Tham vọng 'quân sự hóa' không gian': Những va chạm nguy hiểm

Thời gian qua, Mỹ bất ngờ thông báo khả năng thành lập Bộ Chỉ huy tác chiến vũ trụ. Nếu thành hiện thực, lực lượng này sẽ trở thành nhánh quân sự thứ 6 trong lực lượng vũ trang Mỹ.

Giới quan sát nhận định, động thái mới của Mỹ là hệ quả sau những dấu hiệu tăng cường thiết bị quân sự ngoài không gian của một vài cường quốc trong các năm gần đây, khiến cuộc chạy đua quân sự hóa vũ trụ ngày càng mạnh mẽ.

Với những vệ tinh sát thủ, vũ khí laser gây mù, thiết bị phá sóng tinh vi, các cường quốc quân sự thế giới đang lặng lẽ chuẩn bị cuộc chạy đua mới đầy nguy hiểm, tạo nên nguy cơ một cuộc chiến ngoài không gian.

Trong quá khứ, vũ trụ dường như chỉ dành riêng cho Mỹ và Nga khi hai cường quốc này từng đua nhau chế tạo vũ khí không gian để kiềm chế lẫn nhau. Thế nhưng, cục diện đã thay đổi bởi vì ngày càng nhiều quốc gia có thể tiếp cận không gian, đồng thời đưa ra những chiến lược để chinh phục vũ trụ. Mỹ trong những năm gần đây đã lên tiếng cảnh báo về khả năng các vệ tinh của họ - nền móng cho sức mạnh quân sự của Mỹ - bị gây tổn hại.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang nổi lên như "một tay chơi thực thụ" trong lĩnh vực không gian, thậm chí hướng đến quân sự hóa không gian. Không thể phủ nhận rằng không gian đã và đang trở thành nơi để các cường quốc phô diễn sức mạnh.

Những kẻ thù... cũ

Những ngày đầu của thời hoàng kim trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ, cả Liên Xô và Mỹ đều chế tạo những phi thuyền quân sự để tấn công các đối phương trên quỹ đạo.

Đến năm 1975, khi các phi hành gia Liên Xô và Mỹ lần đầu tiên gặp nhau trên quỹ đạo trong Dự án thử nghiệm Apollo-Soyuz, con đường dẫn đến hợp tác thay vì cạnh tranh trên không gian dường như được hé mở.

Thế nhưng, sự thực là, hai kình địch Mỹ - Xô chưa bao giờ dập tắt tham vọng chèn ép đối phương khi âm thầm nghiên cứu và triển khai các dự án không gian bí mật.

Tài liệu vừa được giải mật của Mỹ đã tiết lộ về chương trình Phòng thí nghiệm có người trên quỹ đạo (MOL), khởi động từ tháng 12-1963 cho đến khi "bị xếp xó" vào tháng 6-1969.

Theo đồn đoán, mục tiêu ban đầu của MOL là nghiên cứu vai trò quân sự của các phi hành gia trong không gian, thế nhưng ẩn sau những tuyên bố đầy tính nhân văn của Mỹ lại là âm mưu thực hiện các hoạt động do thám.

MOL được trang bị hệ thống camera cực mạnh có thể đặt toàn bộ lãnh thổ Liên Xô cũng như các địa điểm khác vào tầm quan sát, bên cạnh chiến lược mang theo các tên lửa đánh chặn, kiểm tra tình trạng các vệ tinh, "quăng lưới" tóm các phi thuyền địch.

Các cường quốc quân sự thế giới đang lặng lẽ chuẩn bị cuộc chạy đua mới đầy nguy hiểm, tạo nên nguy cơ một cuộc chiến ngoài không gian.

Liên Xô cũng tỏ ra không kém cạnh khi liên tục đẩy mạnh công cuộc nghiên cứu tên lửa đánh chặn trong thập niên 1970, bất chấp thực tế Xô - Mỹ đã ký vào thỏa ước chống tên lửa đạn đạo năm 1972, hay hai bên đã "bắt tay" trên quỹ đạo trong dự án thử nghiệm Apollo-Soyuz vào tháng 7-1975.

Năm 1986, Điện Kremlin quyết định chạy đua với Mỹ thông qua dự án Polyus-Skif - một dạng vũ khí hủy diệt được mệnh danh là "ngôi sao tử thần", với mục tiêu là các căn cứ chiến đấu của Mỹ mà Liên Xô cho rằng sẽ sớm được phóng lên quỹ đạo.

Tuy vậy, sự cố thiết kế và lỗi phần mềm đã khiến tên lửa thuộc dự án Polyus-Skif không hoàn thành nhiệm vụ đưa Polyus vào không gian, dẫn đến "cái chết tức tưởi" của dự án, đánh dấu chấm hết cho chương trình vũ khí không gian của Liên Xô lúc bấy giờ.

Tay chơi mới... đáng gờm

Dù thất bại nhưng sự cạnh tranh trong không gian chưa bao giờ dừng lại. Năm 2006, Tổng thống George Bush ký sắc lệnh cho phép Mỹ triển khai vũ khí trên vũ trụ bất chấp các hiệp ước ngăn cấm điều này.

Washington thể hiện rõ tham vọng về hệ thống phòng thủ tên lửa trên vũ trụ để có thể phá hủy các vệ tinh, trong khi phát triển các loại vũ khí có thể bắn hạ vệ tinh.

Nhằm đáp trả, Moscow chế tạo các vệ tinh tấn công có khả năng hoạt động và tiếp cận mục tiêu trong không gian. Sự kiện đáng lưu ý là vệ tinh Luch của Nga đã tự di chuyển vào vị trí giữa hai vệ tinh của tổ chức Vệ tinh viễn thông quốc tế (INTELSAT) trong quỹ đạo địa tĩnh, tiến lại gần một vệ tinh INTELSAT trong khoảng cách 10km trong vòng vài tháng trước khi lại di chuyển ra xa vào năm 2015.

Ngoài ra, Tổng thống Vladimir Putin đã mở rộng tham vọng đến vũ trụ sau khi phóng vệ tinh quân sự, nằm trong "lực lượng vũ trụ" của Nga.

Nga cũng đưa ra chương trình chế tạo hệ thống vũ khí tên lửa phòng không tổ hợp nhiều mục tiêu, theo đó hợp nhất hóa hoạt động phòng không và phòng không vũ trụ, hợp nhất tất cả các lực lượng, các phương tiện của lực lượng phòng không, không quân, tên lửa vũ trụ dưới sự chỉ huy của lực lượng phòng không.

Sau cùng, Moscow cảnh báo sẵn sàng triển khai các biện pháp đáp trả cần thiết nếu bất kỳ quốc gia nào đưa vũ khí lên vũ trụ. Mặc dù không đề cập đến quốc gia cụ thể nào, nhưng cảnh báo của Nga nhằm ám chỉ kế hoạch đưa vũ khí lên không gian của Mỹ.

Khi mà Mỹ và Liên Xô (cũ), nay là Nga, đang loay hoay tìm cách "đấu" nhau trong không gian thì cũng là lúc nhiều "tay chơi" mới xuất hiện, với cái tên tiêu biểu chính là Trung Quốc. Quốc gia châu Á này đã thể hiện khả năng đưa các vệ tinh nhỏ, quỹ đạo thấp, có khả năng tác động tới một vệ tinh khác.

Việc Bắc Kinh thử tên lửa chống vệ tinh vào tháng 1-2007 được coi là động thái nhằm đáp trả kế hoạch đưa vũ khí lên vũ trụ của Mỹ. Năm 2013, Trung Quốc đã phóng 3 vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo, trong đó một vệ tinh có cánh tay robot.

Rõ ràng, Trung Quốc đang nhanh chóng đuổi kịp bước tiến của Mỹ, đồng thời ra sức thể hiện các khả năng tấn công vũ trụ, thách thức chương trình không gian của Mỹ.

Trung Quốc "đang trỗi dậy", với chương trình không gian đang phát triển nhanh chóng, tạo nên "lợi thế phát triển sau" bao gồm việc sử dụng các kỹ thuật tân tiến nhất để tạo nên bước nhảy vọt về công nghệ không gian.

Bắc Kinh đã thực hiện thành công vụ phóng "vệ tinh diệt vệ tinh", khiến Australia, Canada, Nhật Bản và Anh đồng thanh lên án quyết liệt, cho rằng động thái này không phù hợp với tinh thần hợp tác mà các bên từng mong đợi trong kỷ nguyên không gian vũ trụ vì dân sinh.

Riêng với Mỹ, Washington lặng lẽ phóng lên quỹ đạo Trái Đất X-37B - một con tàu vũ trụ không người lái - thực hiện một nhiệm vụ thuộc hàng "bí mật quốc gia" là vô hiệu hóa vũ khí diệt vệ tinh của Trung Quốc, chính thức hâm nóng lại một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.

Cạnh tranh thầm lặng

Theo giới quan sát, Nga và Trung Quốc đang nhanh chóng đuổi kịp bước tiến của Mỹ, dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ. Điều này khiến Mỹ phải tăng cường hành động trước "những biểu hiện lạ" từ phía Trung Quốc và Nga.

Mỹ và Nga là những kẻ thù cũ trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ, đều có những chiến lược quân sự để tấn công đối phương trên quỹ đạo.

Trong một diễn biến mới nhất, Washington đang xúc tiến thành lập Bộ Chỉ huy tác chiến vũ trụ nhằm đáp lại việc một số cường quốc quân sự trên thế giới đang tiến hành quân sự hóa không gian vũ trụ.

Để tập hợp sức mạnh, Lầu Năm Góc đã được Tổng thống Mỹ "bật đèn xanh" thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ nhằm hỗ trợ các chiến dịch chung trong không gian, bao gồm cả những chiến dịch liên khu vực từ hai hoặc nhiều bộ chỉ huy tác chiến theo vùng địa lý, các hoạt động đa vùng và tác chiến trong không gian vũ trụ.

Từ nhiều năm trước, Mỹ đã dự đoán về khả năng diễn ra một cuộc chiến từ bên ngoài không gian. Tiếp đó, những công nghệ tiên tiến trên nhiều lĩnh vực của các nước đối thủ được đưa vào vũ trụ, làm cho môi trường an ninh ngày càng trở nên phức tạp. Vì thế, Mỹ phải xây dựng lực lượng tác chiến vũ trụ riêng, nhằm nâng cao năng lực đối phó của Mỹ trong vũ trụ.

Ngay sau khi Mỹ công khai thông tin liên quan đến Bộ Chỉ huy tác chiến vũ trụ, Nga tuyên bố có thể tái khởi động dự án máy bay tiêm kích chống vệ tinh, và sẽ tiến hành chế tạo những phương tiện tiêu diệt khác đối với các mục tiêu của đối phương trên vũ trụ.

Moscow cũng chỉ trích thái độ thiếu hợp tác của Washington khi được Moscow và Bắc Kinh đề nghị ký thỏa thuận cấm quân sự hóa không gian vũ trụ.

Có thể nói, tham vọng không gian của Mỹ khiến nhiều quốc gia phải tính toán lại chiến lược quốc phòng. Một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian đang được lặng lẽ tiến hành và tốc độ chạy đua cạnh tranh vũ trang gia tăng nhanh chóng, tạo nên nguy cơ đẩy thế giới bước vào một cuộc chiến tranh kiểu mới.

Theo đánh giá của giới quan sát, quân sự hóa vũ trụ có thể gây ra cuộc chiến ngoài không gian, mang lại hậu quả thảm khốc cho nhân loại. Khi một vệ tinh phát nổ sẽ tạo ra một loạt mảnh vỡ có thể hủy hoại các vệ tinh khác trong dây chuyền phản ứng, đồng thời khiến mảnh vỡ va đập mạnh với Trái Đất, không loại trừ những khu vực dân cư đông đúc.

Chiến tranh vũ trụ cũng là một cách tàn phá kinh tế thế giới khi tương đương với sự tốn kém trong chiến tranh hạt nhân. Vì vậy, cho dù cuộc chạy đua không gian giữa các cường quốc chỉ mới dừng ở giới hạn "phô diễn công nghệ", các bên cần hết sức kiềm chế nhằm tránh "những va chạm nguy hiểm".

Ngoài ra, thế giới nên xây dựng một bộ quy tắc ứng xử quốc tế trong không gian tại các cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí...

Lê Nam

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/19githang__-tham-vong-quan-su-hoa-khong-gian-nhung-va-cham-nguy-hiem-496165/