Tham vọng và thách thức

Từ năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 16, định hướng 'Xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH…'. Với trọng trách ấy, thành phố đã hiện thực hóa khát vọng sánh tầm các đô thị lớn trong khu vực bằng đề án 'Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025',

đặt để rất nhiều mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, hướng đến hình thức quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở các dự báo…

Nguồn lực lớn, quyết tâm lớn

Ứng dụng CNTT và truyền thông (điện toán đám mây, dữ liệu lớn, di động, mạng xã hội...) vào xây dựng đô thị thông minh là xu thế toàn cầu, trong bối cảnh dân số tăng nhanh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường diễn biến khôn lường… Về lý do TP.HCM ra đề án đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: “Chúng ta bức xúc nhiều nhất thì phải làm”.

Theo đó, đề án có 4 “trụ cột” gồm: Xây dựng Trung tâm, nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Trung tâm điều hành chung; thành lập Trung tâm an toàn thông tin; xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở.

Và để tạo nền tảng cho đề án, TP.HCM trước mắt sẽ tập trung xây dựng một khu đô thị sáng tạo tại phía Đông, gồm quận 2, 9 và Thủ Ðức. Ý tưởng này do chính Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng, trên nền tảng về thể chế, lợi thế kinh tế, cơ sở hạ tầng đã có với khu công nghệ cao (quận 9); làng Ðại học Quốc gia hơn 80 nghìn sinh viên, giảng viên (quận Thủ Ðức); khu đô thị mới, trung tâm tài chính Thủ Thiêm (quận 2).

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nói rằng, ba quận phía Ðông sẽ trở thành “thành phố bên trong thành phố”, thành khu đô thị sáng tạo bên cạnh nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh, hướng tới phát triển kinh tế dựa trên mũi nhọn là các ngành kinh tế tri thức, đồng thời trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, thu hút đầu tư...

Cũng cần nói thêm, với một đô thị sáng tạo, thông minh, nguồn lực đầu tiên phải chính là yếu tố hạ tầng. Hiện nay, khu Đông thành phố đang được đầu tư mạnh mẽ, kết nối nhanh chóng với trung tâm thành phố cũng như các tỉnh Ðông Nam Bộ, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới rót vốn đầu tư, nguồn lao động nhập cư liên tục gia tăng…

Chủ tịch Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng (đơn vị tư vấn) cho biết đề án thành phố thông minh của TP.HCM đã tham khảo rất nhiều mô hình của các nước trên thế giới, trong đó có New York, Chicago (Mỹ), Barcelona (Tây Ban Nha) và một số thành phố châu Á, đã xác định lộ trình đầu tư trong các giai đoạn với chi phí hợp lý.

Nhận diện thách thức

TP.HCM nói riêng hay Việt Nam nói chung, thuận lợi lớn để triển khai đô thị thông minh là việc đã có hạ tầng viễn thông tương đối tốt, số lượng doanh nghiệp công nghệ và tỷ lệ người dùng internet tăng nhanh, sự am hiểu công nghệ của người dân ngày càng được cải thiện...

Tuy vậy, theo dự báo đến năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị, tập trung chủ yếu tại hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM (chiếm 30% dân số đô thị). Điều này tiếp tục tạo áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình hạ tầng và không gian sống. Mà theo giới chuyên gia kinh tế, kiến trúc đô thị, hiện TP.HCM đã và đang chưa thể giải bài toán về ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường; hệ thống hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh… còn ở tầm rất thấp so với các đô thị phát triển.

Theo một khảo sát của Thời báo Kinh tế Việt Nam, rằng vấn đề nào cần lựa chọn giải quyết đầu tiên để đảm bảo thực hiện thành công đề án đô thị thông minh của TP.HCM, 58% đề nghị giải quyết tình trạng kẹt xe của giao thông nội đô; 16% đề nghị giải quyết tình trạng ngập nước; 11% đề xuất giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và chỉ 15% ý kiến lo về các dịch vụ tiện ích.

Tại hội thảo về “Tầm nhìn phát triển đô thị TP.HCM”, TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, dù có nhiều thế mạnh để quy hoạch trở thành thành phố thông minh, nhưng ngoài khó khăn về nguồn nhân lực, vốn…, thành phố thiếu một tầm nhìn về quy hoạch đô thị. Thêm nữa, chúng ta lại đang tiến hành quy hoạch đô thị theo ranh giới hành chính, điều này là trái với quy luật phát triển của một đô thị hiện đại.

Hàng loạt các bất cập về quy hoạch phát triển đã được nêu ra: TP.HCM từng là thành phố cảng, nhưng nay đã mất sạch (TS Nguyễn Thị Hậu - Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM); Tư duy kiểu gì mà còn xây dựng cả chục cao ốc ngay đầu cầu Sài Gòn, luôn có hàng chục ngàn người với hàng ngàn ô tô, xe máy đổ ra mỗi sáng (TS Lê Hoài Quốc – GĐ Khu Công nghệ cao TP.HCM)…

Và cũng không thể bỏ qua yếu tố quan trọng nhất: Con người. Một thành phố thông minh không chỉ có máy móc, nó còn phải là thành phố có sự nhân văn, tôn trọng các giá trị nhân phẩm. Theo ThS Nguyễn Quang Trung (Đại học Công nghệ TP.HCM), thành phố ngổn ngang, lộn xộn, thiếu văn minh có nguyên nhân là do sự phát triển văn hóa và con người không theo kịp tốc độ đô thị hóa, tình trạng quá tải, cộng thêm trình độ quản lý đô thị chưa cao.

Không ít người đã nuối tiếc, rằng TP.HCM từng là trung tâm của cả châu Á, nhưng điều đó không còn do tầm nhìn chúng ta chưa đủ bao quát, định hướng sự phát triển của một đô thị lớn.

Những bước đi “mở đường”

Nhưng dù thực tại còn ngổn ngang, UBND TP.HCM và các sở, ngành với khát vọng và quyết tâm rất lớn, đã tổ chức hàng loạt hội thảo, tọa đàm, đẩy mạnh giao lưu, học hỏi, trao đổi; đã liên tục kêu gọi các quốc gia, các tập đoàn kinh tế hỗ trợ, hợp tác, đầu tư cho các dự án trọng tâm năm 2018 của Đề án xây dựng đô thị thông minh. Tại nhiều cuộc gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong luôn nêu cam kết thành phố sẽ đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư.

Và thực tế, TP.HCM đã có những bước đi cụ thể: Sở GTVT đã vận hành Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông tập trung, kết nối với hơn 500 camera nhằm ghi nhận tình hình và tham gia điều khiển giao thông; Công an thành phố cũng đang thí điểm hệ thống giám sát định vị người và phương tiện giao thông, phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm…

Tuy vậy, theo TS Nguyễn Trọng Hòa, TP.HCM không có kinh nghiệm phát triển đô thị nên hạ tầng chắp vá. Để phát triển đô thị đáng sống (hay thông minh như bây giờ), cần phải nâng cấp công tác quy hoạch, quản lý đô thị.

Thêm nữa, dù thành phố đã và đang dồn nhiều nguồn lực, nhận được sự hỗ trợ, đầu tư, thì vốn vẫn là một trong những vấn đề nan giải nhất.
Theo các chuyên gia, vấn đề quy hoạch, đầu tư hệ thống đường giao thông, hệ thống thoát nước để chống ùn tắc, chống ngập, bảo vệ môi trường là vấn đề bức xúc nhất, cần phải tập trung giải quyết. Ngoài ra, TP.HCM không cần (và có lẽ cũng không đủ lực) làm toàn bộ các lĩnh vực, nên chọn một số lĩnh vực có thể tiếp cận tương đối dễ, ít tốn kém chi phí, như quản lý cấp nước, cấp điện… bằng giải pháp hiện đại. Khi người dân sẽ bớt nhọc nhằn hơn, thành phố hoạt động tốt hơn, thì đương nhiên sẽ tự động thông minh hơn.

Đường lên “đô thị thông minh” của TP.HCM sẽ còn rất dài, bởi những yếu kém về nền tảng. Nhưng bước đi của TP.HCM đã cho thấy, với sự cầu thị, quyết tâm, định hướng đúng, vừa học vừa làm, chí ít cũng sẽ có một số lĩnh vực, khu vực “thông minh hơn”, kéo theo sự “thông minh” dần lên của toàn bộ thành phố.

Quan trọng hơn, những bước đi đó sẽ mang lại bài học thực tiễn quý giá cho chính TP.HCM và các đô thị trên cả nước đang muốn hiện thực hóa khát vọng “thông minh”.

Đề án đô thị thông minh của TP.HCM sẽ được thực hiện trong ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017-2020) sẽ triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho đô thị thông minh và xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng, nền tảng dữ liệu mở, kho dữ liệu dùng chung… Giai đoạn 2 (2020-2025) sẽ tập trung triển khai các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực chuyên ngành và một số giải pháp đã được triển khai ở giai đoạn 1 sẽ được mở rộng và cập nhật dữ liệu. Sau 2025, sang Giai đoạn 3, thành phố sẽ đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ mới…

Kiên Giang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/giao-thong-do-thi/tham-vong-va-thach-thuc-43624