Tham vọng phát triển 'kho tên lửa' hành trình trên không của Mỹ

Không quân Mỹ đang theo đuổi chương trình phát triển nền tảng máy bay có khả năng mang và phóng số lượng lớn tên lửa hành trình trên không hơn bất kỳ máy bay ném bom nào hiện có. Tham vọng này đang được hiện thực hóa với chương trình phát triển và chuyển đổi máy bay vận tải chiến thuật thành phương tiện mang tên lửa hành trình cỡ lớn với tên gọi ALCM.

Vũ khí cung cấp khả năng tấn công chính xác cao ngoài ô phòng không

Theo trang tin quân sự Flight Global, chương trình ALCM đang được thực hiện dựa trên các mẫu máy bay vận tải quân sự sẵn có của không quân Mỹ để phát triển bệ phóng tên lửa hành trình trên không. Ý tưởng này được giới chức quân sự Mỹ cho là phương án tấn công hiệu quả cao nhằm vào các quốc gia có hệ thống phòng không mạnh, nhiều lớp.

Với khả năng phóng số lượng lớn tên lửa hành trình cùng lúc, không quân Mỹ có thể giảm nguy cơ tổn thất về nhân mạng và phương tiện chiến đấu, khi không phải bay vào khu vực hoạt động của hệ thống phòng không đối phương. Các mục tiêu sẽ được chỉ thị và tấn công bằng tên lửa hành trình hoặc thiết bị bay không người lái với độ chính xác rất cao. Cùng với đó, việc bất ngờ tấn công mục tiêu bằng số lượng lớn tên lửa hành trình cũng giúp xuyên thủng các lá chắn phòng không ở các điểm yếu nhất của hệ thống.

 Chương trình ALCM đang có tiềm năng với công nghệ tên lửa hành trình phóng từ trên không hiện tại.

Chương trình ALCM đang có tiềm năng với công nghệ tên lửa hành trình phóng từ trên không hiện tại.

Đánh giá về chương trình ALCM, giới chức không quân Mỹ cho rằng: “Việc tạo ra một nền tảng chiến đấu có hỏa lực cực mạnh trên không là cần thiết và sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột trong tương lai”.

Hiện tại, không quân Mỹ đang tính toán 2 phương án của chương trình ALCM. Theo đó, một dòng máy bay quân sự hoàn toàn mới được phát triển cho nhiệm vụ tấn công đặc biệt này. Phương án khác là sử dụng nền tảng các máy bay vận tải quân sự Lockheed Martin C-130 hoặc Boeing C-17 hoán cải để thực hiện nhiệm vụ. Phương án thứ 2 được coi là tối ưu khi có thể tận dụng được các nguồn lực sẵn có.

Mới đây, không quân Mỹ từng thử nghiệm dự án CLEAVER với việc sử dụng máy bay C-130 để ném bom thông minh hạng nặng. Dù dự án CLEAVER chỉ phù hợp khi đối phương có hệ thống phòng không yếu kém và không quân Mỹ kiểm soát bầu trời, nhưng nó là một phương án thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ áp dụng cho chương trình ALCM tương lai. Dự án CLEAVER đã chứng minh các dòng máy bay Lockheed Martin C-130 hoặc Boeing C-17 hoàn toàn có khả năng hoán cải để thực hiện nhiệm vụ bệ phóng vũ khí trên không.

Trang tin Flight Global đánh giá, chương trình ALCM có rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, việc triển khai một phương tiện mang nhiều vũ khí tấn công tiếp cận không phận các quốc gia thù địch ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Mặt khác, ALCM sử dụng các khung gầm máy bay vận tải quân sự không được thiết kế cho các nhiệm vụ tấn công chuyên biệt sẽ khiến chương trình mất nhiều thời gian thử nghiệm và hoàn thiện.

Dự án CLEAVER có thể coi là bước thử nghiệm cho chương trình ALCM.

Cạnh tranh vai trò với máy bay ném bom chiến lược?

Sự ra đời của chương trình ALCM đã tạo ra sự cạnh tranh mới đối với các dòng máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider đang được phát triển. Về vai trò, chúng có nhiệm vụ tương đương là các bệ phóng tên lửa trên không. Tuy nhiên, ALCM lại có lợi thế về giá thành phát triển, triển khai và hậu cần. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, giới chức quân sự Mỹ từng đặt ra câu hỏi: Liệu có cần thiết phải duy trì các dòng máy bay ném bom chiến lược đắt đỏ được thiết kế để xuyên thủng lá chắn phòng không của đối phương bằng các phương án rẻ tiền và hiệu quả hơn?

Thực tế, ý tưởng tương tự như ALCM đã được đề xuất vài thập kỷ trước tại Mỹ. Với sự phát triển của công nghệ tên lửa hành trình, từ cuối những năm 1970, nhiều tướng lĩnh không quân Mỹ đã đưa ra vấn đề sử dụng các nền tảng không quân khác rẻ tiền và phổ biến hơn để mang tên lửa tấn công thay vì các máy bay ném bom B-52, B-1 Lancer đắt đỏ và gặp nhiều vấn đề kỹ thuật.

Mỗi máy bay ném bom chiến lược như B-52 có thể mang theo 20 tên lửa trong mỗi phi vụ cất cánh. Tuy nhiên, con số này có thể là 72 tên lửa theo ý tưởng về Máy bay mang tên lửa hành trình (CMCA) sử dụng khung gầm máy bay hành khách Boeing 747 hoán cải. Các bệ phóng tên lửa được đặt trong thân và đạn tên lửa sẽ được thả ra ở khoang đuôi của máy bay. Với khả năng có thể tấn công tới bất kỳ địa điểm nào trên Trái đất, Boeing 747 theo CMCA có chi phí sử dụng và duy trì rẻ hơn rất nhiều so với các máy bay ném bom chiến lược.

Khung gầm máy bay vận tải quân sự hạng trung như C-17 Globemaster III rất có tiềm năng cho chương trình ALCM với một vài hoán cải.

Dù có rất nhiều tiềm năng, nhưng CMCA không bao giờ được ứng dụng thực tế. Quân đội Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các đơn vị máy bay ném bom chiến lược với các đơn vị máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit đắt giá lên tới 2 tỷ USD/máy bay.

Tiếp nối vai trò của CMCA, Không quân Mỹ đang một lần nữa xem xét lại vai trò của các máy bay ném bom chiến lược với chương trình ALCM. Dù quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra, nhưng với nền tảng công nghệ tên lửa hành trình hiện tại, ALCM có khả năng thực hiện nhiệm vụ không hề thua kém các máy bay ném bom chiến lược hiện đại với mức giá thành và chi phí duy trì hiệu quả hơn nhiều lần.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Defense News, Breaking Defense, DefenseTalk…)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/tham-vong-phat-trien-kho-ten-lua-hanh-trinh-tren-khong-cua-my-624797