Tham vọng không gian của Trung Quốc

Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hôm 1-10, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố không có một lực lượng nào có thể ngăn chặn hoặc làm lung lay Trung Quốc cũng như người dân nước này trong việc đạt được mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu toàn cầu.

Trong đó, sức mạnh không gian là một phần không thể thiếu trong giấc mơ mở rộng quyền lực và ảnh hưởng của ông Tập. Đó cũng là một thành tố quan trọng trong Chiến lược hội nhập dân sự - quân sự của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Theo đó, vào ngày 1-10-2049, khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm lập quốc, sự hiện diện trong không gian cũng như năng lực không gian quân sự sẽ đóng một vai trò quan trọng.

Để đạt được những mục tiêu như xây dựng năng lực không gian phục vụ cho các vụ phóng thành công; thiết lập một trạm vũ trụ vĩnh viễn trong không gian; tạo dựng khả năng thống trị không gian… Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị. Chẳng hạn, ngày 27-10 vừa qua, nước này đã vận chuyển tên lửa Trường Chinh 5 đến cảng Thanh Lan tại huyện Văn Xương (Hải Nam) để chuẩn bị phóng lên không gian vào cuối năm nay. Giới phân tích cho rằng vụ phóng tên lửa Trường Chinh 5 sắp tới nếu thành công sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phóng tàu thăm dò Hằng Nga 5 vào năm 2020 để mang các mẫu vật từ Mặt trăng về Trái đất. Cũng trong năm tới, Trung Quốc dự định sẽ phóng một tàu thăm dò sao Hỏa. Bắc Kinh còn có kế hoạch đưa con người lên Mặt trăng vào năm 2036.

Và để hiện thực hóa các mục tiêu mở rộng sự hiện diện thường trực của con người trên Mặt trăng, phát triển các vệ tinh thu năng lượng Mặt trời từ không gian trong quỹ đạo Trái đất thấp (LEO) vào năm 2025 và trong quỹ đạo địa tĩnh (GEO) vào năm 2030, phóng tàu thăm dò Hằng Nga 7 để khảo sát cực Nam Mặt trăng vào năm 2030 và phóng tàu thăm dò Hằng Nga 8 vào năm 2035... Bắc Kinh đang phát triển tên lửa Trường Chinh 9, dự kiến sẽ được phóng lên không gian vào năm 2030. Theo Li Hong, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Không gian Trung Quốc, tên lửa Trường Chinh 9 sẽ có khả năng mang theo tải trọng 140 tấn lên LEO, một tàu vũ trụ nặng 50 tấn lên quỹ đạo Mặt trăng, hoặc vận chuyển tải trọng 44 tấn lên quỹ đạo sao Hỏa.

Tên lửa Trường Chinh 4C mang theo vệ tinh viễn thám Cao Phân 10 được Trung Quốc phóng vào không gian hôm 5-10. Ảnh: Xinhua

Không những vậy, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thành lập cơ sở sản xuất vệ tinh SBSP trị giá 30 triệu USD hồi đầu năm nay. Tại đây, các công nghệ được thử nghiệm bao gồm phát triển các vệ tinh SBSP trong GEO sử dụng công nghệ lắp ráp tự động và truyền tải điện không dây. Và để thúc đẩy chương trình du hành vũ trụ, Trung Quốc đang đầu tư phát triển tàu vũ trụ vận hành bằng năng lượng hạt nhân, dự kiến sẽ được phóng thử vào năm 2040 nhằm phục vụ cho công tác khai thác các tiểu hành tinh và thám hiểm không gian sâu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang khuyến khích các công ty khởi nghiệp về không gian như OneSpace, LandSpace, Linkspace và iSpace tham gia vào chương trình không gian của nước này.

Trung Quốc đang xem xét phát triển thương mại ngoài hành tinh và thiết lập đặc khu kinh tế trên Mặt trăng vào năm 2050. Đặc khu kinh tế này sẽ phủ một số khu vực không gian gần Trái đất và Mặt trăng. Theo Nhật báo Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, dự án có thể mang lại cho nước này khoảng 10 nghìn tỉ USD. Dự kiến, các công nghệ cơ bản sẽ được hoàn thành vào năm 2030 trong khi công nghệ vận tải quan trọng sẽ ra đời vào năm 2040. Đến năm 2050, Trung Quốc có thể khai trương đặc khu kinh tế trong không gian này.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat, Reddit)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tham-vong-khong-gian-cua-trung-quoc-a114884.html