Linh. Nguyễn Quang Thiều, Thùy Linh và tôi được coi là ba cây bút trẻ nhiều triển vọng của lực lượng Công an, cần được chú ý bồi dưỡng, đào tạo.

Sau này, cả ba "cây bút trẻ triển vọng" ấy trong những ngã rẽ của số phận đều rời khỏi ngành Công an. Thiều đi học ở Cu Ba, về một thời gian, thì sang làm cho Báo Văn nghệ. Thùy Linh đi học Trường Viết văn Nguyễn Du, rồi sang Liên Xô học ở Học viện Văn học Maksim Gorky, về nước, có truyện ngắn "Mặt trời bé con của tôi" đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ. Bộ phim được chuyển thể thành phim truyền hình và sau đó thì về làm biên tập phim truyền hình ở Đài Truyền hình Việt Nam. Tôi cũng lằng nhằng, sau mới chuyển đi, nhiều nơi, lên bờ xuống ruộng...

Mong Thùy Linh biến thành bồ bịch của mình là khó như hái sao trên trời. Nhưng là bạn tốt thì không khó. Thùy Linh không những tốt mà còn rất tinh tế. Tôi cưới vợ, hoa lay ơn trắng đón dâu và hoa trang trí, bày bàn cưới là Thùy Linh chuẩn bị và tặng cho. Thùy Linh mời Lập tham gia dự án phim của CARE, nhuận bút cao kiểu Tây, một phần là quý tài, nhưng phần lớn hơn là muốn giúp Lập khi mới chuyển cả gia đình ra Hà Nội, có nhiều khó khăn thiếu thốn. Phạm Ngọc Tiến lúc ấy cũng đã là nhà văn có danh, đang làm cán bộ thi đua truyên truyền của ngành điện lực Hà Nội. Chính Thùy Linh sau này đã giúp đưa Tiến về làm biên tập phim truyền hình. Tiến đầu gấu, hổ báo nhưng khi về dưới trướng của Thùy Linh thì lại ngoan hiền như một con mèo, nền nếp đến mức ngạc nhiên.

Hôm ông Lập dẫn đường, tôi đeo ba lô bản thảo bước theo sau đến gặp Thùy Linh như đã hẹn, thấy cô ả mặt lạnh tanh, vẫn ngồi đọc và viết, không thèm đứng lên mời nước. Hai thằng kiên nhẫn chờ, tưởng Thùy Linh đang dở việc gì đấy, mãi rồi Lập nói, bọn tôi mang kịch bản lên giao đây. Thùy Linh ngẩng lên, nói, thôi, các ông về đi, không làm phim ấy nữa. Lập ớ người ra, sao thế? Thùy Linh dài giọng, sao không bán cho chỗ khác, họ trả cao hơn mà? Thế là rõ, hóa ra cô ả đã biết tỏng việc bọn tôi đi gạ bán kịch bản này. Tôi nhẹ nhàng đỡ lời, thì anh em cũng đi thăm dò, xem nó như thế nào thế thôi, chứ có bán đi đâu, mà bọn tôi cũng đã họp hành rút kinh nghiệm chán ra rồi đấy. Thùy Linh dài giọng tiếp, đúng là mấy ông chưa già mà đã tối mắt lại thành ra tham lam, hám tiền. Nó mà trả thêm cho tí nữa thì "con này" chỉ còn nước hít khói thôi, nhỉ?

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong.

Xả ra được thế xong thì Thùy Linh lại như xưa, dịu dàng, tốt bụng, tận tình. Thực ra, khi chúng tôi đang viết thì Thùy Linh đã hưởng ứng, rồi đề nghị với lãnh đạo duyệt ứng kinh phí mua kịch bản với giá cao hơn nhuận bút thông thường rồi. Sau này, tôi bảo Lập, đúng là nếu được trả giá cao hơn tí nữa thì hẳn ta đã bán, dễ dàng phản bội người đẹp lắm, chứ có khó gì đâu nhỉ?

Phim "Gió qua miền tối sáng" cũng dài tập nhưng có tài trợ và giúp đỡ kỹ thuật của nước ngoài. Còn phim "Cảnh sát hình sự" thì nhiều tập hơn, lại do ta làm hoàn toàn, nên được báo chí săn đón ngay từ khi đang quay. Phim chưa phát sóng, đã có nhiều bài viết, đồn thổi là hay, là đặc biệt lắm. Hôm phát tập đầu tiên, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm còn lên ti vi thưa đồng bào đồng chí giới thiệu về bộ phim.

Sự đời là cứ khen trước, nói trước nhiều thì về sau hay bị chê, bị chửi lắm. Bắt đầu lẻ tẻ có các ý kiến phản ánh phim "Cảnh sát hình sự" làm lệch lạc hình ảnh người chiến sĩ Công an, như là chiến sĩ Cảnh sát hình sự gì mà lại nói tục, hỏi cung thì quát nạt bị can, đi đứng, chào đáp thì không đúng điều lệnh nội vụ...

Viết xong, giao kịch bản rồi, là thôi, bọn tôi không có can dự vào công đoạn quay phim, dựng phim. Thậm chí, làm việc nhóm, ngấm vào đầu cả cốt chuyện dài nên chả còn nhớ cụ thể mình viết tập nào mà tập nào cũng như mình viết. Khi phát sóng, thấy trên générique còn có tên một vị Thiếu tướng Công an làm cố vấn nghiệp vụ. Nhưng bọn tôi cũng khá chú ý đến dư luận.

Về ý kiến phản ánh, bảo Công an nói tục, chào đáp không đúng điều lệnh, thì nghe nói có một lãnh đạo ngành Công an hỏi người phản ứng là các anh có bao giờ nói tục, chửi bậy không? Có bao giờ nổi nóng, quát nạt, thậm chí đánh nhau không? Có chứ gì! Thế thì phim là phản ánh chân thực đời sống, phản ánh con người, thì nó phải thế chứ. Còn chào đáp theo đúng điều lệnh hả? May ra ở đội nghi thức thì mới chuẩn được, chứ cứ về mà nhìn lại xem quân trong đơn vị của các anh chào xem, có chuẩn không hay cù rà cù rù như gà rù ấy? Vậy là được giải tỏa!

Thế nhưng mọi chuyện chưa đi đến đỉnh điểm…

(Còn nữa)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/tham-van-ban-thuyen-suyt-hong-viec-i688610/