Tham vọng thực sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương

'Trung Hoa mộng' của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giờ đây đã 'lan' đến Nam Thái Bình Dương, nơi Ngoại trưởng Vương Nghị vừa hoàn thành chuyến công du đầy tham vọng kéo dài 8 ngày tới khu vực.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Fiji Ratu Williame Katnivere hôm 30-5. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Fiji Ratu Williame Katnivere hôm 30-5. Ảnh: AP

Theo tờ ASPI Strategist, nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đã tìm cách hoàn tất thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, ghé thăm Fiji, Kiribati, Samoa, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Ðông Timor cũng như tổ chức cuộc gặp với các bộ trưởng ngoại giao khu vực tại thủ đô Suva (Fiji).

Ông Vương đã đề xuất Trung Quốc và các nước Thái Bình Dương cùng nhau xây dựng kế hoạch “không gian trên biển” để phát triển nền kinh tế biển, trong bối cảnh Bắc Kinh mạnh tay đầu tư vào các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua nguồn vốn tư nhân cũng như của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất các thỏa thuận an ninh mới, gồm cả an ninh mạng, nhằm phản ánh “sáng kiến an ninh toàn cầu” của Chủ tịch Tập.

Ðáng chú ý, ông Vương kiến nghị thành lập các Viện Khổng Tử với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn, giảng viên và tình nguyện viên nói tiếng Hoa trên khắp các hòn đảo. Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa ra “kế hoạch hành động 5 năm”, theo đó, Bắc Kinh sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên tới khu vực, xây dựng các phòng thí nghiệm, huấn luyện nhân viên thực thi pháp luật cũng như tổ chức các diễn đàn cấp cao.

Giới phân tích cho rằng các đề xuất của Trung Quốc đối với các quốc đảo Thái Bình Dương nói trên sẽ mang lại cho Bắc Kinh dấu ấn lớn hơn tại khu vực, thách thức các diễn đàn địa phương vốn hiện đang bảo vệ luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình và an ninh, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại về an ninh của các nước trong khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào khu vực dường như đã mang lại lợi ích chiến lược cho Bắc Kinh. Ðơn cử, hiệp ước an ninh mà Trung Quốc ký với Quần đảo Solomon cho phép tàu thuyền Trung Quốc thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại nơi đây. Trung Quốc cũng có thể triển khai “các lực lượng thích hợp” để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Solomon.

Và chuyến công du của ông Vương đã góp phần giúp Trung Quốc mở toang cánh cửa tiến sâu vào khu vực. Mặc dù không giành được sự đồng thuận từ 10 quốc đảo Thái Bình Dương đối với “tầm nhìn phát triển chung” nhưng một số quốc gia, gồm Samoa, Kiribati và Niue đã nhất trí tăng cường sự hợp tác với Bắc Kinh thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Nhiều thỏa thuận tương tự cũng được Trung Quốc ký kết với các quốc đảo Thái Bình Dương khác để Bắc Kinh có thể xây dựng các cơ sở thương mại, quân sự. Ðổi lại, các nước trong khu vực sẽ nhận được sự hỗ trợ về vật chất từ nước này. Ðây chính xác là những gì Trung Quốc muốn và đã hướng tới trong nhiều thập niên thông qua chương trình viện trợ nước ngoài. Thật vậy, chỉ vài tuần sau khi ký kết hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, Chủ tịch Tập đã công bố kế hoạch thiết lập khung pháp lý nhằm mở rộng vai trò của quân đội ở các nước khác, cho phép lực lượng vũ trang Trung Quốc “bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia”. Quan trọng hơn hết, việc Trung Quốc thúc đẩy quyền lực mềm tại Thái Bình Dương sẽ giúp Bắc Kinh có thêm sự ủng hộ trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tham-vong-thuc-su-cua-trung-quoc-o-nam-thai-binh-duong-a148039.html