Tham vọng sở hữu lực lượng không gian của Nhật Bản

Trong bối cảnh môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng, Nhật Bản đã lên kế hoạch ra mắt lực lượng không gian vào năm 2020 để nâng cao khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa mới. Kế hoạch này cũng được xem là nỗ lực của quốc gia Đông Bắc Á để không bị tụt hậu với các cường quốc trên thế giới, như Mỹ, Nga vốn đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc chạy đua nhằm giành ưu thế trong không gian.

Theo hãng tin Kyodo, tại cuộc họp gần đây của 180 sĩ quan cấp cao thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF), Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ của Tokyo ngoài vũ trụ, đồng thời cho rằng Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF)-bộ phận không quân của JSDF có thể được phát triển thành lực lượng phòng vệ trên không và không gian trong tương lai. Đề cập đến kế hoạch ra mắt một đơn vị không gian trong JSDF vào năm 2020, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản khẳng định: “Đó không phải là một giấc mơ xa vời đối với Tokyo”.

Đây không phải lần đầu tiên thông tin về việc Nhật Bản muốn thành lập lực lượng không gian được biết đến. Hồi tháng 8 vừa qua, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đã nhắc đến kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản về việc thành lập đơn vị không gian như một phần của JSDF vào năm tới. Theo đó, lực lượng không gian gồm 70 thành viên sẽ đóng quân tại căn cứ không quân ở thành phố Fuchu, phía tây Tokyo. Các thành viên trong đơn vị mới này sẽ phải trải qua khóa đào tạo phù hợp tại Cơ quan Nghiên cứu hàng không vũ trụ Nhật Bản và trong quân đội Mỹ. Dự kiến sau khi ra mắt, lực lượng không gian sẽ nhận nhiệm vụ loại bỏ tình trạng gây nhiễu sóng radio, theo dõi mảnh vỡ trong không gian và vệ tinh nước ngoài có thể gây ra mối đe dọa cho các vệ tinh giám sát của Nhật Bản.

 Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chứng kiến lễ duyệt binh của JSDF ở căn cứ quân sự Asaka, phía bắc Tokyo, tháng 10-2018. Ảnh: Getty Images.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chứng kiến lễ duyệt binh của JSDF ở căn cứ quân sự Asaka, phía bắc Tokyo, tháng 10-2018. Ảnh: Getty Images.

Trong kế hoạch phòng thủ trung hạn cho giai đoạn 2019-2023 được công bố cuối năm 2018, Nhật Bản đã xác định không gian là một khía cạnh quan trọng trong chiến lược phòng thủ của nước này. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường, Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới vấn đề tăng cường khả năng phòng thủ trong không gian. Tháng 8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu 52,4 tỷ yên (484 triệu USD) trong ngân sách tài khóa 2020 của nước này để tăng cường khả năng ngoài vũ trụ, bao gồm cả việc thành lập đơn vị hoạt động trong không gian. Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản cũng đang phát triển một hệ thống theo dõi không gian trên mặt đất, trong đó có sử dụng ra-đa với độ nhạy cao và kính viễn vọng quang học. Dự kiến, hệ thống này sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2023 nhằm theo dõi những mối đe dọa từ vệ tinh của các quốc gia khác cũng như mảnh vỡ không gian.

Theo Yomiuri Shimbun, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nhiều lần nhắc đến sự cần thiết tăng cường khả năng tác chiến của JSDF và tăng cường vị thế của lực lượng này trong không gian. Ban đầu, Tokyo đã lên kế hoạch thành lập đơn vị không gian vào năm 2022, song sau đó đã quyết định đẩy nhanh việc này. Động thái này của Nhật Bản được cho là nhằm tránh bị tụt hậu trong lĩnh vực không gian so với các nước như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Ngoài ra, việc Tokyo đẩy nhanh kế hoạch thành lập đơn vị hoạt động trong không gian cũng được cho là có liên quan đến việc đồng minh Mỹ quyết định thành lập lực lượng không gian vào năm 2020. Việc Nhật Bản thành lập lực lượng không gian cùng thời điểm với Mỹ vào năm 2020 được coi là tín hiệu thắt chặt hợp tác giữa Tokyo và Washington trong lĩnh vực phòng thủ không gian.

Tại một cuộc họp của Ủy ban Cố vấn chính phủ về việc xem xét các hướng dẫn xây dựng và nâng cao năng lực quốc phòng hồi cuối tháng 8 vừa qua tại Tokyo, Thủ tướng Abe Shinzo nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ không thể bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa nếu chỉ giới hạn trong các lĩnh vực thông thường như trên bộ, trên biển và trên không. Theo ông, việc duy trì lợi thế trong các lĩnh vực an ninh mới như vấn đề an ninh mạng và không gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nhật Bản. Giáo sư của Đại học quan hệ quốc tế quốc gia Moscow (MGIMO) Dmitry Streltsov nhận định: “Nhật Bản là một quốc gia rất thành công trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ. Quốc gia này có sân bay vũ trụ của riêng mình, từ đó, nhiều vệ tinh dân sự được phóng lên. Không ai nghi ngờ về tiềm năng kinh tế, khoa học, quân sự của Tokyo. Việc tạo ra lực lượng không gian phù hợp với chính sách đối ngoại của Chính phủ Nhật Bản”.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tham-vong-so-huu-luc-luong-khong-gian-cua-nhat-ban-591695