'Thần cước' Lê Thanh Tùng mang chuông đi gióng xứ người

Võ sư Lê Thanh Tùng (SN 1950) bắt đầu học võ từ năm lên 6 tuổi, do cha ông là cố Đại võ sư Lê Đại Hoan ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) truyền dạy.

“Thần cước” Lê Thanh Tùng (bìa phải) và “độc cô cầu bại” lão võ sư Phi Long bàn chuyện võ thuật sau gần nửa thập kỷ gặp lại

Đến năm 1965, ông chính thức tập luyện môn boxing (quyền anh) từ người thầy Thomson đến từ Hawai (Mỹ) và Tám Denis, 1 người Việt gốc Pháp sống ở Sài Gòn. Sau 3 năm luyện tập quyền anh, võ sư Lê Thanh quay lại luyện tập võ cổ truyền tại võ đường của cha mình là võ sư Lê Đại Hoan rồi chuyển sang thi đấu võ tự do và làm nên sự nghiệp.

Lê Thanh Tùng bách chiến bách thắng trên các võ đài từ Sài Gòn cho đến các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Bằng những trận đấu gây ấn tượng với những chiến thắng thuyết phục, năm Lê Thanh Tùng mới 18 tuổi (năm 1968) ông đã được Tổng cuộc Quyền thuật phong tặng danh hiệu “võ sĩ trẻ triển vọng nhất”.

Năm 1970, chàng võ sĩ trẻ Lê Thanh Tùng đã đoạt chức vô địch võ tự do toàn miền Nam, sau ông mở phòng tập “Lê Thanh huynh đệ” tại quận Phú Nhuận. Võ sư Lê Thanh Tùng kể rằng, giải đấu năm 1970 quy tụ rất nhiều võ sĩ giỏi từ các tỉnh, thành toàn miền Nam lúc bấy giờ tham gia. Để đi đến chiến thắng cuối cùng, ông đã phải trải qua 5 vòng đấu, nhưng trận đấu khó khăn nhất là ở vòng bán kết, đối thủ là võ sĩ Lý Ngọc Long, nhà vô địch đai đen Taekwondo toàn miền Nam chuyển sang học võ cổ truyền, thi đấu cho võ đường của võ sư Lý Huỳnh. Trận chung kết, võ sĩ Lê Thanh Tùng chiến thắng võ sĩ Minh Cường thuộc võ đường Minh Sang rất nổi tiếng ở Sài Gòn khi ấy để giành chức vô địch.

Võ sư Lê Thanh Tùng (bìa phải) giành chiến thắng trong 1 trận thượng đài

Năm 1972, võ sĩ Lê Thanh Tùng được Tổng cuộc Quyền thuật miền Nam Việt Nam phong võ sư, tham gia công tác trọng tài và giám định do Tổng cuộc Quyền thuật miền Nam Việt Nam điều hành. Đến năm 1974 võ sư Lê Thanh Tùng được Tổng cuộc Quyền thuật tin tưởng giao trọng trách làm huấn luyện viên phái đoàn võ sĩ miền Nam đi thi đấu quốc tế tại Campuchia.

Võ sư Lê Thanh Tùng nhớ lại, qua 2 ngày thi đấu tại đất nước Chùa Tháp, phái đoàn võ thuật miền Nam Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể: 2 trận thắng điểm thuộc về võ sĩ Minh Thành với bộ môn boxing và nữ võ sĩ Xuân Thắm với bộ môn võ tự do; 1 trận hòa của võ sĩ Lê Thanh Ngọc với bộ môn võ tự do.

Võ sư Lê Thanh Tùng nhận định, Lê Thanh Ngọc xứng đáng thắng cả 2 hiệp cuối, nhưng phía Ban Giám định Tổng cuộc Quyền thuật Campuchia lúc bấy giờ bị áp lực quá lớn từ phía khán giả nên mới có kết quả ấy. Rất đông khán giả Campuchia đi xem trận đấu như muốn nổi loạn trong thời gian chờ trọng tài công bố kết quả chung cuộc. Khán giả Campuchia chỉ muốn võ sĩ nước nhà chiến thắng trên võ đài được mở tại thủ đô Phnom Penh. Để giữ hòa khí cho trận đấu cuối cùng, khép lại 2 ngày tranh giải, cuối cùng ban tổ chức phải tuyên bố trận đấu hòa điểm.

Võ sư Lê Thanh Tùng (đứng thứ 2 tính từ phải sang) cùng các đồng môn trong thời gian dạy võ tại huyện Phù Cát (Bình Định)

“Thi đấu trên võ đài võ sĩ phải biết “tụ lực” chứ đừng để “tản lực”. Tức là khi ra đòn phải đạt hiệu quả cao nhất để hạ đối phương, chứ đừng ra chiêu đẹp mắt mà đối thủ không trúng đòn, còn mình thị bị phí sức. Vì vậy, võ sĩ phải hình thành thói quen phản xạ bằng các đòn đánh, thế đá cho hiệu quả chứ không nên đánh theo bài vở khiến đối phương dễ bắt bài rồi tung đòn đối phó”, võ sư Lê Thanh Tùng chia sẻ.

Năm 1978, võ sư Lê Thanh Tùng rời Việt Nam, sang định cư tại thành phố Santa Ana thuộc quận Cam, bang California (Mỹ). Năm 1983, ông mở võ đường tại nhà riêng ở thành phố Santa Ana để đào tạo huấn luyên viên nòng cốt môn võ cổ truyền Việt Nam. Hai năm sau, ông trở thành Chưởng môn khai sáng Việt Quyền Đạo và mở trung tâm luyện võ cổ truyền đầu tiên trên đường Hoover, thành phố Westminster. Năm 1988, ông tiếp tục mở Trung tâm huấn luyện Việt quyền Đạo tại Moran St, Westminster.

Cũng theo võ sư Lê Thanh Tùng, riêng người dân Mỹ, phần đông họ chú trọng các môn võ thực dụng như boxing, kick boxing và Mixed martial arts (MMA) để ước mơ trở thành những võ sĩ nổi danh trên võ trường thực chiến của thế giới. Bởi, khi đã nổi tiếng trên đấu trường võ thuật, họ có thể có nguồn thu nhập cao.

"Tôi đang nuôi ước mơ một ngày nào đó, võ cổ truyền Việt Nam sẽ chắt lọc được tinh túy, đồng thời cải biến hơn để trở thành môn võ thực dụng phù hợp với thị hiếu của người dân bản xứ nhưng mang đậm bản sắc Việt Nam”, võ sư Lê Thanh Tùng, tâm sự.

Môn sinh Việt Quyền Đạo của võ sư Lê Thanh Tùng thi đấu giải kick boxing

VŨ ĐÌNH THUNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/than-cuoc-le-thanh-tung-mang-chuong-di-giong-xu-nguoi-post220352.html