Tham vọng vũ khí tầm trung của Nga khiến Mỹ ớn lạnh

Tổng thống Putin ra lệnh phát triển ngay tên lửa hành trình siêu thanh tầm trung ngay khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF.

Tổng thống Putin nói trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hôm 2/2 và ủng hộ việc phát triển tên lửa hành trình tầm trung dựa trên nguyên bản tên lửa hành trình Kalibr.

Ông này nói: "Tôi đồng ý với đề xuất tạo ra một loại tên lửa siêu thanh tầm trung phóng từ mặt đất mới".

Cũng tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã giải thích việc loại tên lửa mới là biện pháp đáp trả nhằm vào Mỹ vì đã đơn phương rút khỏi hiệp ước INF.

Hình ảnh được cho là Nga thử tên lửa SSC-8.

Phát biểu tại cuộc gặp này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc chính Mỹ vi phạm INF trước bằng việc triển khai hệ thống Mk 41 ở châu Âu dưới danh nghĩa là khí tài phòng thủ nhưng trên thực tế nó lại có thể phóng được tên lửa hành trình Tomahawk.

Hiệp ước INF cấm tất cả các loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500km. Mỹ đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước này cho tới khi Nga ngừng thử nghiệm và triển khai tên lửa 9M729. Với tuyên bố của ông Putin, nhiều học giả phương Tây đã cho rằng, thực tế Moscow đã thủ sẵn kịch bản khi Mỹ rời INF và họ đã phát triển dòng tên lửa như vậy.

Loại tên lửa này chính là SSC-8 - cách NATO gọi tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729 được Nga phát triển và thử nghiệm trong nhiều năm qua, dựa trên phiên bản tên lửa 9M728. Điểm đặc biệt là dòng tên lửa này chính là phiên bản mới của Kalibr như ông Putin nhắc đến.

Tên lửa SSC-8 là phiên bản đặt trên mặt đất của tổ hợp tên lửa hành trình tầm xa trên biển Kalibr-NK, nên nó mang đầy đủ những tính năng kỹ chiến thuật cơ bản của dòng tên lửa này. Tên lửa này được trang bị hệ điều khiển và dẫn đường dựa trên quán tính với cảm ứng Doppler điều chỉnh góc tấn công theo hệ thống định vị vệ tinh Glonass và GPS.

Ở giai đoạn cuối, đầu tự dẫn radar chủ động trên tên lửa sẽ được kích hoạt, tự động tìm kiếm và lao vào tấn công mục tiêu bằng đầu đạn nặng tới 450kg. Theo nguồn tin tình báo phương Tây, Nga còn phát triển cả đầu đạn hạt nhân cho SSC-8.

Về cơ cấu phóng, SSC-8 rời khỏi ống phóng ở trạng thái thẳng đứng với sự trợ giúp của động cơ nhiên liệu rắn có tác dụng tăng lực đẩy sau khi phóng. Sau đó, động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy sẽ đưa tên lửa vượt hàng nghìn km tới mục tiêu với tốc độ bay cận âm.

Về thiết kế, SSC-8 được sản xuất theo nguyên lý khí động học thông thường với hai cánh được gấp lại trong thân khi di chuyển. Tên lửa SSC-8 có thể dễ dàng vượt qua hệ thống phòng không của đối phương bằng hành trình bay phức tạp với nhiều lần chuyển hướng ở độ cao rất thấp.

Điểm khác biệt duy nhất giúp SSC-8 khẳng định được uy lực so với phiên bản Kalibr-NK lắp đặt trên tàu chiến chính là tầm bắn. Nếu như Kalibr-NK có tầm bắn tối đa khoảng 2.500 km thì SSC-8 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến trên 5.400km.

Điều đặc biệt, SSC-8 có thể bay với tốc độ siêu thanh và đây có thể chính là điểm khiến M8yx e ngại nhất ở vũ khí này. Bởi theo tuyên bố của vị chuyên gia tên lửa hàng đầu của Mỹ là Richard M.Harrison, hiện phòng thủ của Lầu Năm Góc chưa có vũ khí đối phó được với tên lửa siêu thanh.

Chuyên gia Mỹ cho rằng, vũ khí siêu thanh Nga phát triển là "một thế hệ mới những tên lửa bay cực nhanh và có khả năng cơ động vượt trội". Không giống các tên lửa đạn đạo, các tên lửa siêu thanh không bay theo quỹ đạo hình parabol để có thể đoán trước mà đánh chặn.

Để bắn hạ một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay hoàn toàn đủ khả năng nhắm trúng mục tiêu và “bắn một viên đạn bằng một viên đạn".

Chuyên gia M.Harrison thừa nhận: "Đối phó với các tên lửa siêu thanh thì chẳng khác nào đang cố gắng bắn vào một viên đạn có thể đổi hướng bay giữa chừng. Số lượng các hệ thống phòng thủ có khả năng làm như vậy là vô cùng ít...

Các hệ thống radar hiện tại cũng không đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ. Thậm chí ngay cả khi những người vận hành biết được về vụ phóng tên lửa siêu thanh thì các hệ thống radar mặt đất hiện có cũng không thể phát hiện chính xác để mà cảnh báo cho hệ thống đánh chặn".

"Ngoài ra, mặc dù các tên lửa siêu thanh bay cao trong tầng khí quyển Trái Đất nhưng lại quá thấp để các hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo trong không gian hiện nay có thể phát hiện ra. Chính vì vậy, hiện Mỹ không có cách nào đánh chặn vũ khí siêu thanh", chuyên gia Mỹ thừa nhận.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tham-vong-vu-khi-tam-trung-cua-nga-khien-my-on-lanh-3374032/