Tham vọng loại bỏ xe tăng ra khỏi trang bị của quân đội Anh

Chương trình xây dựng quân đội Anh trong ngắn hạn và trung hạn vừa được công bố, Bộ Quốc phòng Anh đã đưa ra ý tưởng loại bỏ dần các đơn vị thiết giáp hạng nặng và tiến tới loại bỏ hoàn toàn xe tăng có trong trang bị.

Theo đánh giá của giới chức quốc phòng Anh biện pháp trên sẽ giúp quân đội Anh tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách để tối ưu hóa cơ cấu, tổ chức quân đội. Tuy nhiên, quan điểm trên đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia quân sự quốc tế.

Loại biên vì thiếu ngân sách

Tờ báo Anh The Times dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Anh đăng tải, quân đội đảo quốc sương mù đang thực hiện chương trình tái cơ cấu quy mô lớn lục quân, trong đó đáng kể nhất là lực lượng thiết giáp hạng nặng. Theo đó, toàn bộ các đơn vị thiết giáp hạng nặng gồm 227 xe tăng Challenger 2 và 388 xe chiến đấu bộ binh Warrior hiện có bị coi là lỗi thời.

Chính vì thế, giới chức quốc phòng Anh đã đưa ra phương án táo bạo là loại bỏ dần các đơn vị thiết giáp hạng nặng để dành nguồn lực cho các hướng phát triển thiết thực hơn như: An ninh mạng, vũ khí không gian và vũ khí công nghệ cao... Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, chương trình này có thể được đệ trình lên Quốc hội Anh vào đầu năm 2021 để đưa vào thực tế trong vài năm tới.

 Quân đội Anh dự kiến sẽ loại biên xe tăng Challenger 2 sau 3 thập niên sử dụng.

Quân đội Anh dự kiến sẽ loại biên xe tăng Challenger 2 sau 3 thập niên sử dụng.

Trong vài năm trở lại đây, vai trò chiến đấu của các dòng thiết giáp hạng nặng đã trở thành chủ đề tranh luận chính không chỉ trong giới chức quốc phòng, mà cả chính giới Anh. Đã có ý kiến cho rằng, Anh với địa thế là một đảo quốc không cần phải duy trì các đơn vị thiết giáp hạng nặng đã hoạt động từ đầu những năm 1990 tới nay. Việc duy trì và nâng cấp chúng rất tốn kém và thiếu hiệu quả. Vấn đề này càng trở nên rõ ràng với gói nâng cấp LEP do liên doanh Rheinmetall BAE Systems Land thực hiện với xe tăng Challenger 2. Chi phí nâng cấp hàng trăm triệu USD cho dòng xe tăng đã gần 30 năm tuổi khiến Bộ Quốc phòng Anh suy nghĩ tới việc loại bỏ chúng. Cũng vì lý do này, gói nâng cấp LEP đã bị hoãn vô thời hạn.

Phương án thay thế các dòng xe thiết giáp hạng nặng đang có trong biên chế quân đội Anh là những đơn vị xe chiến đấu bộ binh Ajax kết hợp với xe bọc thép chở quân hiện đại Ares. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, hỏa lực mạnh 120mm của xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 không thể thay thế ngay chỉ bằng pháo bắn nhanh 40mm và tên lửa chống tăng. Trong khi đó, khả năng bảo vệ và đáp ứng nhiều nhiệm vụ chiến đấu của xe tăng vẫn tốt hơn nhiều so với các dòng xe thiết giáp.

Đánh giá về quyết định loại bỏ xe tăng của quân đội Anh, Tạp chí Defense Talk nhận định, với nguồn tài chính quốc phòng bị hạn chế, trong khi còn có rất nhiều hạng mục quân sự cần triển khai, giới chức quân sự Anh thực tế đã quyết định hy sinh xe tăng để tiết kiệm ngân sách cho các chương trình quốc phòng khác.

Các gói nâng cấp xe tăng Challenger 2 đắt đỏ không được giới chức quốc phòng Anh ủng hộ vì thiếu nguồn ngân sách cần thiết.

Liệu có phải là lựa chọn tối ưu?

Việc Anh quyết định dần từ bỏ xe tăng đang đi ngược lại hoàn toàn xu thế của các quốc gia châu Âu khác là duy trì và nỗ lực hiện đại hóa binh chủng có truyền thống lâu đời này. Tiến trình này càng trở nên rõ ràng từ năm 2015, sau khi Nga giới thiệu dòng xe tăng chiến đấu mới T-14 Armata. Một loạt quốc gia châu Âu đã khởi động các chương trình phát triển xe tăng thế hệ mới và nâng cấp các đơn vị xe tăng hiện có, trong đó điển hình nhất là Pháp và Đức.

Ở trường hợp của quân đội Anh, việc loại bỏ dần các đơn vị xe thiết giáp hạng nặng sẽ giúp quân đội Anh tiết kiệm được một khoản tài chính nhất định, nhưng năng lực chiến đấu của lục quân sẽ bị suy giảm đáng kể. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng vì trong tác chiến hiện đại, vẫn chưa có đơn vị tác chiến nào có đủ hỏa lực, khả năng thực hiện đa nhiệm vụ để thay thế xe tăng. Chính vì lý do này, xe tăng vẫn tồn tại dù vai trò của nó trên chiến trường không còn quá quan trọng như trong quá khứ. Tuy nhiên, việc xem xét loại bỏ phương tiện chiến đấu hạng nặng này một cách vội vàng như quân đội Anh không phải là giải pháp tối ưu về tổng thể.

Thay thế vai trò của xe tăng Challenger 2 là các đơn vị xe chiến đấu bộ binh Ajax.

So sánh giữa xe tăng Challenger 2 và xe chiến đấu bộ binh Ajax mới, dù thua kém về khả năng cơ động, nhưng trong các tình huống chiến đấu cụ thể, một chiếc xe tăng vẫn cung cấp hỏa lực hỗ trợ tốt hơn nhiều so với các dòng phương tiện chiến đấu hạng nhẹ. Trong tác chiến bất đối xứng hiện đại, vai trò của xe tăng đã dần giảm bớt, nhưng không thể xem thường bộ máy cơ khí hàng chục tấn với hỏa lực có thể thổi bay bất kỳ cản trở đường tiến quân của nó.

Ở khía cạnh khác, trong khi xe tăng đã là loại vũ khí khẳng định được vai trò trên chiến trường, thì sự kết hợp giữa các đơn vị thiết giáp hạng nhẹ trong đội hình chiến đấu hỗn hợp vẫn là các mô hình cần thêm nhiều thử nghiệm và hoàn thiện. Liệu có nên bỏ một phương án tác chiến hiệu quả lấy một mô hình tác chiến mới ẩn chứa nhiều mối nguy cơ. Cùng với đó, việc tái trang bị các loại phương tiện chiến đấu mới này cũng tiêu tốn một khoản ngân sách không nhỏ.

Như vậy, trong ngắn hạn, việc loại bỏ dần xe tăng không giúp Bộ Quốc phòng Anh dư dả nguồn lực hơn, mà còn làm khả năng chiến đấu giảm sút do thiếu các đơn vị thiết giáp hạng nặng hỗ trợ.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/tham-vong-loai-bo-xe-tang-ra-khoi-trang-bi-cua-quan-doi-anh-635219