Tham vọng tự động hóa ở Trung Quốc

Sự chuyển hướng sang tự động hóa đóng vai trò then chốt trong ngành nông nghiệp Trung Quốc, quốc gia đang chứng kiến lực lượng lao động tại nông thôn ngày càng già trong khi có rất ít người trẻ tuổi muốn làm nông.

Robot phục vụ trong khách sạn Flyzoo.

Bên trong khách sạn tương lai FlyZoo của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holding (Trung Quốc), những robot cao khoảng một mét có nhiệm vụ giao đồ ăn và khăn mới cho khách. Chúng là một phần của hàng loạt công cụ công nghệ cao được trang bị cho FlyZoo với hy vọng giúp giảm chi phí lao động và cho phép khách không cần tương tác với nhân viên phục vụ.

Khách sạn như tàu vũ trụ

Chính thức mở cửa tại thành phố Hàng Châu vào cuối năm ngoái, khách sạn FlyZoo có 290 phòng và là nơi ấp ủ những công nghệ mà Alibaba muốn bán cho ngành công nghiệp khách sạn. Đây cũng là cơ hội để đại gia thương mại điện tử này khoe năng lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như là cuộc thử nghiệm về mức độ đón nhận của người tiêu dùng đối với trào lưu công nghệ cao.

Ông Andy Wang, người phụ trách bộ phận quản lý dự án khách sạn tương lai của Alibaba, nhận định: “Yếu tố quan trọng ở đây là hiệu quả và tính nhất quán của dịch vụ vì robot không bị ảnh hưởng bởi tâm trạng con người. Chúng ta thỉnh thoảng có thể không vui nhưng hệ thống và robot không bao giờ như thế”.

Khung cảnh bên trong khách sạn FlyZoo mang lại cho khách cảm giác như đang ở bên trong một tàu vũ trụ của phim khoa học viễn tưởng. Khách lưu trú làm thủ tục nhận phòng ở các bục có chức năng quét khuôn mặt, hộ chiếu hoặc các loại giấy tờ tùy thân.

Khách có giấy tùy thân Trung Quốc có thể dùng điện thoại thông minh quét khuôn mặt để làm thủ tục nhận phòng trước khi đến khách sạn. Thang máy được trang bị hệ thống nhận biết khuôn mặt để xác định khách hàng lên tầng nào. Cửa phòng sau đó được mở bằng một lần quét khuôn mặt khác.

“Quá trình này diễn ra rất nhanh và an toàn. Tôi có thể vào phòng mình trong chưa đầy một phút”, cô Tracy Li, một khách hàng chia sẻ, cũng như cho biết thêm sự an toàn là một trong những sự ưu tiên hàng đầu của mình và cô thấy hài lòng khi công nghệ quét khuôn mặt được sử dụng cho việc ra vào căn phòng. Bên trong phòng, loa thông minh Tmall Genie cho phép sử dụng khẩu lệnh để điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng, đóng mở rèm cửa, mở tivi hoặc đặt dịch vụ phòng.

Nơi làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn FlyZoo.

Tại nhà hàng của khách sạn, robot có nhiệm vụ mang thức ăn đến cho khách gọi món thông qua ứng dụng FlyZoo. Quầy bar của nhà hàng được trang bị một cánh tay robot có khả năng pha chế 20 loại cocktail khác nhau. Camera trang bị công nghệ nhận biết khuôn mặt sẽ tự động tính tiền đồ ăn thức uống vào tiền phòng.

Để trả phòng, khách trọ nhấn một nút trên ứng dụng. Sau đó, phòng sẽ tự động khóa lại và khách sạn tính phí qua ví điện tử Alipay của Alibaba. Ông Wang cho biết sau khi quá trình này hoàn tất, dữ liệu quét khuôn mặt của khách hàng sẽ lập tức được xóa khỏi hệ thống công ty.

Cơ sở kinh doanh này thực ra vẫn có sử dụng nhân viên con người nhưng Alibaba từ chối tiết lộ con số cụ thể. Đội ngũ này gồm đầu bếp, nhân viên lau dọn cũng như nhân viên tiếp tân sẵn sàng phục vụ những vị khách không muốn quét khuôn mặt mà chỉ muốn sử dụng chìa khóa điện tử.

Ngoài khách sạn tương lai, Alibaba còn triển khai nhiều dự án có mức độ tự động hóa cao khác, như cửa hàng bán sách và tạp hóa. Chuỗi cửa hàng tạp hóa Hema của họ đang ăn nên làm ra và hiện có 100 cửa hàng khắp nước.

Với những dự án như thế, Alibaba có hai mục đích lớn là phát triển AI và các chuyên môn công nghệ cao khác để giúp thúc đẩy sản phẩm thương mại điện tử cũng như phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới trong bối cảnh tăng trưởng của mảng thương mại điện tử đang chậm lại, một phần do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Con đường hướng đến tương lai

Không chỉ khách sạn, tự động hóa còn được kỳ vọng là tương lai của ngành nông nghiệp Trung Quốc, thể hiện rõ qua cuộc thử nghiệm cỗ máy gặt đập liên hợp không người điều khiển trên một cánh đồng ở tỉnh Giang Tô vào mùa thu năm 2018.

Bắc Kinh đang thúc đẩy các công ty nội địa trong vòng bảy năm tới phát triển những cỗ máy có thể hoàn toàn tự động gieo trồng, bón phân và thu hoạch ba loại cây trồng chủ lực - lúa, lúa mì, bắp. Bắc Kinh cũng đưa cỗ máy nông nghiệp vào chiến lược “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”), đồng nghĩa phần lớn thiết bị nông nghiệp của nước này sẽ được sản xuất nội địa vào cột mốc thời gian này.

Sự chuyển hướng sang tự động hóa đóng vai trò then chốt trong ngành nông nghiệp Trung Quốc, quốc gia đang chứng kiến lực lượng lao động tại nông thôn ngày càng già trong khi có rất ít người trẻ tuổi muốn làm nông. Những quốc gia như Úc và Mỹ cũng đang có những bước đi tương tự để giải quyết những áp lực tương tự về nhân khẩu học.

Tuy nhiên, với Trung Quốc, quy mô lớn của ngành nông nghiệp càng thúc đẩy nhu cầu tự động hóa. “Tự động hóa nông nghiệp là con đường hướng đến tương lai và nhu cầu tại đây rất lớn”, ông Cheng Yue, Tổng giám đốc hãng sản xuất máy kéo Changzhou Dongfeng CVT, nhận định. Đây là công ty đã cung cấp những phương tiện tự động dùng trong cuộc thử nghiệm nói trên.

Nhằm đạt được mục tiêu tham vọng nói trên, Bắc Kinh đang hỗ trợ các cuộc thử nghiệm công nghệ khắp nước do Liên minh ứng dụng công nghiệp Telematics (TIAA) tiến hành. Trong số các thành viên của TIAA có công ty sản xuất máy kéo quốc doanh YTO, nhà sản xuất thiết bị định hướng Hwa Create và công ty Zoomlion Heavy Industry Science & Technology. YTO đã phát triển máy kéo không người lái đầu tiên vào năm 2017 và đặt mục tiêu sớm đưa thiết bị vào sản xuất hàng loạt, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, ông Lei Jun, một nhà quản lý tại trung tâm công nghệ của công ty, từ chối nêu mốc thời gian cụ thể. Trong khi đó, công ty Lovol Heavy Industry hồi tháng 4-2018 ký thỏa thuận với hãng Baidu để ứng dụng hệ thống lái tự động Apollo vào cỗ máy nông nghiệp của mình.

“Trung Quốc được dự báo sẽ phát triển rất nhanh về công nghệ tự động, chủ yếu vì các công ty trong nước có thể tiếp cận hệ thống vệ tinh dẫn đường “cây nhà lá vườn”, giúp họ có lợi thế trước các đối thủ quốc tế”, ông Alexious Lee, chuyên gia tại công ty môi giới CLSA (Hồng Kông), nhận định. Ông Lee muốn nhắc tới hệ thống Bắc Đẩu do Trung Quốc phát triển - đối thủ của Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ.

Giới phân tích nhận định vẫn còn quá sớm để biết được giá trị thị trường máy nông nghiệp tự động. Loại thiết bị này còn giúp ích trong việc thu thập dữ liệu chi tiết, như lượng phân bón hoặc những chất khác được sử dụng trong quá trình canh tác. Điều này mở ra tiềm năng giúp nông dân hướng đến nhóm khách hàng ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao hoặc muốn biết chính xác những thông tin như liều lượng phân bón, thuốc trừ sâu được sử dụng đối với loại cây trồng nào đó.

Một cuộc thử nghiệm máy gặt đập liên hợp không người điều khiển trên một cánh đồng ở tỉnh Giang Tô vào mùa thu năm 2018.

Bất chấp những sự tiến bộ về tự động hóa, Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực ứng dụng công nghệ này vào nông nghiệp, như chi phí cao, địa hình phức tạp và nhiều nông trại quy mô nhỏ.

“Tôi có nghe về máy kéo không người lái nhưng nghĩ chúng không thực tế, nhất là những cỗ máy lớn”, ông Li Guoyong, nông dân trồng lúa mì tại tỉnh Hà Bắc, đánh giá.

Cái khó ở đây là nhiều nông trại ở Trung Quốc vẫn quá nhỏ để sử dụng máy kéo thông thường. Vì thế, việc chuyển sang dùng máy kéo không người lái có giá đắt gấp bốn lần (khoảng 90.000 đô la) có thể là chuyện quá xa vời với nhiều nông dân trong ngắn hạn. Dù vậy, xu hướng sắp tới là các nông trại sẽ gia tăng diện tích nhờ những cải cách về quyền sử dụng đất đang được triển khai, cho phép nông dân thuê thêm đất. Ngoài ra, các bộ cảm biến trên thiết bị giúp theo dõi tình trạng cây trồng cũng cần được cải thiện để máy móc có thể thích ứng nhanh hơn với các điều kiện khác nhau.

Theo Reuters

H. Minh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/285593/tham-vong-tu-dong-hoa-o-trung-quoc-.html