Tham vọng bán dẫn của TQ: Trở ngại không chỉ từ Mỹ

Trung Quốc có tham vọng dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn, tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang hết sức tệ.

Từ năm 2019, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tiếp đưa ra những quy định trừng phạt nhắm vào ngành công nghệ Trung Quốc.

Không chỉ khiến công ty viễn thông hàng đầu nước này là Huawei khốn đốn, những chính sách của Mỹ còn có thể khiến ngành bán dẫn Trung Quốc lao đao. Đơn cử như việc yêu cầu các nhà cung ứng Mỹ phải xin giấy phép trước khi giao dịch với Công ty Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC).

Nguyên nhân là Chính phủ Mỹ tuyên bố nhà sản xuất chip có thể sử dụng công nghệ của họ để giúp Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng vũ trang, dù SMIC phủ nhận các mối quan hệ với quân đội Trung Quốc.

SMIC thừa nhận rằng những hạn chế sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động ngắn hạn của họ, nhưng các mục tiêu dài hạn lại là một câu chuyện khác.

Công ty gia công chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC gặp khó trước các quy định của Mỹ. Ảnh: Nikkei.

Công ty gia công chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC gặp khó trước các quy định của Mỹ. Ảnh: Nikkei.

Đòn Mỹ giáng vào ngành bán dẫn Trung Quốc chỉ là một trong những lý do khiến bức tranh phát triển ngành công nghiệp này của Trung Quốc trở nên u ám. Lý do khác xuất phát từ chính nội tại của ngành này.

Theo số liệu công khai thì năm 2020 có đến hơn 50.000 công ty Trung Quốc đăng ký hoạt động bán dẫn – gấp 4 lần con số 5 năm trước đó cộng lại.

Tham vọng xây dựng nên đơn vị bán dẫn hùng mạnh dẫn đến tình trạng đầu tư hàng loạt dự án yếu kém. Nhiều dự án đã phá sản sau vài năm sử dụng hàng tỉ USD.

Tình trạng trên đã đánh động Ủy ban Cải cách - Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC). Cơ quan này vào tháng 10/2020 từng chỉ trích một số doanh nghiệp thiếu kiến thức về phát triển mạch tích hợp (chip) mà vẫn dấn thân làm dự án.

NDRC đang hợp tác cùng các cơ quan chức năng khác áp dụng quy định quản lý dự án phát triển và sản xuất chip nghiêm ngặt hơn, trong lúc nỗ lực thúc đẩy ngành bán dẫn vẫn tiếp tục. Đây là vấn đề sống còn: căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung chắc chắn còn kéo dài, việc hạn chế tiếp cận chip và phụ kiện mà Mỹ áp đặt với nhà sản xuất Trung Quốc đã và sẽ đem lại thiệt hại nặng nề.

Một nhà đầu tư kỳ cựu làm việc tại miền đông nam Trung Quốc cho biết: “Ngành bán dẫn vô cùng phức tạp với nhiều bên liên quan. Rất khó để quy trách nhiệm và xử lý khi dự án xảy ra sai sót. Ngoài ra nếu phát hiện gian lận thì giới chức địa phương sẽ dẹp bỏ lòng tự ái để xin lỗi, học tập từ thất bại rồi im hơi lặng tiếng”.

Tai tiếng lớn nhất tính đến nay liên quan đến Công ty sản xuất bán dẫn Hoằng Tâm (HSMC) – đơn vị có dự án nhận hỗ trợ khổng lồ từ chính quyền quận Đông Tây Hồ thuộc thành phố Vũ Hán.

Ngày 30/7/2020, giới chức địa phương thông báo dự án của HSMC không thể tiếp tục vì bất đồng về việc cấp vốn. Chính quyền Đông Tây Hồ tiếp quản dự án nhưng chẳng hề có kế hoạch rõ ràng nào.

Tiến hành điều tra dự án, trang tin 36Kr phát hiện nhiều điều sai trái HSMC thực hiện suốt 3 năm qua.

Tính toán thu chi của HSMC trong 3 năm, 36Kr ước tính công ty vẫn còn 12,4 tỷ Nhân dân tệ. Nhưng khi chính quyền Đông Tây Hồ tiếp nhận dự án thì công ty chỉ còn đứng tên vỏn vẹn hơn 10 triệu Nhân dân tệ.

Câu hỏi tiền đã đi đâu vẫn còn chìm trong bí ẩn, 36Kr chỉ phát hiện HSMC có mối quan hệ tài chính phức tạo với nhiều thực thể liên quan đến ban lãnh đạo.

Hồi tháng 11/2020, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) Trung Quốc Vương Chí Quân đã bày tỏ lo ngại về tình trạng dư thừa công suất trong các ngành như thép, xi măng, nhôm điện phân và công nghiệp bán dẫn. Ông đề nghị cần phải giám sát chặt chẽ các ngành này.

“Tham gia vào các khoản đầu tư có vấn đề đó, số lượng nhà sản xuất chip Trung Quốc tăng mạnh trong năm qua kéo theo hàng loạt khoản đầu tư thiển cận, thậm chí tệ hơn là các dự án bị bỏ rơi”, Taiwan News dẫn lời Thứ trưởng Trung Quốc phát biểu.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tham-vong-ban-dan-cua-tq-tro-ngai-khong-chi-tu-my-3427586/