Tham vọng một thành phố miễn nhiễm

Tại một trong số những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thiên nhiên, một thành phố mới đang được thiết kế đặc biệt để chống chịu với các thảm họa - và nó được xây dựng ngay trên đống hoang tàn sau một thảm họa thiên nhiên mới xảy ra.

Mô hình thành phố “miễn nhiễm” New Clark. (Nguồn: BCDA).

Thành phố không ô nhiễm

Chính quyền Philippines đã bắt đầu xây dựng một “thành phố dự phòng” -nơi mà các văn phòng chính phủ có thể duy trì hoạt động trong trường hợp thủ đô Manila tê liệt vì thảm họa tự nhiên, như một trận động đất.

Dự án xây dựng thành phố trên, ở vị trí cách thủ đô Manila 100 km về phía Bắc, có tên gọi là Thành phố New Clark. Dự kiến sẽ có diện tích khoảng 9.450 hecta, thành phố này sẽ lớn hơn cả thành phố Manhattan của Mỹ và có thể đạt sức chứa tới 1,2 triệu người dân sau khi được hoàn thiện.

Ngoài khả năng chống chịu được các cơn lốc xoáy, lũ lụt và động đất - những thảm họa thường xuyên xảy ra ở một quốc gia nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương như Philippines - thì New Clark còn được thiết kế để trở thành một thành phố không tồn tại tình trạng ô nhiễm.

Nhưng làm thế nào Chính phủ Philippines có thể xây dựng một thành phố đầy tham vọng như vậy?

Ông Vivencio Dizon- Giám đốc Cơ quan Phát triển và Chuyển đổi cơ sở (BCDA) thuộc Chính phủ Philippines, bên đang quản lý dự án trên, cho hay một trong những yếu tố chủ chốt để giúp thành phố không bị ô nhiễm là giảm khói bụi từ các hoạt động giao thông.

Nhiều khu vực lớn của New Clark sẽ là tuyến đường chỉ được phép đi bộ, và một tuyến đường đi bộ dọc bờ sông sẽ được xây dựng hướng thẳng tới thành phố này. BCDA cũng lên kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông hiệu quả, sao cho nhu cầu về di chuyển bằng xe hơi giảm.

“Khi xây dựng thành phố này, chúng tôi xây dựng nó vì người dân, chứ không phải cho xe hơi. Đó là sự khác biệt lớn”- ông Dizon cho hay.

Vị quan chức cho hay các cơ sở công của toàn thành phố sẽ sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, như năng lượng mặt trời, khí tự nhiên hóa lỏng cùng nguồn năng lượng được cung cấp từ các cơ sở chuyển hóa rác thải thành năng lượng. Các tòa nhà sẽ được thiết kế sao cho tiêu thụ ít năng lượng. Các nhà hoạch định cũng lên kế hoạch bảo tồn các cảnh đẹp tự nhiên của khu vực xây dựng, bảo vệ con sông chảy qua đó và tránh đốn hạ cây cối.

Họ cũng đưa ra một hướng tiếp cận rất khác biệt khi sử dụng một thứ vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương có tên gọi là “Lahar”, thứ mà ông Dizon nói rằng sẽ hình thành nên mạng lưới cơ sở hạ tầng của toàn thành phố, giúp cho nó bền vững hơn rất nhiều so với xây dựng bằng vật liệu thông thường.

Được biết, “Lahar” là cụm từ được sử dụng để chỉ lượng bùn tụ đọng ở một vùng thung lũng sau khi tuôn trào ra từ miệng núi lửa. Nó có chứa đá, các mảnh vụn và tro bụi. Và Lahar ở dạng rắn được tìm thấy ở rất nhiều khu vực xung quanh ngọn núi lửa Pinatubo, cách khu vực xây dựng thành phố New Clark chỉ khoảng 40 km.

Ông Dizon cho hay Lahar sẽ được trộn cùng với bê-tông để làm vật liệu xây dựng toàn thành phố New Clark.

Kiến trúc sư người Hà Lan, Matthijs Bouw, người nhận được lời đề nghị xem xét phiên bản thiết kế đầu tiên của Dự án New Clark, cho hay việc sản xuất ra bê-tông số lượng lớn có thể tiêu tốn rất nhiều năng lượng và nước, chính điều này sẽ là yếu tố gây ô nhiễm cho bầu khí quyển. Trong khi đó, sử dụng Lahar thay thế một phần cho bê-tông sẽ giúp giảm bớt ô nhiễm.

Tuy nhiên, ông Bouw cho hay Dự án thành phố xanh New Clark sẽ còn phải mất một khoảng thời gian dài sau khi xây dựng xong mới có thể tạo nên sự khác biệt và trở thành thành phố ít ô nhiễm nhất trong khu vực châu Á.

Chống chịu thảm họa

Điểm cốt yếu giúp cho New Clark có sức chống chịu các thảm họa thiên nhiên chính là địa điểm của nó. Nó được xây dựng ở vị trí cao hơn nhiều so với thủ đô Manila, khiến nó bớt chịu ảnh hưởng bởi lụt lội hơn. Thành phố này cũng sẽ được lắp đặt nhiều hệ thống hút nước cùng một khu vực quang đãng để làm nơi rút nước.

New Clark cũng nằm ở vị trí được bao quanh bởi một dãy núi, giúp nó được bảo vệ khỏi các trận gió mạnh bắt nguồn từ các cơn bão biển.

Trong khi thủ đô Manila đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các trận động đất do nằm trên một địa tầng thường xuyên di chuyển, thì thành phố New Clark lại nằm trên địa tầng rất ổn định.

Tuy nhiên, ông Kelvin Rodolfo, Giáo sư chuyên ngành Khoa học Môi trường và Trái Đất thuộc ĐH Illinois, Mỹ, nhận định rằng: “Toàn bộ lãnh thổ của Philippines đều chịu rủi ro về các trận động đất. Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ những khu vực nằm trên địa tầng không ổn định mới chịu rủi ro, nhưng không phải vậy”.

Và thực tế là thành phố New Clark nằm rất sát ngọn núi lửa Pinatubo cũng là một mối quan ngại. Ngọn núi này từng có đợt phun trào thảm họa trong năm 1991, đợt phun trào núi lửa lớn thứ hai thế giới trong thế kỷ 20, nhưng giới chuyên gia nói rằng đợt phun trào tiếp theo sẽ phải mất vài trăm năm nữa mới xảy ra.

Cái tên New Clark của thành phố này bắt nguồn từ vị trí của nó do nằm bên trong Đặc khu kinh tế và cảng tự do Clark của Philipines.

Chỉ riêng giai đoạn đầu tiên - trong tổng số 5 giai đoạn - của Dự án New Clark cũng đã tiêu tốn của Chính phủ Philippines cùng các nhà đầu tư tư nhân tới 2 tỷ USD. Quá trình xây dựng đã được bắt đầu, với một khu phức hợp thể thao, các tòa nhà chính phủ và khu vực nhà ở dành cho nhân viên chính phủ...

Giai đoạn đầu trong Dự án xây dựng New Clark dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2022, nhưng sẽ mất ít nhất 30 năm để hoàn thành toàn bộ Dự án.

Theo ông Dizon, Dự án New Clark thực sự là một dự án đồ sộ, nhưng ông tin rằng tham vọng về một thành phố thân thiện với môi trường và có sức chống chịu mọi thảm họa tự nhiên là có thể đạt được.

“Đó là kiểu thái độ mà người Philippines chúng tôi muốn tránh”- ông Dizon nói và cho rằng: “Không có tham vọng nào là quá lớn cả”.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/tham-vong-mot-thanh-pho-mien-nhiem-tintuc411349